Ở cái tuổi nói năng còn chưa sõi, đi lại còn cần người ẵm, người bồng thế nhưng một số bé đã có những biểu hiện dậy thì rõ rệt khiến các bậc phụ huynh không khỏi hoang mang.
TIN BÀI KHÁC


Bé 2 tuổi ngực nở, có kinh

Trường hợp bé gái Đ.K.H (sinh tháng 2/2009, Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) có tuyến vú phát triển và có kinh nguyệt hơn 1 năm nay khiến gia đình và giới y khoa không khỏi ngạc nhiên. Chị N. (28 tuổi), mẹ bé H. cho biết trên Tuổi trẻ, vào năm ngoái ngay sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vú của bé, gia đình chị đã đưa bé đi khám tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM). Dù được cho thuốc uống nhưng tình hình không có gì biến chuyển. Đến tháng 5/2011, vùng âm đạo của bé đột nhiên ra một ít máu, kéo dài 2 ngày như đến ngày đèn đỏ.
Trường hợp bệnh nhân nhi đến khám vì tuyến vú phát triển (Ảnh: Bee.net.vn)
Quay trở lại BV làm các xét nghiệm, các kết quả cho thấy não bé H. phát triển bình thường, tuy nhiên nang buồng trứng trái và tử cung lớn hơn so với trước, gan bị nhiễm mỡ. Theo chẩn đoán của các bác sĩ BV Nhi đồng 2, bé H. bị dậy thì sớm ngoại biên, chính nang buồng trứng hai bên là nguyên nhân chính gây ra bệnh dậy thì sớm, tuy nhiên cần phải xác định xem nang buồng trứng này là nguyên nhân thứ phát hay nguyên phát.

Trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thuý, phó khoa Thận-Nội tiết, BV Nhi Đồng 2 nhận định, trường hợp dậy thì của bé H. là trường hợp đặc biệt. Các kết quả chụp MRI não, test nội tiết tố đều chưa thể xác định được nguyên nhân, trong khi phần lớn những trường hợp dậy thì sớm khác đều có nguyên nhân gây bệnh từ não (với các trường hợp này, bác sĩ chỉ cần dùng thuốc ức chế 1 lần/tháng). Dự kiến cuối tháng này, bé H. sẽ tiếp tục lên BV Nhi đồng 2 tái xét nghiệm với sự tham gia trực tiếp của giáo sư người Úc chuyên về nội tiết tố nhi.

2 tháng tuổi cũng dậy thì


Trong khi phần lớn trẻ dậy thì ở tầm khoảng 13 tuổi, thì bé Đinh Thị Phương L. (sinh năm 2007, TP.Việt Trì, Phú Thọ) lại có những dấu hiệu dậy thì rõ rệt như ngực nở, bắt đầu từ tháng 6/2010 có kinh nguyệt đều đặn và kéo dài khoảng 4 ngày.
Hồ sơ bệnh án của bé Đinh Thị Phương L. tại Bệnh viện (Ảnh: Bee.net.vn)
Không dừng lại ở đó, đến tháng 7/2010, bố mẹ bé tiếp tục hoảng hốt khi phát hiện bé có lông mu. Đưa bé lên BV Nhi Trung ương, bé được kết luận bị chứng dậy thì sớm, mọi hoạt động của cơ thể vẫn bình thường, não bộ không có vấn đề gì. Những trường hợp dậy thì sớm ở độ tuổi như bé H., bé L. là rất hiếm, tuy nhiên những trường hợp dậy thì ở độ tuổi 6-8 tuổi không phải là cá biệt. Điển hình như trường hợp bé Nguyễn Thị V. (8 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh). Dù còn rất bé nhưng tuyến vú của cháu V. đã phát triển như người trưởng thành, núm vú thâm đen, phần lông mu phát triển.

Vào năm 2006, báo Tiền Phong từng dẫn lời bác sĩ Vũ Chí Dũng, Phó trưởng khoa Nội tiết, BV Nhi Trung Ương cho biết trong gần 10 năm (1996-2005) BV đã khám và điều trị cho 71 trường hợp dậy thì sớm, trong đó trường hợp cháu nhỏ nhất là bé gái mới chỉ 2 tháng tuổi.

