Tại một thôn nghèo thuộc vùng quê chiêm trũng của xã Nhân Chính (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có một câu chuyện nghi án loạn luân diễn ra suốt 30 năm nay khiến bất kỳ ai nghe tới cũng phải bàng hoàng. Câu chuyện oan nghiệt này xoay quanh năm đứa trẻ, những sinh linh mà người đời cho rằng bố của chúng cũng chính là người mà chúng gọi là ông nội. Đến nay, câu chuyện trên vẫn được người dân ở cái vùng quê này mặc định là có thật bởi những nhân vật đề cập tới đều hiện hữu nơi xóm làng với tên tuổi, địa chỉ cụ thể và từ trước nay vẫn lặng im trước “búa rìu dư luận”.
TIN BÀI KHÁC
Bi kịch từ đói nghèo
Bối cảnh của câu chuyện là những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, ông Nguyễn Văn Trưởng (SN 1940, ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân) và bà vợ của mình đã có với nhau 3 mặt con. Trong đó cô con gái lớn tên Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1960), dưới đó là hai cậu em kém nhau một vài tuổi. Năm con người trong gia đình họ ăn ở trong một túp lều dựng tạm trên khu đất trống. Lam lũ quanh năm, suốt tháng mà căn nhàv ẫn trống hoác, gió lùa từ đầu nhà đến cuối nhà mà chẳng gặp vật cản gì, chứ không cần tính đến việc trong nhà có tài sản gì đáng giá.
“Hồi đó, nhà ông Trưởng nghèo lắm! Nghèo đến nỗi cả gia đình 5 người chỉ có một chiếc giường đôi ọp ẹp. Chẳng hiểu họ ngủ nghê thế nào, có thể nằm chen nhau mà cũng có thể người nằm trên giường, người dưới đất”, ông Đinh Văn Phong, Chủ tịchUBND xã Nhân Chính, gia đình gần nhà ông Trưởng nhớ lại.
Trong cái hoàn cảnh đói nghèo như vậy, người vợ của ông Trưởng thường cứ đến buổi tối lại đưa hai đứa con út về bên ngoại ngủ nhờ còn cô con gái lớn được cho ngủ lại nhà để dọn dẹp. Nhờ đó, căn nhà chật chội bỗng trở nên bớt ngột ngạt hơn hẳn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng tối trong túp lều ọp ẹp ấy chỉc ó ông Trưởng - người đàn ông ngoài ngũ tuần và cô con gái đương tuổi xuân xanh.
“Bình thường thì sự việc cũng chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là trong bối cảnh ấy, cô con gái lớn lại cứ năm lần, bảy lượt lùm lùm cái bụng lên mà không có người đàn ông nào trong làng ngoài xã đứng ra nhận trách nhiệm. Dân trong vùng bắt đầu xì xào, bàn tán. Trong những luồng tin đồn khác nhau, cón hiều người mạnh dạn đặt ra giả thiết: “Biết đâu người cha chính là “tác giả” của những cái bụng bầu mà cô con gái mang?”.
Họ cho rằng: “Nếu cô Nguyệt này ăn nằm với ai rồi lỡ có bầu thì trước những lời đàm tiếu cay nghiệt như vậy, người đàn ông kia dù có là “tâm hồn gỗ đá” cũng sẽ đứng ra nhận mình là “thủ phạm”. Cái chuyện đẩy người yêu mình vào bi kịch loạn luân cha con giữa cái vùng quê toàn người chất phác này ắt là chuyện ác độc đến độ khó ai có đủ tàn nhẫn để thực hiện. Hoặc ít ra thì cô Nguyệt và gia đình cô cũng phải thanh minh cho mình. Đằng này, người trong cuộc cứ im lặng, nhẫn nhục mà sống trước những lời đồn thổi...”, ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên công an viên xã Nhân Chính kể lại.
|
Ảnh minh họa. |
“Dậy sóng” dư luận
“Thời đó, câu chuyện như thế này có sức công phá khủng khiếp lắm. Nó là danh dự không chỉ của gia đình mà còn là của cả làng xã, dòng tộc. Khi cô Nguyệt và gia đình lặng im trước dư luận thì cũng là lúc sự bức xúc trong mỗi người dân ở cái làng quê này nhân lên. Đỉnh điểm là khi cô con gái đến ngày sinh nở, hàng chục người trong làng đã nổi giận tìm đến đòi đánh người cha. Nghe nói lúc ấy ông Trưởng phải chui xuống gầm giường nhà mình để trốn. Từ đó, ông này bị thiên hạ đặt cho có cái biệt danh đầy sự khinh miệt: “Trưởng “Chó””, một nhân chứng trong làng hồi tưởng.
