Tháng 4/2011, tròn mười năm ngày Trịnh Công Sơn ra đi mãi mãi. Trong một loạt những hoạt động kỷ niệm mười năm ngày qua đời, sẽ có một triển lãm hội họa Trịnh Công Sơn.

Lâu nay công chúng yêu mến Trịnh Công Sơn đã biết đến anh với tư cách một “họa sĩ thực thụ” (chữ dùng của họa sĩ Nguyễn Trung) bởi Trịnh Công Sơn đã có tác phẩm trưng bày cùng với nhiều họa sĩ chuyên nghiệp như Đình Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Bửu Chi... Anh còn vẽ nhiều bìa tập nhạc của chính mình và nhiều ký họa anh vẽ những người mình quen thân, gần gũi in trên các báo, tạp chí. Tuy nhiên có cả một “kho tàng” tranh Trịnh Công Sơn ở rải rác nhiều nơi, trong nhiều sưu tập của những bạn hữu anh mà nhiều người chưa từng được thưởng ngoạn.

Nhiều bức tranh Trịnh Công Sơn vẽ vài chục năm trước chưa từng xuất hiện ở đâu, nên một triển lãm tranh Trịnh Công Sơn dịp kỷ niệm mười năm này là cách tốt nhất để công chúng nhiều thế hệ và những người yêu mến anh biết đến một mảng nghệ thuật không kém phần quan trọng trong sự nghiệp đồ sộ của một tài năng lớn. Ý tưởng về một triển lãm tranh Trịnh Công Sơn được gia đình anh cùng các thành viên tham gia tổ chức đợt kỷ niệm như nhà thơ Nguyễn Duy, anh Cao Lập, họa sĩ Lê Thiết Cương... hết sức tán thành. Họa sĩ Đinh Cường cũng hỗ trợ hết mình cho triển lãm.

Mấy lần đến thăm anh Đinh Cương ở Burke, Virginia (Mỹ), lần nào tôi cũng “mất hồn” khi được xem những gì Trịnh Công Sơn đã vẽ và được người bạn thân của anh lưu giữ như những báu vật. Những bức ảnh sơn dầu và một loạt tranh khổ nhỏ của anh tôi được xem gần đây tại nhà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái anh Sơn – cũng quá đẹp. Không nghi ngờ gì nữa: chúng ta có một Trịnh Công Sơn họa sĩ đã ít nhiều giấu mình sau một Trịnh Công Sơn – nhạc sĩ.

Trong một bài viết về bạn mình, nhạc sĩ Đinh Cường cho rằng “hội họa là giấc mộng không bờ bến” của Trịnh Công Sơn. Bài viết có đoạn: “Không gian tranh của Sơn bao giờ cũng dở dang nhưng lại đầy tinh khiết sáng tạo. “Nghệ thuật dạy cho tôi biết biên giới của hữu hạn và sự vô cùng. Riêng trong hội họa tôi còn bắt gặp thêm cái không bờ bến của một giấc mộng tự do tinh thần”. Sơn phát biểu như một tuyến bố nghệ thuật. Những hình thể mảng màu trong tranh xấp đặt ngộ nghĩnh và đầy suy tính, lại rất đúng với nguyên lý của nghệ thuật mới.

Những họa sĩ chuyên nghiệp đôi lúc cũng ngợ tay, khó bóp méo hình thể và sắp xếp không gian được như vậy. Sơn rất giỏi về nắm bắt những nét đặc trưng khi vẽ chân dung, nhất là chân dung những người bạn thân thiết. Sơn vẽ nhiều chân dung Văn Cao rất đẹp. Lột tả được nét tinh tế trên từng khuôn mặt. Chân dung thiếu nữ, như chân dung diễn viên điện ảnh Phạm Linh Đan, chân dung M., là những bức tranh đẹp nhất của Sơn”.


Một tác phẩm của Trịnh Công Sơn. (Ảnh
minh hoạ)


Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy cũng dùng từ “điêu luyện” khi nói về kỹ năng vẽ chân dung của Trịnh Công Sơn, và ông nhận đinh: “Với hội họa hiện nay, rất phong phú và tài hoa, hình như anh chỉ tiếp tục những ca khúc tình yêu thơ dại của mình”.

Quả vậy, mảng tranh chân dung là một thành tựu tạo hình đáng kinh ngạc trong hội họa Trịnh Công Sơn. Có khi chỉ bằng mấy nét thật giản dị, anh đã vẽ nên những khuôn mặt không lẫn vào đâu được. Những chân dung Nguyễn Tuân mới thật ảo diệu. Những nghệ sĩ mà anh yêu mến như Văn Cao, Thái Bá Vân đều có những chân dung để đời. Và những gương mặt phụ nữ đã gắn với đời anh... Tôi đã xem khá nhiều tranh chân dung Trịnh Công Sơn do nhiều tác giả vẽ, nhưng bức chân dung Trịnh Công Sơn tôi thích nhất lại là một tự họa của mình.

Xin được nhắc lại những gì họa sĩ Nguyễn Trung đã viết về phòng tranh Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn (tháng 1/1989): “Michel Ragon, nhà lý thuyết người Pháp bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta không còn những họa sĩ vẽ chơi (peintre du dimanche) nữa. Rất đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm nay và đã trở thành họa sĩ thực thụ”.

(Theo Tuổi trẻ Tết Tân Mão)