Chỉ chưa đầy 1 năm trước, cái tên Ngô Bảo Châu có lẽ còn rất
xa lạ với nhiều người. Nhưng giờ đây, ngay cả học sinh vùng sâu, vùng xa hẳn
cũng nhiều em biết đến vị giáo sư trẻ tuổi này. Một ngày cuối năm, người thầy
từng dạy Ngô Bảo Châu đã cho chúng tôi biết thêm những tình tiết thú vị về thủa
thiếu thời của Giáo sư...
TIN BÀI KHÁC
Nữ sinh liên tiếp ngất, phụ huynh hoang mang
Hiện tượng Uyên Linh: Khán giả đã quá đà?
Báo cáo 17 trang và cậu bé 12 tuổi
Mặc dù được nhắc đến nhiều nhưng Ngô Bảo Châu rất kiệm lời trước báo giới. Đặc
biệt, mỗi khi hỏi chuyện riêng tư, anh chỉ cười và lảng tránh sang chuyện khác.
Các cộng sự của anh ở Quỹ "Vì tinh thần hiếu học", thậm chí là bạn thân của anh,
đều lắc đầu: "Châu không thích nói nhiều về mình nên chúng tôi xin khiếu!". Và
hành trình đi tìm Ngô Bảo Châu dừng lại ở những người thầy, với những kỷ niệm
ngọt ngào, dịu êm về Ngô Bảo Châu thời đi học.
GS. Ngô Bảo Châu (Ảnh: TTXVN)
Đã ngấp nghé tuổi thất thập, những kỉ niệm cũng rơi rụng ít nhiều trong quãng
đời 22 năm không còn đứng trên bục giảng nhưng PGS. TS. NGDN Tôn Thất Thân (Viện
Nghiên cứu giáo dục) vẫn còn giữ nhiều kỉ niệm liên quan đến cậu học trò nhỏ Ngô
Bảo Châu. "Hồi đó, Châu thi trượt vào lớp 6 chuyên Toán Trường THCS Trưng Vương.
Thông qua một người bạn của tôi, GS. TSKH Ngô Huy Cẩn (bố của Ngô Bảo Châu) đã
dắt con trai đến nhà và có nhã ý nhờ tôi luyện toán để cháu thi lại. Mùa hè năm
đó, tôi bắt đầu kèm cho Châu và phát hiện cậu bé này rất có năng khiếu. Bố mẹ
Châu vô cùng lo lắng và băn khoăn liệu con trai có đỗ vào năm sau không, tôi gật
đầu khẳng định "chắc chắn đỗ". Đúng là sau đó, Bảo Châu đỗ vào lớp 7 chuyên Toán
Trường THCS Trưng Vương với số điểm rất cao", thầy Thân nhớ lại.
Vì vào học sau các bạn nên kiến thức của Bảo Châu còn nhiều lỗ hổng. Để cậu học
trò bắt kịp tiến độ với các bạn, thầy Thân bắt đầu "chiến dịch" hướng dẫn Bảo
Châu đọc thêm sách. Cuốn sách đầu tiên thầy hướng dẫn cậu học trò nhỏ đọc là "Các định lý hình học và phương pháp chứng minh".
Thầy Tôn Thân vẫn nhớ: "Lúc ấy, Châu mới 12 tuổi và cuốn sách dày 200 trang khiến em không thể đọc một mạch. Tôi giao cho em đọc từng đoạn. Tôi thường hỏi Châu, sau mỗi đoạn, em có suy nghĩ gì về cách giải? Em có phương pháp nào khác không?".
6 tháng sau, Bảo Châu đọc xong
cuốn sách ấy, thật ngạc nhiên, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của Châu tăng
lên rất nhanh và vượt trội so với các bạn cùng lớp. Cuốn sách thứ 2, Châu chỉ
đọc trong 1 tuần. Và từ đó trở đi, cậu tự mua sách, thậm chí đọc những sách cao
hơn chương trình mình đang học.