Dư luận cay nghiệt như vậy, rồi bỗng nhiên bà vợ của ông Trưởng lại đùng đùng dẫn hai người con út bỏ về bên ngoại ở hẳn. Hành động này càng khiến những ngườihóng chuyện thêm gật gù củng cố: “Nếu không phải ông Trưởng ngủ với con gái thì có cớ gì mà bà vợ của ông lại bỏ ông và cô con gái mới “vượt cạn” ở lại trong căn lều rách nát ấy? Có lẽ, bà ta không thể tha thứ cho việc làm của chồng, con mình?”.
Câu chuyện trên nếu có dừng lại ở đó thì cũng đã đủ kinh khủng lắm. Tuy nhiên, khi mà thời gian cứ lặng lẽ trôi qua thì chuyện trong gia đình ông Trưởng lại không ngừng tiếp tục làm “dậy sóng” dư luận. Trong căn nhà mà chỉ có người bố sống cùng con gái lớn, sau khi sinh lần đầu năm 1985, cô Nguyệt lần lượt sinh hạ thêm bốn người con gồm 3 trai, một gái. Tổng cộng, trong quãng thời gian hơn 10 năm hai cha con sống trong túp lều dựng tạm, cô Nguyệt đã cho ra đời năm đứa trẻ và chẳng ai biết về lai lịch cha của những đứa bé không được ai nhận trách nhiệm. Cùng với đó, sự căm ghét của người dân địa phương đối với cha con cô Nguyệt như một ngọn lửa ngùn ngụt lan tỏa khắp cái vùng quê chiêm trũng này.
“Đến giờ, vẫn chưa người nào rõ thực hư ai là cha của những đứa trẻ ấy, và người ta “mặc định” gán cho họ cái tội loạn luân. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho hàng loạt các bi kịch mà người nhà ông Trưởng phải gánh chịu”, ông Đinh Văn Phong, Phó chủ tịch UBND Nhân Chính xã cho biết.
Những cuộc đời tan nát
Vì nghi vấn loạn luân nêu trên, ông Trưởng và cô Nguyệt đã bị chính những ngườit hân trong gia đình mình bỏ mặc lại trong căn lều rách nát. Những người con của ông Trưởng (tức những người em của cô Nguyệt) sau này cũng phải tìm cách bỏ đi biệt xứ để lẩn trốn dư luận.
Tuy nhiên, đắng cay nhất phải kể đến những đứa trẻ. Tuổi thơ của chúng là những ngày ngơ ngác, tủi nhục. Cô con gái cả của cô Nguyệt tên là Nguyễn Thị G, năm nay đã 27 tuổi, khi mới sinh ra đã bị dị tật khiến dân làng tức tối: “Loạn luân mới có dị tật, chứ bình thường thì đứa con đẻ ra phải lành lặn, xinh xắn chứ?”.Ở cái tuổi 27, các cô gái ở quê đều đã “yên bề gia thất”, nhưng với G, niềm hạnh phúc đó vẫn đang rất xa vời. “Bị mang tai tiếng như thế thì chồng con gì. Mấy năm nay nó làm công nhân may trên Phủ Lý”, bà Nguyệt thở dài ngao ngán khi nhắc về cô con gái đầu này.
Nói về G, một người dân trong xã chép miệng: “Ngày còn nhỏ, nó cứ quẩn quanh làm lụng suốt ngày. Thi thoảng có mớ rau nhà trồng được, nó lại quặt quẹo lê ra chợ để bán. Tuy nhiên, nó cứ lủi thủi ở một góc chợ khuất như không muốn người đi chợ biết về sự hiện diện của mình. Kỳ thực ai đi chợ chả biết nhưng chẳng mấy ai mua hàng cho nó. Khổ thân con bé, cha mẹ cho nó cuộc đời nhưng mới vừa mới ra đời đã chịu sự bất công. Có lần nó vừa khóc vừa tâm sự với tôi: “Sống thế này khổ hơn chết bác ạ”. Biết là nó lú lẫn nên mới nói nhảm, nhưng tôi vẫn phải trấn an: “Đã được sống thì phải cố mà sống vượt qua khó khăn con ạ””.
Người con thứ hai là cậu con trai sinh năm 1987. Với cậu, những ngày cắp sách tới trường không phải là những ngày vui mà là quãng ngày cay đắng, tủi nhục. Học đến lớp 7, cậu bé buộc phải nghỉ học do gia đình không có tiền đóng học phí. Dù những ngày đến trường thường bị bạn học dè bỉu, thậm chí đánh hội đồng nhưng việc không được đi học đã khiến cậu bé buồn tủi trong thời gian dài.
