Chương trình “Đi tìm triệu phú” của VTV3 tối 4/10/2011 có ra câu đố: Từ khi Kiều bán mình chuộc cha đến ngày gặp lại Kim Trọng, quãng thời gian này là: a/ Hơn 1 năm ; b/ Hơn 5 năm; c/ Hơn 10 năm ; d/ Hơn 15 năm.
TIN BÀI KHÁC


Sau khi nghe câu hỏi, do chưa tin chắc khả năng, người chơi đã chọn cách trợ giúp nhờ khán giả. Khán giả hôm ấy lại có đa số chọn câu trả lời “c/Hơn 10 năm” và người chơi cũng theo đó chọn câu trả lời “Hơn 10 năm”. Người dẫn chương trình Lại Văn Sâm lại cũng nhất trí câu trả lời của người chơi là đúng rồi giải thích thêm: Đúng là Kiều được gặp lại Kim Trọng hơn 10 năm sau khi bán mình chuộc cha, bởi Truyện Kiều có đoạn:

“…Thăng đường chàng mới hỏi tra,
Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:
Sự này đã ngoại mười niên…”.

Chương trình "Ai là triệu phú" (Nguồn: VTV)
Lời giải của người dẫn chương trình có lẽ căn cứ trên đáp án và chứng cứ viện dẫn của người soạn câu hỏi và đáp án cuộc thi. Người soạn có thể không chú ý các đoạn thơ gần cuối truyện nên đã vội khẳng định “Kiều lưu lạc hơn 10 năm sau khi chia tay cùng Kim Trọng”.

Xem kỹ Truyện Kiều thì câu chuyện bắt đầu từ câu 2.765, kể việc Kim Trọng đã tìm Kiều khắp nơi:

“…Cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe.
Biết bao công mướn của thuê,
Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi.
Người một nơi hỏi một nơi,
Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?

Nhiều năm tìm không được tông tích, đau khổ đến cùng cực… mãi 15 năm sau… sau khi đỗ đạt, Kim Trọng tình cờ được triều đình cử trấn nhậm Lâm Tri (nơi Kiều đã bị Mã Giám sinh và tú bà mua về, đẩy vào lầu xanh). Tại đây, nhờ hỏi một viên lại già họ Đô, Kim Trọng mới biết được quá trình Kiều lưu lạc. Quả là viên lại già này có nói:

“…Sự này đã ngoại mười niên,
Tôi đà biết mặt biết tên rành rành.
Tú bà cùng Mã Giám sinh
Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về…”

Tuy câu thơ có khẳng định “Sự này đã ngoại mười niên” nhưng người đọc có thể hình dung được đây chỉ là việc ước định một quãng xa của thời gian trong hồi ức của một người già. Không thể vin vào lời này mà khẳng định là Kiều xa Kim Trọng hơn 10 năm được… bởi vì đọc kỹ ở đoạn sau thì Nguyễn Du đã xác định rõ thời gian lưu lạc của Kiều từ khi bán mình chuộc cha đến khi gặp lại được Kim Trọng là 15 năm… Việc xác định này có đến 2 lần ở 2 đoạn thơ khác nhau:

* Câu 3.020:

“…Huyên già dưới gối gieo mình,
Khóc than mình kể sự tình đầu đuôi:
Từ con lưu lạc quê người,
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm!

* Câu 3.070 :

“…Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình ! …”

Câu chữ của Nguyễn Du rất rạch ròi. Câu nào, đoạn nào cũng sống động, hợp tình hợp lý. Khoảng thời gian xác định 15 năm trong 2 câu thơ trên là lời của chính Thúy Kiều khắc khoải nhớ quê, nhớ gia đình, cha mẹ… và của Kim Trọng tha thiết nhớ người mình yêu; thời gian xa cách tính từng ngày từng khắc… khác hẳn lời của viên lại già ở đoạn trước: chỉ là ký ức của một người già biết việc, biết người...

Kiều lưu lạc 15 năm… cũng có thể là hơn, kém đi vài ngày bởi chắc chắn không thể có chuyện Kiều bán mình chuộc cha vào ngày N để rồi cũng ngày đó tháng đó, 15 năm sau Kiều lại gặp lại Kim Trọng. Vậy căn cứ 2 câu Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm! và Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! thì “mười lăm năm” ở đây cũng có thể tạm cho là “hơn 15 năm”; vậy ta chọn đáp án đúng là câu Hơn 15 năm chứ ai lại chọn câu Hơn 10 năm?

Người soạn câu hỏi và đáp án cũng phạm một khuyết điểm nữa là không nhớ những gì đã học trong chương trình học phổ thông. Truyện Kiều đã được dạy khá kỹ ở chương trình ngữ văn lớp 9 và lớp 11. Trong các bài học về Truyện Kiều, sách giáo khoa ở 2 cấp lớp này đã nhiều lần lặp đi lặp lại cụm từ “mười lăm năm lưu lạc” khi nói về cuộc đời chìm nổi của Kiều sau khi bán mình chuộc cha cho đến lúc đoàn viên.

Chương trình VTV3 Đi tìm triệu phú tuy là giải trí nhưng lồng vào kiến thức phổ thông rất hay, có thể giúp người xem nhớ lại những gì đã học ở nhà trường. Nhớ mà “nhớ trật” như thế là điều đáng tiếc.
(Theo Tuổi trẻ Online)