Đã có thời điểm cả làng, cả xã gọi lão Tuyến là "thằng điên". Mà cũng đúng vậy, chỉ có người "có vấn đề" mới bỏ ra tiền tỷ đi mua những ngôi mộ, xác chết không thân thích, mang về xây đắp khang trang rồi suốt ngày hương khói.
TIN BÀI KHÁC

Chuyện về gã nhà giàu này cứ hư hư, thực thực, không nhìn tận mắt chắc sẽ rất ít người tin những giai thoại về việc mà gã đã làm.

Nhưng rồi, mọi lời đồn đại, những câu chuyện đàm tiếu, thậm chí là những lời độc mồm, độc miệng đều dừng lại ở phía sau. Giờ đây, những gì mọi người nhìn thấy đó là hai khu nghĩa trang mồ côi khang trang với hơn 1.500 nấm mồ nằm cạnh nhau. Đó là thành quả mà theo như lời lão như vậy cũng coi như mình đã làm được một việc có ích cho đời.

Bỏ tiền của mua thứ "giời ơi đất hỡi"

Lão tên Lâm Văn Tuyến, người làng Tân Lý, xã Trực Hùng (Trực Ninh-Nam Định). Những người sống quanh khu vực này thường gọi lão là đại gia vì xét ra gia đình lão cũng thuộc dạng khá giả trong vùng. Nhưng để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, lão cũng đã phải đổ mồ hôi ròng rã trong suốt vài chục năm liền.

Khi đã có tiền, có thể sống một cuộc sống thanh bình, giản dị, có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thì lão lại nghĩ đến việc khác. Đi mua mộ, hài cốt mồ côi về hương khói. Lão nghĩ, mình có được như ngày hôm cũng nhờ trời đất phù hộ, được hưởng phúc lộc của cuộc đời thì cũng phải biết sẻ chia với những số phận hẩm hiu khác. Lão nghĩ là làm. Dành trọn cái tâm cho công việc của mình, chẳng phải vì vụ lợi điều gì mà tất cả chỉ là bởi lão nghĩ mình nên làm  như vậy…

Ông Lâm Văn Tuyến bên nghĩa trang mồ côi.
Lão Tuyến vốn sinh ra trong một gia đình đông con. Giữa một mảnh đất thuần nông, cha mẹ lại mất sớm nên anh em lão sớm phải đi lao động và mưu sinh. Tuổi thơ của lão gắn liền với những ký ức cơ cực và những ngày tháng khổ ải lao động. Nhưng rồi mọi thứ cũng đều đi qua. Lão cố gắng hết sức làm việc, kiếm tiền để thêm thắt vào sinh hoạt gia đình. Rồi lão có vợ, có con.

Khi đã có gia đình riêng, lão tự biết rằng nếu như chỉ dựa vào sức lao động quanh nghề nông sẽ chẳng bao giờ đủ ăn. Vậy là lão tư duy phải kiếm tìm một ngành nghề gì khác, chứ không thể mãi trông vào vài sào ruộng. Dân sống trong huyện có một bộ phận thường xuyên đi biển đánh bắt hải sản. Mỗi lần ra khơi, những người ngư dân lại phải bỏ ra một khoản tiền đầu tư không nhỏ để mua thừng chão. Lão nhìn thứ đó và tự mình có thể làm được những loại thừng, loại chão như vậy. Lão nghĩ rằng, mình cũng có thể làm ra, tội gì phải đi mua ở những nơi xa xôi mà giá cả đắt đỏ…

Nghĩ là làm, lão bắt tay ngay vào việc tết thừng, tết chão. Lão miệt mài se từng đoạn dây, vặn thật kỹ càng để làm sao ít nhất phải đảm bảo chất lượng như loại mà ngư dân vẫn mua. Sản phẩm lão làm ra ban đầu chỉ là dân trong xã, rồi tiếng lành đồn xa ngư dân ở các vùng khác cứ lũ lượt đến cơ sở sản xuất của lão để mua thừng chão. Công việc sản xuất loại mặt hàng này của lão Tuyến nhờ đó mà ngày một phát triển.

Sản phẩm làm ra không đủ nhu cầu. Ban đầu chỉ là người trong gia đình làm, rồi lão phải đi thuê người về làm để đủ sản phẩm bán. Sản phẩm của lão rẻ hơn rất nhiều so với ngoài thị trường hơn nữa chất lượng lại rất đảm bảo. Vậy là lão bắt đầu ăn nên làm ra. Kinh tế gia đình cứ thế mà đi lên. Suốt vài chục năm, lão gắn bó với nghề bện thừng chão và cũng nhờ cái nghề này mà lão đã có được một cơ ngơi rất khá giả.

Khi đã lui về tuổi xế chiều, lão Tuyến nghĩ mình nên dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng cũng chính lúc này, khi không còn vướng bịu với những công việc kinh doanh, lão lại muốn thực hiện ý tưởng khi minh còn trẻ vẫn ấp ủ, đó là đi gom những ngôi mộ mồ côi về để hương hỏa. Lão nhớ dạo vẫn còn làm ruộng, mỗi khi đi cày bừa lão thường vướng vào những mảnh gỗ quan tài hoặc những mảnh sành tiểu. Biết đó là những ngôi mộ đã mất tích lão lại tự mình cuốc đất đắp thành những nấm mồ.

