Thí sinh ngang nhiên quay cóp, trao đổi, làm bài chung... là những hình ảnh tại hội đồng thi tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH tổ chức tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM sáng 23/10. Từ trường hợp kỳ lạ này, dư luận không khỏi bức xúc, còn bao nhiêu những câu chuyện cười ra nước mắt?

TIN BÀI KHÁC


Thí sinh thoải mái "tác nghiệp" trong phòng thi

Câu chuyện thí sinh được “tạo điều kiện” trong kỳ thi tại hội đồng thi tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH tổ chức tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP HCM sáng 23/10 đã làm dư luận một lần nữa lại băn khoăn về những tiêu cực trong ngành giáo dục.

Người đứng, người chồm lên trong phòng thi sáng 23-10. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo thông tin trên Báo Tuổi trẻ, trong giờ thi ngày 23/10 phòng thi 64 và 65 tại Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP HCM, nhiều thí sinh đã ngang nhiên để tài liệu trên bàn để sử dụng. Bên cạnh đó, một số thí sinh khác còn thoải mái trao đổi, chép bài của nhau hay dịch chuyển vị trí để “trao đổi” được thuận tiện hơn. Nhưng điều đặc biệt là khung cảnh lộn xộn, mất trật này không hề nhận được một lời nhắc nhở nào từ phía giám thị.

Cũng trên báo này tường thuật lại, một thí sinh nam vừa thi xong ở phòng thi số 62 cho biết: "Hôm nay giám thị coi hơi khó chứ hôm qua cười đau cả bụng - thí sinh trò chuyện - Buổi thi hôm qua, thí sinh nhảy qua nhảy lại. Khi có “phao” là cứ ném cho nhau lung tung. Ném lên ném xuống, ném ngang ném dọc, ném hết. Cứ chỗ nào có bạn cần là tung hết qua"...

Câu chuyện hài hước này được báo chí phanh phui nhưng theo bạn đọc đây không phải là chuyện gì quá mới mẻ, bởi dường như, những hình ảnh này đã có phần quen thuộc tại một số hội đồng thi. Trên một diễn đàn, bạn đọc Thế Anh phản hồi: "Không chỉ riêng trường này, thử khảo sát một vòng các điểm thi liên thông sẽ thấy chuyện này diễn ra bình thường từ lâu không có gì lạ cả. Thế mới thấy được sự thức thời trong tuyển công chức ở tỉnh Nam Định. Thật bất công khi học miệt mài thi đậu đại học điểm cao cũng như đậu điểm thấp. Thật sự giáo dục Việt Nam cần phải nhìn nhận lại và đừng nên né tránh”.

Đây không phải là lần đầu tiên những hình ảnh đầy bức xúc này được báo chí phản ánh. Trước đó, có những câu chuyện hài hước kỳ lạ về một số cuộc thi cũng đã được phanh phui.

26 học viên "đứt gánh giữa đường"!

Năm 2007, tại ĐH Huế cũng xảy ra một vụ tiêu cực khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nhiều học viên cao học đang học thì nhận được quyết định không được công nhận kết quả trúng tuyển cao học. Câu chuyện ngược đời này được bắt đầu từ sau khi ĐH Huế tổ chức tổng kết kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2006, các thí sinh trúng tuyển đã được gọi nhập học gần một tháng, thì bất ngờ Giám đốc ĐH Huế nhận được một lá đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Hảo, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắc Nông, người vừa trúng tuyển, vốn không hề biết ngoại ngữ nhưng lại “qua” một cách rất trót lọt.

Sau khi nhận được đơn tố cáo, ĐH Huế đã cho rút bài thi của ông Nguyễn Đức Hảo ra để chấm lại và phát hiện bài thi này chỉ xứng đáng đạt 20 điểm (nhưng kết quả trong kỳ thi ông Hảo được cho 52 điểm). Hai cán bộ chấm thi môn tiếng Nga trong kỳ thi là TS Nguyễn Tình và Vũ Yến Sơn, giảng viên của Trường ĐH Ngoại ngữ Huế cũng thừa nhận bài thi của ông Hảo không đạt đến 52 điểm nhưng vì "thương" thí sinh mà họ đã nâng điểm. Sau đó, theo yêu cầu của Bộ trưởng, ĐH Huế đã tổ chức chấm phúc tra 54 bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh cao học này, và kết quả có 26 học viên đạt điểm trên 50, đã trúng tuyển và gọi nhập học thì xác định lại là không đủ điểm trúng tuyển.

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã chính thức có kết luận bằng văn bản không công nhận kết quả trúng tuyển cao học cả ba môn thi của 26 học viên trong “sự cố” môn tiếng Nga tại kỳ thi tuyển sinh cao học năm 2006 của ĐH Huế. Như vậy, sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển và đã tập trung học gần nửa chặng đường, công sức, tiền bạc của các học viên cao học đã trở thành “con số không”.

Học sinh yếu nhận điểm tuyệt đối

Năm 2006, họa sĩ Hoàng Trung - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, giáo viên khoa hội họa Trường cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật Nghệ An cũng gửi đơn tới các cơ quan chức năng, tố cáo “kỳ thi lên hệ CĐ tại chức năm 2006” tại trường này là một kỳ thi đầy gian dối. Họa sĩ này cho biết, ông rất bất ngờ khi đọc kết quả điểm thi hai môn hội họa và vẽ màu của 16/33 thí sinh hệ trung cấp trúng tuyển kỳ thi tại chức CĐ. Đa số đều đạt điểm gần tuyệt đối (9 điểm), còn lại đạt từ 7-8,5 điểm”.

Theo họa sĩ Trung, học lực của những thí sinh này khi họ đang học hệ trung cấp của trường là đa số đều học trung bình. Nhiều trường hợp vẽ yếu, thậm chí có trường hợp không biết vẽ tượng. Vụ việc này đã từng được dư luận ở Nghệ An đặc biệt quan tâm. Riêng họa sĩ Hoàng Trung, sau khi viết đơn tố cáo, đã nhận ngay thông báo của hiệu trưởng nhà trường về việc “nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội”! Nhiều người đã hoài nghi, phải chăng vì lá đơn “nói thật” ấy mà họa sĩ Trung đã phải nhận sự “răn đe” này?

Nương tay để khuyến khích người học?

Trở lại vụ việc "thả" cho thí sinh ngang nhiên quay cóp, trao đổi, làm bài được phản ảnh mới đây, trên báo Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Bộng - Chánh văn phòng công đoàn ĐH Đà Nẵng, trưởng điểm thi - cho biết, kỳ thi tuyển sinh này thuộc chương trình đào tạo liên thông ĐH chính quy do Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM liên kết với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức. Đây là đợt tuyển sinh thứ hai với 466 thí sinh đăng ký dự thi. Tại điểm thi này bố trí 14 phòng thi cho 445 thí sinh dự thi.

Trong cuộc trao đổi này, ông Bộng khẳng định, công tác tổ chức kỳ thi này được triển khai nghiêm túc, bài bản theo đúng quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, về sự việc được báo nêu, ông Bộng cho rằng, trách nhiệm thuộc về giám thị coi thi trong các phòng thi.

Sau đó, cũng trên báo này, ông Bộng giải thích thêm, các thí sinh dự thi tuyển sinh liên thông này có chuyên môn CĐ nghề kiến thức có phần hạn chế, trong khi đây là những khóa đầu tiên nên nhà trường có hơi “nương tay” cho thí sinh để động viên người học...

M.Ngọc (Tổng hợp)