Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) do UNESCO trao, được tổ chức trọng thể hôm 22/1, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Chương trình đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể đã được dàn dựng hết sức công phu và ý nghĩa với hai phần lễ và hội. Nghi lễ dâng hương thể hiện tấm lòng thành kính và tưởng nhớ đến Thánh Gióng, một trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Bà Katherine Muller - Marin, Trưởng Văn phòng đại diện Unesco tại Hà Nội trực tiếp đọc bản đánh giá của Unesco về Hội Gióng. Unesco khẳng định, Hội Gióng tại đền Phù Đổng ở huyện Gia Lâm và đền Sóc tại huyện Sóc Sơn chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng phong phú và quý báu của nhân loại.
Hội Gióng được tái hiện qua những tiết mục biểu diễn đặc sắc. Ảnh: Dân trí |
Với giá trị to lớn như vậy, ngày 16/11/2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã được Tổ chức giáo dục văn hóa khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản thứ ba của thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010. Trước đó, 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã vui mừng trao bằng của UNESCO ghi danh Hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại cho thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã trở thành Di sản văn hoá của nhân loại trong 213 di sản văn hoá phi vật thể của các quốc gia trên thế giới.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam giơ cao bằng chứng nhận. Ảnh: VnEpress |
Hàng năm, Hội Gióng được tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, trong đó tâm điểm là Hội Gióng đền Sóc (nơi Thánh Gióng bay về trời) diễn ra từ ngày 6-8 tháng Giêng âm lịch, với các nghi lễ rước hương hoa oản phẩm, giò hoa tre, voi chiến, cầu húc…
Lễ hội độc đáo này hội đủ những tiêu chí của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc của mình, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới.
Trong buổi lễ long trọng, còn có nhiều tiết tiết mục văn nghệ đặc sắc để trình diễn chào mừng sự kiện lớn của dân tộc.
V.L (tổng hợp)