- Sau khi đăng tải loạt bài viết “Nghịch cảnh học tiểu học và cao học”, VietNamNet nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi. Dưới đây là tâm sự của một bà mẹ ở quận Đống Đa, Hà Nội, hiện đang là học viên cao học đồng thời có con trai vừa bước chân vào lớp 1 cách đây chưa đầy 2 tháng.

Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
 
Trẻ vỡ lòng tối mắt, thạc sĩ lại “vểnh râu”
Một nghịch lý lạ lùng: Học vỡ lòng phải học ngày học đêm mới mong theo kịp chương trình, trong khi học thạc sĩ, tiến sĩ lại phởn phơ “học mà chơi, chơi mà học”.
 
Nghịch lý ở Việt Nam hay ở Mỹ?
Ở Mỹ, nếu cuối năm trẻ học lớp một tuyên bố thích đi học, đó chính là thành công của giáo viên trong cả năm.

Chào tòa soạn!

Tôi là một bà mẹ đang học cao học. Đọc loạt bài trên VietNamNet, tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện đi học của chính mẹ con tôi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi dự định học luôn lên cao học để lấy bằng thạc sĩ nhưng vì lý do chồng con nên đã gác việc học lại. Một năm trước, tôi quyết tâm thi cao học bởi công việc cũng không quá bận rộn và hy vọng có thể chuyển đổi được công việc tốt hơn với tấm bằng này.

Một cô bạn mới nhận bằng thạc sĩ ngữ văn bên trường ĐHQGHN, rỉ tai tôi: “Học nhàn tênh mà, không khó như hồi bọn mình học đại học đâu. Học cao học chỉ là học hình thức thôi, toàn những người đi làm rồi nên học lớt phớt lắm. Chỉ hơi khó khâu đầu vào thôi, cố gắng không bị trượt tiếng Anh là được".


Cháu vào lớp 1 mà đã “tụt hậu”, thua kém bạn bè thì 11 năm sau đó cháu học hành thế nào được?” (Ảnh minh họa: Theo TTXVN)
Việc học thạc sĩ đúng như lời cô bạn tôi nói, không hề cực nhọc, độ khó chỉ bằng 1/3 thời học đại học vì cũng chỉ toàn kiến thức cơ bản. Tôi đăng kí học không tập trung, tức là học vào thứ 7 và chủ nhật. Công ty tôi vẫn làm buổi sáng thứ 7, tôi xin phép làm qua mạng. Sáng thứ 7 tôi mang laptop lên lớp học để online làm việc. Ban đầu tôi cũng hơi sợ vì nếu thầy cô nhắc nhở trước lớp thì rất xấu hổ, nhưng lớp cũng có nhiều người vừa lướt web vừa nghe giảng nên tôi cũng yên tâm hơn. Học và thi ở lớp cao học cũng khá đơn giản. Mỗi môn chỉ có vài nội dung chính để ôn tập, đa số biết trước nội dung thi, lại có thể mượn đề cương của khoá trước. Đi học đúng là có mất một ít thời gian, nhưng không hề ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.

Trong khi tôi ung dung bao nhiêu thì cậu con trai học lớp một của tôi lại căng thẳng bấy nhiêu với những bài học vỡ lòng. Có đợt, ngày nào lên công ty, tôi cũng phải dò hỏi cho con xem có thầy, cô nào “mát tay” để luyện thi vào lớp 1 không. 5 tuổi đầu, cháu đã phải cấp tập học luyện để có thể thi vào được một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội, nào Tiếng Việt, Toán, rồi cả năng khiếu, Tiếng Anh. Mùa hè đáng ra trẻ phải được đi đây đi đó, mở mang hiểu biết còn hai cậu con trai nhà tôi thì bị mẹ ép phải ngồi vào bàn học. Thương con lắm nhưng đó là “phong trào chung” của bao nhiêu gia đình ở công ty tôi rồi. Kết quả là cậu con trai đầu của tôi được học ở trong một ngôi trường tiểu học danh tiếng và làm được một bài văn “bất hủ” tả con trâu như sau: “Con trâu nhà em có làn da nâu lắng mịn, nó to hơn con bò một tí, em đặt tên nó là Da nâu. Mỗi ngày ăn cơm xong em đều đưa Da nâu đi dạo…”.

Nhưng điều khiến tôi xót xa là đã học cả ngày ở trường, cháu lại phải học thêm ở nhà cô giáo vào buổi tối. Thế là nhiều lần, chồng tôi phải đứng ở cổng trường, dỗ cho cháu ăn vài thứ qua loa để còn kịp đưa cháu đến lớp học thêm. Đó là chưa kể, tối về, cháu lại bắt tay vào làm rất nhiều bài tập mà các cô đã giao. Mình là người lớn, chỉ làm theo giờ hành chính đôi khi còn thấy mệt mỏi, thế mà con tôi mới mấy tuổi đầu đã có thời gian biểu như một nhà nghiên cứu khoa học.
Buổi tối cuối tuần, sau kết thúc buổi học cao học về nhà, tôi chỉ việc xem tivi rồi ngủ, chẳng mấy khi động chạm đến bài vở. Gần đến học phần, chịu khó trau chuốt thêm cho vài tiểu luận, thế là xong. Bạn học của tôi còn thuê hẳn các em sinh viên làm tiểu luận với giá cả hết sức bèo. Ngược lại, cậu con trai vẫn phải "đánh vật" với những bài tập về nhà của lớp vỡ lòng.

Thằng bé cứ thế lao đầu vào học, không còn thời gian xem hoạt hình hay chơi đùa với các bạn hàng xóm vào mỗi tối. Nhiều hôm gia đình muốn tổ chức đi chơi thì cũng phải xem lịch học của con. Giờ tôi mới thấm thía câu nói của chị đồng nghiệp: Ước gì con có một ngày nghỉ thật sự. Chồng tôi hài hước đùa vợ: “Anh không hiểu em và cu Bin (tên gọi ở nhà của con trai tôi) ai học thạc sĩ, ai học lớp 1?”.

Thương con thì thương thật đấy nhưng không bắt con học không được. “Cháu vào lớp 1 mà đã “tụt hậu”, thua kém bạn bè thì 11 năm sau đó cháu học hành thế nào được”, lời chị bạn tôi nói đã khiến tôi phải suy nghĩ thật nhiều và thấy thương cho tấm bằng thạc sĩ mà tôi đương nhiên sẽ được nhận trong năm tới.

Nguyễn Minh Lan (phụ huynh học sinh)