Khoảng 92 triệu trẻ em gái và phụ nữ tại Châu Phi đã trải qua hủ tục kinh hoàng này. Việc cắt bỏ âm vật được xem là cách duy nhất để chứng tỏ cô gái đó đã lớn và đủ điều kiện kết hôn.
TIN BÀI KHÁC

Ngày kinh hoàng

Hủ tục cắt bỏ âm vật hay còn gọi là cắt bao quy đầu ở nữ được người dân “lục địa đen” nói chung và người dân Senegal nói riêng thực hiện từ hàng ngàn năm nay. Họ xem đây là một nghi thức truyền thống thể hiện tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.
Hủ tục đau đớn này khiến các bé gái bị ám ảnh suốt cuộc đời
Sare Harouna cũng giống như hơn 5.000 ngôi làng khác ở Senegal vẫn duy trì hủ tục kinh hoàng này.Thông thường, 4 phụ nữ sẽ được giao trọng trách để giữ chặt tay, chân của các bé gái trong độ tuổi từ 5-7 để thực hiện nghi thức thiêng liêng này. Việc cắt bỏ âm vật sẽ được tiến hành trước bình minh, dưới một tán cây to, bên cạnh những chậu nước suối do chính mẹ các bé gái mang tới.

Bassi Boiro, người phụ nữ lớn tuổi được giao trọng trách “thiêng liêng” này cho biết, bà đã sử dụng một con dao gia truyền để cắt bỏ âm vật của các bé gái trong nhiều năm cho đến khi con dao ấy cắt đậu bắp không nổi. Sau đó bà chuyển sang dùng lưỡi dao cạo để nhát cắt được dứt khoát hơn.

Aissatou Kande vẫn còn nhớ như in cái ngày kinh hoàng ấy. Cô rùng mình kể lại rằng, các bé gái khi tham gia nghi thức này, không hề được sử dụng một chút thuốc gây tê hay giảm đau nào. Vì lẽ đó hủ tục đau đớn này sẽ ám ảnh các bé gái đến hết cuộc đời.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, hủ tục này hoàn toàn không có lợi cho sức khoẻ của các bé gái. Nó can thiệp đến những chức năng tự nhiên của cơ thể phụ nữ, loại bỏ và làm hư hại các tế bào sinh dục nữ khoẻ mạnh.

Nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu ở những trường hợp cắt bỏ môi âm hộ là rất cao. Trường hợp nặng có thể bị xuất huyết, uốn ván, tổn thương một phần bộ phận sinh dục. Các hậu quả về lâu dài có thể là tái nhiễm trùng bàng quang và đường tiết niệu, u nang buồng trứng, vô sinh hoặc tăng nguy cơ các biến chứng khi con và làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Chiến dịch vì tương lai

Cộng đồng Senegal đang tạo ra một chiến dịch chống lại hủ tục nói trên. Ngay trong ngày cưới, Aissatou Kande tuyên bố cô sẽ bảo vệ con gái mình đến cùng để thoát khỏi những phong tục cổ xưa khiến hàng triệu phụ nữ đau đớn.
Phong trào phản đối FGM đang lan rộng tại nhiều quốc gia châu Phi
Sự thay đổi đã theo Kande đến ngôi làng mới của chồng cô – nơi những người lớn tuổi vẫn bị áp lực bởi hủ tục cắt bỏ âm vật các bé gái. Sự cương quyết của cô gái trẻ đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người. Mẹ cô, bà Marietou Diamank tuyên bố “Sẽ không ai được làm điều đó với cháu gái tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra”. Chỉ vài ngày sau, người đứng đầu ngôi làng đó cũng tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn hủ tục cắt âm vật của các bé gái.

Phong trào phản đối việc cắt bỏ bộ phận sinh dục bé gái đang lan rộng tại Senegal. Sự thay đổi này chính là nhờ vào hàng tỷ đô la đã được đổ vào cho các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng trên toàn thế giới trong những năm gần đây.

Năm 1997, WHO đã phối hợp cùng Quỹ trẻ em quốc tế (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ra một tuyên bố chung để chống lại các hủ tục cắt bỏ âm vật (FGM) ở bé gái trên toàn thế giới. Vào tháng 2/2008, với sự hỗ trợ của Liên Hợp quốc, WHO đã chính thức ra văn bản khuyến cáo chấm dứt hủ tục này.

Trên thực tế, Quốc hội Senegal cũng đã chính thức cấm việc tiến hành hủ tục này từ hơn một thập kỷ trước nhưng không mấy hiệu quả cho đến khi có sự ra đời của một tổ chức cộng đồng có tên Tostan.

Tổ chức này đã phối hợp thực hiện nhiều cuộc vận động, tuyên truyền vì quyền con người để nâng cao nhận thức của người dân Senegal về những nguy cơ mà các bé gái có thể gặp phải khi tiếp tục thực hiện hủ tục này. Một đội ngũ tình nguyện viên được huy động để đến từng ngôi làng vận động người dân. Và bước đầu họ đã có được những thành công, mang lại tương lai mới cho cuộc sống của các bé gái Châu Phi.

Thiên Thư (Theo AP, WHO)