-Tết đến, không ít người vì bận việc, xa quê phải nhờ người tảo mộ phần mộ của người quá cố, tổ tiên. Loại hình dịch vụ lạ lùng này lại khá đắt khách mỗi dịp Tết đến, xuân về.
TIN BÀI KHÁC

"Cao nấm ấm mồ"

Hàng năm, cứ khoảng từ ngày 24, 25 tháng Chạp là nhiều gia đình người Việt lại nhắc nhở nhau đi tảo mộ. Người ta đi thăm viếng, vun lại những nấm mồ, phát quang cỏ dại, cây cối để sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố trong gia đình và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó.

Tảo mộ để sửa sang mộ phần của người đã khuất và để cho con cháu nhớ đến tổ tiên, ông bà. Đến ngày này, con cháu trong họ dù đi đâu xa, làm ăn nơi nào cũng phải quay về đất tổ để dự ngày tảo mộ. Đây là một nét đẹp của truyền thống dân tộc, bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng của con cháu đối với tổ tiên và những người đã khuất.

Tảo mộ là một nét truyền thống văn hóa đẹp của người Việt (Nguồn: 360plus)

Nhưng hiện nay truyền thống tốt đẹp này đang có nguy cơ "làm cho qua loa, xong chuyện" hay chỉ thực hiện như một trách nhiệm? Lấy lí do bận việc, xa quê… nhiều gia đình có “của ăn của để” chỉ cần bỏ ra một số tiền thuê người tảo mộ, làm thay chức phận của mình.

Chị Lan (Nghệ An) cho biết, hai vợ chồng chị ra Hà Nội lập nghiệp nhiều năm nay. Mỗi dịp Tết, đến tận ngày 29 vợ chồng chị mới có thể về quê nên việc tảo mộ đành bỏ một ít tiền nhờ những người trông coi ở nghĩa trang làm giúp.

Có cầu ắt có cung

Nghề tảo mộ thuê đã xuất hiện từ nhiều năm trước, ban đầu, một vài người sống gần nghĩa trang được gia chủ thuê cuốc đất, dọn cây cỏ dại quanh mộ vào cuối năm. Gia chủ khỏi mất công đi tảo mộ, còn những người được thuê thì có thêm thu nhập. Đôi bên cùng có lợi, vậy là nghề tảo mộ thuê ra đời. Những ngày cận tết, dịch vụ này càng trở nên đắt khách.

Chị Sương (Đà Nẵng) người đã có thâm niên nhiều năm đi tảo mộ thuê, chia sẻ trên báo CAND: “Ban đầu thì chỉ có vài người làm, sau thấy kiếm ra tiền nên nhiều người cùng vào làm. Gần đến Tết là có hơn mấy trăm người đến nghĩa trang Gò Cà này để làm việc này”.

Chị Sương là công nhân xưởng gỗ, thế nhưng mỗi năm cứ trước Tết 2 tháng là chị xin tạm thôi việc để về đi tảo mộ thuê. Lương công nhân của chị mỗi tháng nhiều lắm cũng chỉ hơn 1,5 triệu đồng, nhưng đi tảo mộ thuê thì chị có thể kiếm được hơn 2 triệu đồng.

Những người tảo mộ thuê dịp tết đến xuân về (Nguồn: 24h)

Càng cận Tết, giá thuê nhân công tảo mộ càng tăng lên. Nhiều người làm nghề lao động tự do từ quê lên Hà Nội lập thành từng nhóm đến các nghĩa trang nhận quét sơn, dọn dẹp mồ mả với giá lên tới 200.000đ/ngày/người. Họ làm cẩn thận, chu đáo nên nhiều gia chủ cũng rất vừa ý. 

Tảo mộ là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ đến tổ tiên ông bà, là một phong tục thiêng liêng của người dân Việt cần duy trì. Nhưng từ khi dịch vụ này ra đời nhiều người đã tỏ ra bất bình. Họ cho rằng, dù bận việc đến đâu, làm ăn khấm khá cỡ nào thì cũng tuyệt đối không được thuê người tảo mộ và xem đó là một việc làm bất hiếu của kẻ hậu sinh. Việc tảo mộ phải do chính con cháu trong họ thực hiện thì mới thể hiện được ý nghĩa và lòng thành.

Tuy nhiên, PGS. TS Cao Thế Trình (Trường Đại học Đà Lạt) lại chia sẻ trên tờ Bee.net.vn rằng, việc thuê người tảo mộ là một vấn đề rất khó xác định chính xác lòng thành kính hay không thành kính. Nếu khẳng định họ không thành kính đối với tổ tiên thì chưa chắc đã đúng, bởi nhiều gia đình rất bận vào dịp cuối năm nhưng họ vẫn nhớ tới mồ mả và thuê người tảo mộ. Nhưng nếu bảo như vậy là thành kính rồi thì tại sao họ không bớt chút một buổi kiếm tiền, bớt chút công chuyện để đi tảo mộ cho người đã khuất?

Ngọc Lê (tổng hợp)