Ở lớp, Bảo Châu tiếp cận môn Toán từ những ví dụ rất đời thường của thầy Tôn
Thân. Sau mỗi tuần học, thầy Thân lại hướng dẫn học sinh viết báo Toán. Thầy
chia lớp thành 4 tổ, mỗi tổ viết 1 báo Toán và sao thành 4 bản để trao đổi cho
nhau xem các em thu hoạch được gì qua các bài học, ai có cách giải hay, trao đổi
phương pháp học Toán mới...
Thầy Tôn Thân kể: "Mỗi lần như thế, báo Toán của Bảo
Châu lúc nào cũng được các bạn đánh giá cao. Thậm chí, có lần em đã khiến tôi
giật mình vì em viết 1 báo cáo dài 17 trang với tựa đề "Bạn biết gì về tổ hợp".
Điều ngạc nhiên là 1 cậu học trò 12 tuổi nhưng đã biết cách khai thác những kiến
thức ngoài chương trình và thậm chí tìm hiểu những vấn đề đến lớp 12 cải cách
sau này, các em mới được tiếp cận. Trong đó, Châu đưa ra các ví dụ từ đời sống
thực tế.
Bảo Châu tự sáng tác đề Toán với tên của các bạn thân đồng thời trình
bày các cách giải. Nhiều bạn trong lớp háo hức chuyền tay nhau chép bản
báo Toán công phu và "bò ra" giải các đề Toán "made in Bảo Châu" nhưng đều "lè
lưỡi" vì khó quá không giải nổi".
Theo thầy Thân thì những bản báo cáo đó mang dáng dấp các nghiên cứu khoa học
sau này của Ngô Bảo Châu. Và những buổi đứng lớp trình bày trước thầy giáo và
các bạn là hình hài của những buổi bảo vệ luận văn mà sau này Châu phải trải
qua.
Trước hết phải biết xấu hổ
Thầy Tôn Thân nhớ lại, thời học ở THCS Trưng Vương, Bảo Châu được nhiều bạn bè
quý mến. So với các bạn, gia đình Châu thuộc dạng kinh tế khá giả, nhưng em luôn
tốt với bạn bè và thái độ rất khiêm tốn. Bảo Châu là con một nhưng bố mẹ không
bao giờ nuông chiều mà chỉ luôn tạo điều kiện để cho con được học trong môi
trường tốt nhất. Châu sống chan hòa, vui vẻ, thích giúp đỡ người khác. Không chỉ
giỏi Toán, Châu còn đọc rất nhiều sách và và đặc biệt nhớ nhiều kiến thức lịch
sử, văn học.
Nhưng ở lứa tuổi thiếu niên, Ngô Bảo Châu cũng như những đứa trẻ
khác: Thông minh và hiếu động. Theo lời của thầy Thân, có lần Bảo Châu cùng các
bạn bị thầy phụ trách đội ở trường phạt vì đá bóng làm vỡ cửa kính. Em sợ quá
không dám về nhà. Bố mẹ vội vã đi tìm rồi đến hỏi thầy Thân nhưng thầy cũng
không biết Châu đi đâu. Đến tối, Châu mới về nhà. Em thẽ thọt: "Vì buồn nên muốn
đi lang thang một chút cho khuây khỏa".
Thầy Tôn Thân bảo, khi đã được vinh danh trên toàn thế giới, Ngô Bảo Châu có gửi
cho thầy một bức thư. Trong bức thư này, Châu nhắc lại một chuyện từ thời mình
đi học. Do sự việc xảy ra quá lâu, thầy Thân không còn nhớ, nhưng khi đọc xong
thư, thầy đã rất xúc động.
Hôm đó, trời mưa to, sau khi tới lớp, thầy Thân vắt
chiếc áo mưa lên bàn. Hết giờ giải lao, thầy thấy chiếc áo mưa bị vo tròn như
một quả bóng, nằm lăn lốc dưới chân cậu học trò tên Huy. Vì không biết phải trả
lời thế nào, Huy đành đứng im chịu phạt.
Thầy Thân nghiêm giọng nói: "Tại sao
các em lại làm thế với chiếc áo mưa của tôi? Hôm nay các em làm tôi rất buồn,
mất lòng tin. Một là các em không biết tôn trọng tài sản riêng của người khác,
hai là các em đã không dũng cảm để đứng ra nhận lỗi cùng bạn Huy".