“Trong số những đứa con tôi sinh ra thì nó là thằng học giỏi nhất. Ngày gia cảnh bần hàn, tôi bắt nó phải nghỉ học. Nghe cái tin đó, nó bỏ ăn uống mất 3 ngày nằm lì ở trong giường không nói, không rằng. Sau đó thì nó mới bình thường nhưng tôi biết là nó tiếc nuối chuyện học hành lắm. Nó cũng là đứa vất vả, bươn chải ngay từ nhỏ cùng mẹ, mò cua bắt ốc quanh năm, suốt tháng. Nửa đêm gà gáy thức dậy đẩy xe thồ rau, củ, quả cho mẹ từ nhà vượt gần 20 km lên Phủ Lý bán”, bà Nguyệt nói về cậu con thứ hai.
Sau này, chàng trai này còn gánh thêm nhiều bi kịch nữa khi khát vọng yêu đương của cậu chưa khi nào thành bởi nghi án cậu là “sản phẩm” của loạn luân. Vài năm trước, một cô gái định đến với cậu nhưng bị gia đình mình phản đối dữ dội nên cô gái đành bỏ cuộc. Còn mới đây, cô Nguyệt lại xác nhận: “Người yêu lại bỏ nó rồi.Cũng may mà hai bên chưa nói chuyện người lớn chú ạ!”.
Cậu con trai thứ ba cũng đứt gánh chuyện học hành vì gia cảnh. Mới 10 tuổi đầu, cậu bé đã phải vào tận Buôn Ma Thuột để nhặt hạt điều, quả cà phê nhằm san sẻ gánh nặng mưu sinh cho mẹ. Theo lời cô Nguyệt, trong 3 năm đi làm thuê, cậu bé được người ta trả 180 ngàn đồng/tháng. Lúc về, cậu cầm được 3 triệu đồng đưa cho mẹ. Số tiền này tuy rất lớn đối với gia đình cô Nguyệt nhưng cũng chỉ đủ trả tiền “lãi mẹ, lãi con” vì khi túng thiếu, cô Nguyệt đã phải đi vay tứ tung và bị người ta bắt chẹt mức lãi cắt cổ là 20%/tháng (vay 1 triệu thì mỗi tháng phải trả lãi 200 ngàn đồng).
Người con thứ tư là một cô bé. Tuổi thơ của cô vẫn là lối mòn tủi nhục như các anh chị đã bước qua, hàng ngày hứng chịu sự soi mói và miệt thị của người đời.
Người con út của cô Nguyệt, theo nhiều người vẫn nói, cậu bé này có số phận... sướng nhất dù ngay từ khi lọt lòng mẹ nó đã bị đem cho người khác nuôi. “Trong câu chuyện này, có thể bà Nguyệt nghĩ mình đem con cho một gia đình có hoàn cảnh tốt hơn để nó đỡ khổ. Tuy nhiên, thiên hạ không nghĩ như vậy mà cho rằng bà Nguyệt đã bán nó như món hàng, dù không ai có căn cứ xác thực gì. Vì thế, đứa trẻ mang danh là đứa con hàng hóa chú à”, một người dân sống gần đó đánh giá.
Và như thế, vòng luẩn quẩn không rõ cha là ai - đói nghèo - lam lũ - vất vả -thất học và cay nghiệt, nhất là sự ác khẩu của dư luận khiến tuổi thơ của những đứa con của bà Nguyệt phải chịu quá nhiều tủi hờn.
Người mẹ lên tiếng về nghi án loạn luân
Như đã nói ở trên, trong hơn 30 năm qua từ ngày nghi án loạn luân giữa cô Nguyễn Thị Nguyệt và người cha ruột của mình xuất hiện, kéo theo đó là số phận của những đứa trẻ bị cuốn vào vòng xoáy ác nghiệt thì người trong cuộc chưa một lần lên tiếng xác nhận hay minh oan về sự việc. Chính điều này càng làm dư luận thêm hồ nghi rồi tin vào giả thiết cô gái loạn luân với cha mình.
“Tôi là một người phụ nữ nên tôi cũng có khát vọng làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, những sai lầm của tuổi trẻ khiến tôi và bố tôi bị đẩy vào sự hiểu lầm kinh khủng trên. Kỳ thực, những đứa trẻ tôi sinh ra là do cuộc tình của tôi với những người đàn ông tôi đã gặp khi đi chợ búa. Năm đứa trẻ có 5 người bố khác nhau. Tuyệt nhiên, bố chúng nó không phải là ông nội”, bà Nguyệt mở lời.
“Khi tôi mang bầu đứa con đầu tiên, trước sự đàm tiếu của dư luận, tôi định tìm mọi cách để phá thai. Tuy nhiên, bố mẹ tôi nói rằng đó là việc thất đức nên khuyên tôi giữ lại. Thế rồi, câu chuyện cứ lún sâu vào. Tôi yếu thế, đuối lý thì biết làm gì?”, người phụ nữ tội nghiệp lý giải.
