“Tôi sợ ngày 20/11 bởi cứ đến ngày này, câu chuyện “văn hóa phong bì” lại được cày xới. Những trường hợp đó không phải không có nhưng ở những vùng quê nghèo, bó hoa tặng cô còn hiếm nói gì đến phong bao phong bì”, một giáo viên chia sẻ trên diễn đàn của báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


“15 năm đi dạy không được nổi một cái phong bì”

Sau khi bài viết “Lương cả năm không bằng phong bì 20/11?” được đăng tải rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản hồi về báo VietNamNet. Phần lớn trong số đó là các thầy cô giáo, họ cho rằng trường hợp thầy cô thu lợi trong ngày nhà giáo có chăng cũng chỉ các thành phố lớn hay nói cách khác chuyện văn hóa phong bì ngày 20/11 ở các vùng sâu vùng xa là câu chuyện xa vời.

Một cô giáo kí tên là Mai Mai tâm sự với VietNamNet: “Tôi là một giáo viên ở vùng sâu của tỉnh Hòa Bình 15 năm nay. Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của học sinh bởi vì gia đình các em làm gì có điều kiện như ở thành phố, thị xã. Nhưng tôi không bao giờ buồn vì cha mẹ học sinh ở đây rất yêu quý thầy, cô giáo”.

Ảnh minh họa

Cùng ý kiến trên, ngày 18/11, báo VietNamNet cũng nhận được ý kiến của một bạn đọc khác: "Thật xấu hổ! Cứ mỗi năm đến ngày 20/11 thì thầy cô lại được "rao bán" trên báo chí. Là giáo viên tôi thấy buồn và sợ ngày 20/11. Vào ngày này, chúng tôi nhận của học sinh vài bó hoa, nhiều lắm thì bộ áo dài, nhưng cứ xấu hổ khi nhận quà vì nghĩ rằng sẽ có ai đó nghĩ khác về đạo đức của nhà giáo vì món quà này”.

Khó ai phủ nhận rằng, một bộ phận thầy cô đã “thu lợi” lớn trong ngày lễ trọng đại này. Thậm chí, nhiều giáo viên đã gợi ý phụ huynh học sinh chuyện quà cáp, phong bì nhưng những trường hợp này không phải là phổ biến. Đối với độc giả Nguyễn Việt Thắng, là một giáo viên, anh chia sẻ rằng, “Ở các vùng sâu vùng xa học sinh ngoan, học tốt là món quà quá lớn đối với những người gõ đầu trẻ ở đây rồi. Nhiều gia đình lo cái ăn còn chưa xong nói gì đến phong bì…”.

Bạn đọc Ngô Hoàng cũng cho rằng, thực trạng trên chỉ đúng với một bộ phận giáo viên rất nhỏ ở thành phố còn đại bộ phận giáo viên ở vùng nông thôn thì việc trông chờ một bó hoa vào ngày 20/11 cũng là rất khó khăn. Thậm chí, có phụ huynh học sinh còn chẳng nhớ nổi cô giáo của con mình tên là gì.

Bài viết trên báo VietNamNet không chỉ nhận được các chia sẻ của những thầy cô giáo mà còn cả những tâm sự của những người con có cha, mẹ làm nghề "gõ đầu trẻ". Bạn đọc ở địa chỉ Bui…@yahoo.com cho biết: “Mẹ tôi là giáo viên. Hồi tôi còn bé, cách nay tầm 20 năm rồi, mẹ tôi là giáo viên lớp 1 của một trường ở quê. Ngày 20/11, học sinh của mẹ tôi là con của những gia đình làng chài ven sông Đáy, có gia đình đã mang đến nhà tôi một mớ tôm mới đánh được. Họ nói rằng, họ biếu cô giáo vì đã dạy cho con họ biết cái chữ…”

“Đừng nhìn chúng tôi như thế” là tâm sự của bạn đọc Minh Nguyệt trên diễn đàn của báo VTC News. “Tôi là một giáo viên ở Bến Tre, có 8 năm theo nghề. Đến ngày 20/11 mỗi lớp tặng thầy cô của mình mỗi người một bông hoa hồng bằng vải, bán ở nhà sách, giá chỉ khoảng 1000 đồng. Nhưng chúng tôi vẫn dạy và yêu quý học sinh. Học sinh cũng vẫn chăm học và trân trọng chúng tôi”.

Giáo viên thành phố "Của biết là của lo"

Nhiều giáo viên ở khu vực nông thôn cho rằng, thực trạng thầy cô “hốt bạc” ngày nhà giáo có chăng cũng chỉ ở các thành phố. Tuy nhiên, một số giáo viên thành phố cũng chia sẻ, không phải ở trường lớn, trường điểm là có thể có “món hời” trong ngày này.

Bạn N.T. Trang chia sẻ trên diễn đàn của một tờ báo: “Tôi cũng là một giáo viên văn dạy ở nội thành Hà Nội. Trường tôi đang công tác cũng được coi là trường điểm của thành phố. Nhưng ngày 20/11 quà các con tặng tôi là những tấm thiệp các con tự làm, bức tranh vẽ tôi, rồi những tấm hình chúng bí mật chụp được… Tôi hạnh phúc với những món quà dễ thương ấy”.

Một bạn đọc khác chia sẻ trên webtretho: “Mình là giáo viên dạy môn chính ở một trường cấp 3 có tiếng ở Hà Nội. Những dịp lễ, mình nhận từ cô giáo chủ nhiệm của lớp các em một cái phong bì tầm 200 - 300 nghìn, gọi là phụ huynh lớp có món quà tặng cô. Mình hầu như không gặp một phụ huynh nào của lớp mà có khi mình đã dạy 2, 3 năm. Mình cảm thấy gì khi nhận phong bì đó? Mình hoàn toàn không nghĩ rằng nó có gì xấu cả, nó là món quà tri ân của cả một tập thể".

Nhiều giáo viên cũng “tố” rằng, không ít phụ huynh gửi phong bì cho cô giáo đã mặc định rằng, cô đã nhận phong bì thì phải chăm lo cho con họ từ “A đến Z”. Việc học hành, giáo dục con cái họ đổ hết cho giáo viên. Một bạn đọc tâm sự: “Mẹ em là giáo viên 20 năm rồi, dạy trường cũng thuộc dạng tốt của tỉnh. Nhưng phụ huynh họ cứ nghĩ biếu cô tí tiền là xong, tất cả “khoán trắng” cho cô hết. Bài vở của con, họ cũng chẳng để ý, giáo viên gọi về nhà nhắc nhở mà cũng chẳng ăn thua. Bởi vậy, lần nào họp phụ huynh, mẹ em không cho địa chỉ và số điện thoại nhà nữa, đế tránh mấy vụ 20/11,Tết, 8/3 này”.

Nhiều cô giáo còn chia sẻ, nếu như ở các thành phố lớn, phú quý sinh lễ nghĩa, các phụ huynh tri ân thầy cô bằng những phong bì dày cộp, những món hàng hiệu đắt tiền thì ở thôn quê món quà họ nhận được có khi là chục trứng gà mới đẻ, hộp cafe Trung Nguyên của người họ hàng xa gửi về…Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua, họ vẫn đứng trên bục giảng và món quà lớn nhất đối với họ đó chính là sự tự tôn, lòng tự hào về cái nghiệp mà mình đã chọn và gắn bó suốt đời.

Lê Minh (Tổng hợp)