Trong bức thư
của mình, Châu đã thú nhận với thầy: "Lúc đó, em đã cảm thấy rất xấu hổ vì đã
nhiệt tình tham gia đá bóng với cái áo mưa khốn khổ của thầy, mà lại im thin
thít. Em học được ở thầy để yêu cái đẹp trong sáng của một bài toán, học được
rằng trình bày lời giải cho sáng sủa cũng khó như tìm ra lời giải. Ngoài ra,
chúng em học được ở thầy một điều rất quan trọng là: "Muốn sống tử tế, trước hết
phải biết xấu hổ".
"Kết bè" với cô bạn học
Trong kí ức của cô Vũ Thu Trang, vợ thầy giáo Tôn Thân - đồng thời là bạn của mẹ
Ngô Bảo Châu, hồi cấp 2, cậu học trò nhỏ này chơi thân với Bảo Thanh và Hương
Giang (con gái vợ chồng thầy Tôn Thân). Cả 3 cùng học lớp chuyên Toán ở Trường
THCS Trưng Vương. Nhà Bảo Thanh ở Sứ Quán. Bố Bảo Thanh là phiên dịch ở Vũng Tàu.
Thấy các con chơi thân thiết với nhau, các bạn vẫn đùa, nên tạo điều kiện để "kết
bè, kết mảng" cho các con sau này thêm thân thiết. Đặc biệt, mẹ Vân Hiền của Bảo
Châu cùng mẹ Bảo Thanh tầm tuổi nhau nên dễ gần, dễ thân. Đi đâu, họ cũng rủ
nhau đi cho vui. Mời được thầy giáo giỏi nào, các mẹ lại "gom" các con cùng học.
Lên cấp 3, Bảo Châu thi đỗ vào lớp A0 khối chuyên Toán, Trường ĐHKHTN - Đại học
Quốc gia Hà Nội. Hương Giang học chuyên ở Trường Amsterdam. Riêng Bảo Thanh học
THPT Việt Đức, nơi mẹ mình đang giảng dạy.
Với thành tích 2 huy chương Vàng Toán quốc tế vào năm 1988-1989, Ngô Bảo Châu
giành được học bổng sang Pháp du học. 3 năm sau, anh lập gia đình. Năm 1995, vợ
Bảo Châu, cô bạn học cũ có cái tên Bảo Thanh sang Pháp học cùng chồng.
Cô Trang nhớ lại: "Tin Bảo Châu lập gia đình lúc đó khiến chúng tôi đều ngỡ
ngàng vì Châu - Thanh đều quá trẻ. Năm 1997, sau khi về thăm nhà, vợ chồng họ đã
2 tay dắt 2 con gái. Trong con mắt vợ chồng tôi, Châu là người chồng mẫu mực,
người cha hết lòng thương yêu các con. Đặc biệt, trong mối quan hệ tình cảm, Bảo
Châu rất thận trọng". Theo vợ chồng nhà giáo Tôn Thân, nhiều người cho rằng vợ
chồng Châu - Thanh đang ly thân nhưng có lẽ không phải như thế. Trong đợt GS Ngô
Bảo Châu về nước sau khi đoạt giải Fields, bạn bè đồn đoán vợ chồng Bảo Châu còn
sắp sửa có em bé...
Chia tay gia đình thầy giáo Tôn Thân, chúng tôi vẫn ám ảnh bởi điều thầy đã chia
sẻ: "Sự thành công của Bảo Châu ngoài năng khiếu bẩm sinh còn dựa vào môi trường
học tập, gia đình và sự nỗ lực không mệt mỏi. Tôi thường dạy các em "đừng nên
bước nhanh mà hãy luôn luôn bước". Nghĩa là không quá vội vàng mà phải biết phấn
đấu không mệt mỏi. 15 năm trời theo đuổi nghiên cứu 1 vấn đề, nếu không gạt qua
nhiều cám dỗ không trung thực với chính bản thân mình, Bảo Châu đã không thành
công như vậy".
(Theo báo Tết GĐ&XH)