1 tuổi mọc ria, 6 tuổi có tinh dịch


Không chỉ có bé gái mắc bệnh dậy thì sớm, một số bé trai cũng có những biểu hiện dậy thì ngay từ khi còn rất nhỏ. Vào tháng 5 năm nay, tại Bình Chánh, TP.HCM phát hiện trường hợp bé trai N.L.M.T (31 tháng tuổi) nhưng đã có những biểu hiện của một người đàn ông trưởng thành như bộ phận sinh dục phát triển, lông tay, lông chân và lông mu mọc dài, đen, gương mặt dần già đi và vỡ tiếng.

Dù đã đi khám tại nhiều nơi song các bác sĩ đều ngạc nhiên “Bệnh này tôi chưa từng gặp”. Khi được điều trị tại BV Nhi đồng 1, sau một thời gian, chứng bệnh của cháu T. đã giảm dần, cơ quan sinh dục không phát triển nữa, lông trên người đã rụng bớt. Trước đó, một bé trai 26 tháng tuổi (Hà Nội) cũng có những biểu hiện tương tự như mọc ria mép, giọng nói ồm ồm, phát triển cơ bắp và bộ phận sinh dục.

Vào năm 2010, báo điện tử Bee.net.vn cũng từng dẫn trường hợp dậy thì cá biệt của bé Hoàng Anh T. (6 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội). Dù còn rất nhỏ nhưng bé T. đã xuất hiện mụn trứng cá, nghĩ là do trời nóng, phát mụn nên bố mẹ không để ý. Chỉ đến khi tắm cho con, chị Nga (mẹ bé T.) mới hoảng hốt phát hiện dương vật của bé T. lớn hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi. Tiếp tục theo dõi, vợ chồng chị Nga phát hiện bé T. thường xuyên thủ dâm và có những biểu hiện khác lạ.

Bệnh nguy hiểm

Dậy thì sớm bệnh lý là tình trạng dậy thì xuất hiện ở bé gái trước 8 tuổi và ở bé trai trước 9 tuổi. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết, chuyển hoá, di truyền - BV Nhi Trung ương cho biết trên Bee.net.vn thì bệnh này được phân làm 2 loại: dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả.

Việc ăn uống dư thừa chất, lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm (Ảnh: VTV)
Dậy thì sớm thật là do sự kích thích của não có nguyên nhân do u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng…Dậy thì sớm giả vô căn hay còn gọi là không rõ nguyên, ở cháu gái là u nang buồng trứng, cháu nam do tăng sản thượng thận bẩm sinh. Các trường hợp dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần trẻ em do cơ thể phát triển quá nhanh so với sự phát triển của trí não, khiến trẻ cảm thấy xẩu hổ, lo lắng, bất an và có thể dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra các bé gái dậy thì sớm có nguy cơ mắc các bệnh ung thư như: Ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng… cao hơn trẻ bình thường, còn trẻ nam có thể bị vô sinh.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, căn bệnh dậy thì sớm có xu hướng gia tăng khoảng 7-8 năm trở lại đây, có nguyên nhân chính là do trẻ em được ăn uống quá nhiều chất bổ, lười vận động. Ngoài ra chế độ ăn uống nhiều calorie, nhiều chất bổ cùng với việc lạm dụng nhiều thuốc bổ cũng có tác dụng làm thức dậy chức năng giới tính khiến trẻ dậy thì sớm. Sự tiếp xúc nhiều hơn và thường xuyên với văn hóa phim ảnh, đặc biệt là các phim tình cảm cũng khiến hàm lượng melatonin trong cơ thể suy giảm, thúc đẩy quá trình dậy thì của trẻ sớm hơn…

Vì vậy để sớm phát hiện bệnh, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên quan tâm, theo dõi sự phát triển của con cái mình, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở trẻ phải nhanh chóng đưa đi khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín. Tuỳ từng nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ có những cách điều trị khác nhau. Trường hợp bệnh do một số khối u, các bác sĩ sẽ cắt bỏ. Đối với các trường hợp do nội tiết tố, việc điều trị chủ yếu làm chậm quá trình dậy thì và quá trình điều trị chỉ ngưng khi bé đạt độ tuổi khuyến cáo dậy thì (nam là 9 tuổi, nữ là 8 tuổi).

Minh Anh (tổng hợp)