Khi được hỏi tại sao bà không nói ra danh tính của những người bố của các con để hóa giải lời đồn về chuyện loạn luân, bà Nguyệt cay đắng: “Miệng lưỡi thiên hạ thì có khi càng thanh minh, người ta lại càng hiểu lầm nên cứ cố phải bịt tai đi coi như không nghe thấy. Hơn thế khi mình đi xin con, đã lỡ hứa với người ta là không nói. Bây giờ nói ra thì phiền phức cho họ, mình đã khổ rồi, thêm nhiều người nữa khổ làm gì”.
Giải thích về việc “đứa con hàng hóa” đã mang cho ngay khi mới sinh, bà Nguyệt cho hay đó là sự hiểu lầm. Bà chỉ muốn người con đó được sống đầy đủ hơn. “Nếu tôi bạc ác với con tôi như vậy thì làm sao chúng chịu ở bên tôi, gọi tôi là mẹ, nghe lời tôi. Anh cứ đi hỏi quanh xóm làng này xem con cái tôi đã bao giờ là chuyện thất đức hay trộm cắp gì? Bây giờ, đứa trẻ mà tôi nhờ người khác nuôi cũng vẫn về thăm tôi và các anh chị”, bà Nguyệt đưa ra lý lẽ của mình.
Nhớ về những tháng ngày đã qua, bà Nguyệt thốt lên: “Cay đắng thì nhiều vô kể”. Nhà nghèo, ruộng ít, đất vườn thì cằn cỗi chẳng cây gì lớn nổi, cơm nước của gia đình chỉ trông vào những buổi chạy chợ “bữa đực bữa cái” của bà mẹ. Tối có cơm ăn hay không thì phải đi chợ về mới biết. “Thế nhưng tủi nhất là khi căn nhà của tôi 3, 4 lần bị người ta giật đổ. Lúc đó, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”, bà Nguyệt kể lại.
Sự cam chịu lẩn khuất sâu trong người phụ nữ hàng thập kỷ bị sống trong sự nguyền rủa của xóm làng. Bị dân làng giận dữ giật đổ nhà, bà chỉ khóc. Bị xóm làng “tẩy chay” không mua bán hàng hóa cùng, bà lại khóc rồi có đồ gì bán, có cần mua gì lại len lén ra chợ xa. Bị một người trong xóm từng là công an xã vô cớ giận dữ đánh đến mù mắt nhưng bà cũng chỉ dám đòi bồi dưỡng một chút tiền thuốc.
Ngày mai trời lại sáng
Người cha của bà Nguyệt vì tuổi già sức yếu rồi đã qua đời. Những nghi kỵ rồi cũng đi qua khi đời sống ngày càng phát triển, khi vùng quê chiêm trũng đói nghèo cả ngày chỉ loanh quanh chuyện nhà chuyện xóm ngày xưa nay đã rũ mình thức dậy thoát đói nghèo.
Nghi án loạn luân 30 năm mẹ con bà gánh chịu nay người ta cũng đã không còn dè bỉu nhiều, mà có người còn thương cảm. Túp lều rách nát 5 mẹ con chui rúc nhiều thập kỷ, nay đã sắp được thay thế bằng ngôi nhà mái bằng, dù chưa khang trang nhưng cũng tươm tất.
“Đấy, các cậu xem nhà tôi đang xây đây được nhiều người phụ giúp lắm. Hôm nay tôi phải nấu cơm cho 17 người ăn, tất thảy đều không lấy công”, bà Nguyệt lạc quan chỉ về ngôi nhà mái bằng đang xây dở, nụ cười hiếm hoi chợt nở bừng trên khuôn mặt.
Sự thật về nghi án loạn luân như thế nào thì khó có thể kiểm chứng, mà có kiểm chứng thì cũng chẳng để làm gì khi mà nếu có lỗi lầm thì lỗi lầm ấy cũng không thể sửa sai.
Tuy nhiên, nhìn vào cách cư xử, thái độ của những người con bà Nguyệt dành cho mẹ và lắng nghe những tâm sự của họ về hàng chục năm nuốt tủi nhục mà sống, người nghe chợt dâng lên cảm xúc khâm phục sự khát khao sống, sự lương thiện và hiền lành của những con người này.
Họ đang dần vượt qua sự trái ngang của số phận và ác khẩu của miệng đời. Cầu mong dư luận sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn để đường đời không nhiều chông gai với những con người là nạn nhân của vòng xoáy dư luận.
Bốn lần bị dân làng giận dữ giật đổ túp lều nương thân rồi mẹ con họ lại lủi thủi nhặt nhạnh đồ dựng lên túp lều mới, nay căn nhà của họ đã âm thầm thành hình sắp thay thế túp lều rách nát ngày xưa, giúp họ cố quên đi đã nhiều lần nhận cơn giận dữ của những người cả tin vào tin đồn độc ác.
(Theo Pháp luật và Thời đại)