Nhưng rồi, do quá trình làm nông nghiệp mà rất nhiều nấm mồ lão đắp đã bị san bằng. Lúc đó, lão muốn tập hợp những ngôi mộ đó lại nhưng chẳng thể làm được vì không có tiền và cũng chẳng có thời gian. Suốt những tháng ngày về sau đó lão thường xuyên bị ám ảnh bởi những suy nghĩ xung quanh các nấm mộ mồ côi. Và trong suy nghĩ, lão vẫn ấp ủ ý tưởng đến một ngày nào đó sẽ phải tập hợp những ngôi mộ đó lại…

Khi đã có tiền và có thời gian, lão bắt đầu thực hiện dự án của mình. Ban đầu lão viết đơn xin đất của chính quyền. Nhiều người nghĩ lão đang mưu mô chiếm đoạt đất đai. Mặc kệ tất cả, lão bắt đầu thuê người đi tìm mộ, rồi đào lên mang về an táng. Khi đã có đất xã cấp, lão bắt đầu xây nghĩa trang. Những nấm mồ dần dần mọc lên, hàng chục, hàng trăm rồi cho đến hàng nghìn ngôi mộ và khu nghĩa địa có tên "Nghĩa trang mồ côi" của lão Tuyền ngày một khang trang lên. Ngày nào người ta cũng thấy lão ra quét dọn, hương khói cho khu nghĩa trang. Đến lúc này nhiều người lại nói lão dở hơi, mang công sức, tiền của đi mua thứ giời ơi, đất hỡi. Nhưng lão vẫn chẳng đoái hoài tới những điều đó. Việc lão thì lão cứ làm. Chẳng ảnh hưởng đến ai là được rồi.

Nợ đời trả biết bao giờ cho hết

Rồi khi việc của lão Tuyến làm đã được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn thì người đời lại dành cho lão sự khen ngợi nức lời. Tiếng thơm từ công việc lão làm cứ thế mà bay cao, bay xa đến nhiều khu vực khác. Giờ đây những người sống quanh khu vực xã Trực Hùng hễ ở đâu người dân phát hiện ra những ngôi mộ lang thang lại báo tin gấp cho lão Tuyến. Thông tin về những ngôi mộ hoang, không người thân cứ đến với lão ngày một dồn dập hơn. Lão Tuyến đã thuê riêng cho mình một đội bốc mộ chuyên nghiệp để lo phần đào tìm và an táng cho các nấm mồ.

Để mọi người tiện thông báo, lão Tuyến còn nghĩ ra cách ghi tên và số điện thoại của mình ngay ở nghĩa trang với dòng chữ: "Ai phát hiện ra hài cốt mồ côi ở ruộng, gò xin báo cho ông Tuyến. Xin cảm ơn"… Công việc của lão cứ triền miên ngày này qua ngày khác, lão cứ triền miên qua những đợt đi kiếm tìm mộ lang thang.

Dự án của lão mới đi được gần 4 năm nhưng hơn 1.500 ngôi mộ mồ côi đã được lão tập hợp và xây mới. Hai khu nghĩa trang rộng lớn nằm ở cánh đồng thôn Tân Lý giờ chẳng còn một chỗ trống. Lão Tuyến lại đau đáu tìm một chỗ đất mới để xây những ngôi mộ tiếp theo vì càng ngày lão càng tìm được nhiều hài cốt mồ côi hơn.

Nhưng mọi chuyện lão sẽ tính dần dần, trước mắt lão vẫn chỉ tập trung vào việc đi tìm kiếm những ngôi mộ mới. Mỗi lần tìm được một bộ hài cốt là lòng lão lại rộn lên nhiều suy nghĩ khác nhau. Lão thấy vui vì mình đã giúp được một linh hồn khỏi cảnh lang thang, bơ vơ.

Nhưng có lần tìm được cả vài chục ngôi mộ liền một lúc lão lại thấy lòng mình buồn vô cùng. Những lúc như vậy, lão Tuyến hiểu rằng, trên đời này còn rất nhiều những ngôi mộ mồ côi cần được an táng. Dù lão có tìm được cả nghìn, thậm chí cả vạn bộ hài cốt đi chăng nữa thì cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Lão tự nghĩ mình mang một kiếp nợ đời, việc lão tìm những ngôi mộ mồ côi cũng chỉ coi như trả nợ thôi, chẳng có gì đáng nói cả…

Việc lão Tuyến làm ngày một bay cao, bay xa hơn. Bây giờ, nghĩa trang mồ côi của lão thường xuyên có nhiều người đến thăm nom, thắp hương. Có những người còn nhận rằng, hài cốt người thân của họ đang nằm ở nghĩa trang này. Họ muốn xin lão Tuyến cho mang về để hương khói. Nhưng lão một mực từ chối. Từ khi lão bắt tay vào thực hiện dự án xây nghĩa trang mồ côi này, có một nguyên tắc bất dịch mà lão đề ra đó là những ngôi mộ đã được quy tập ở đây thì bằng mọi giá sẽ không bao giờ được chuyển đi đâu. Có rất nhiều người giàu có, đi xe ô tô cáu cạnh về xin lão Tuyến cho mang mộ đi, thậm chí tình nguyện tặng tiền để ủng hộ công việc xây dựng nghĩa trang nhưng lão vẫn từ chối. Nguyên tắc vẫn mãi mà nguyên tắc. Có hay chăng mộ đã xây rồi, có thời gian cứ về để hương khói…

Cánh đồng thôn Tân Lý bây giờ lúc nào cũng có mùi hương ngan ngát trong làng gió. Dường như những bộ hài cốt mồ côi được lão Tuyến an táng đã bớt đi phần cô quạnh khi đã được quy tập ở một nơi rất khang trang. Ngoài những ngày đi tìm mộ, chẳng hôm nào lão Tuyến không ra khu nghĩa trang. Những ngôi mộ không bia chữ dường như làm lòng lão nhẹ nhõm hơn nhiều. Lão thấy vui khi ngày có nhiều ngôi mộ mồ côi được xây mới dù mồ hôi, công sức, tiền bạc của lão vẫn chảy ra rất nhiều…

(Theo Cảnh sát toàn cầu)