Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi cuối tháng 10/2010, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đề nghị được gặp những người học trò cũ của cha mình, Giáo sư - Phó Tiến sĩ Anatoly Afanasievich Medvedev thuộc Viện Công nghệ Leningrad. Và mong muốn của ông đã được đáp ứng.
TIN BÀI KHÁCTối 31/10/2010, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội không còn một chỗ trống với sự có mặt của hàng nghìn người Việt từng học tập, công tác ở Liên Xô và nước Nga ngày nay để tham dự cuộc giao lưu với Tổng thống Nga Medvedev.
Đặc biệt, trong cuộc gặp mặt ấy còn có sự hiện diện của những cựu sinh viên thuộc Viện Công nghệ Leningrad (Liên bang Xô viết trước đây), được Giáo sư Anatoly Afanasievich Medvedev - người cha quá cố của Tổng thống Nga Medvedev, hướng dẫn khi họ làm nghiên cứu sinh tại trường. Họ đến cùng con cháu để được chào, được gặp và chúc mừng con trai thầy giáo cũ nay đang đảm nhiệm cương vị nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga.
Đi tìm học trò của thầy Anatoly Medvedev
Trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Medvedev đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi thư tới Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva đề nghị tìm kiếm những sinh viên Việt Nam chuyên ngành Hóa học tại bộ môn Quá trình và Thiết bị hóa học Viện Công nghệ Leningrad giai đoạn 1965-1987, nhất là những nghiên cứu sinh được thầy Anatoly Medvedev hướng dẫn. Ngay từ đầu năm 2010, việc tìm kiếm thông tin của những cựu sinh viên này được Phòng Công tác lưu học sinh thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nga được tiến hành.
Với sự trợ giúp của các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Viện Công nghệ Saint Petersburg, cán bộ Phòng Công tác lưu học sinh bỏ ra nhiều công sức tìm kiếm, tập hợp tất cả những luận án Phó tiến sĩ (sau này được công nhận là học vị tiến sĩ) của các nghiên cứu sinh Việt Nam giai đoạn 1965 -1987 với hy vọng tìm được thông tin về các học trò của thầy Anatoly Medvedev. Họ tìm thấy 11 hồ sơ của nghiên cứu sinh thời kỳ thầy Anatoly Afanasievich Medvedev còn giảng dạy với những thông tin cơ bản như họ tên, năm bảo vệ luận án và đơn vị công tác.
Tổng thống Medvedev trong một lần sang thăm và nói chuyện tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh Tiền Phong)
Ông xác nhận trong danh sách 11 nghiên cứu sinh này, chỉ có 2 người làm việc trực tiếp dưới sự hướng dẫn của thầy Anatoly Afanasievich Medvedev. Đó là TS Phùng Văn Phương, bảo vệ luận án năm 1969 và PGS-TS Nguyễn Trọng Khuông, bảo vệ năm 1971. Ông Đồng năm nay 69 tuổi, là bạn thân của PGS-TS Nguyễn Trọng Khuông từ thời còn làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô.
Ngay sau đó, những người tìm kiếm liên hệ với TS Phùng Văn Phương, đã nghỉ hưu và sinh sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, do tuổi cao, trí nhớ không còn minh mẫn, ông Phương hầu như không còn ký ức gì về thời sinh viên ở Liên Xô. Các cán bộ này cũng liên hệ đến nhà riêng PGS-TS Nguyễn Trọng Khuông. Nhưng thật không may, ông Khuông đã mất cách đây 16 năm khi còn là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bức ảnh chụp với cha Tổng thống
Hội Hữu nghị Việt - Nga đưa ra đề xuất trong buổi gặp gỡ với Tổng thống Medvedev, các nghiên cứu sinh thời kỳ GS Anatoly Medvedev còn giảng dạy sẽ tặng Tổng thống một vài món quà kỷ niệm thể hiện tình cảm của những học trò đối với người thầy đã quá cố của mình.
Được tham vấn, TS Phan Tam Đồng chợt nhớ đến bức ảnh mà người bạn thân Nguyễn Trọng Khuông của mình chụp cùng Giáo sư hướng dẫn, thân sinh của Tổng thống Medvedev.
"Có dịp được xem nhiều ảnh của anh Khuông khi còn ở Liên Xô, tôi nhớ đến bức hình anh chụp chung với thầy Anatoly Afanasievich Medvedev" - ông Đồng kể. Rồi ông liên hệ với bà Hiếu - vợ ông Khuông và được biết gia đình bà vẫn lưu giữ trong album ảnh của gia đình những bức ảnh chồng bà chụp trong thời gian ông làm nghiên cứu sinh.
Tức tốc đến nhà bà Hiếu, ông Đồng vui mừng nhận ra ngay bức ảnh ông Khuông chụp chung với Giáo sư Anatoly Afanasevich Medvedev trong phòng thí nghiệm tại Viện Công nghệ Leningrad. "Tổng thống Medvedev rất giống cha. Tôi còn nhận ra bức ảnh này nhờ thiết bị chiết suất các chất hóa học. Hai người trong hình đúng là người hướng dẫn và học trò" - ông Đồng chia sẻ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và phía bạn cũng đều xác nhận người trong ảnh chụp với ông Khuông đúng là người cha đã mất năm 2004 của Tổng thống Medvedev.
Trong buổi gặp gỡ với Tổng thống Nga tối 31-10, ông Phan Tam Đồng thay mặt cho các nghiên cứu sinh thời kỳ cha của Tổng thống còn giảng dạy, tặng mẹ và vợ Tổng thống 2 chiếc khăn lụa Hà Đông, tặng Tổng thống bức tranh thêu Khuê Văn Các. TS Nguyễn Việt Sơn - con trai cố PGS-TS Nguyễn Trọng Khuông thay mặt bố tặng Tổng thống bức ảnh chụp phóng to của ông Khuông và GS Anatoly Medvedev.
Mối duyên nợ với đất nước Xôviết
Một ngày sau khi diễn ra buổi gặp mặt xúc động ấy, chúng tôi tìm đến nhà cố PGS-TS Nguyễn Trọng Khuông trong một con ngõ nhỏ phía sau Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tiếp chúng tôi là bà Ngô Thị Hiếu - vợ thầy và TS Nguyễn Việt Sơn - con trai thầy, giảng viên trẻ của Đại học Bách khoa Hà Nội.
…Nguyễn Trọng Khuông sinh năm 1936 ở Bắc Ninh, là sinh viên khóa 1 Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1959- 1963. Ra trường với tấm bằng xuất sắc, Nguyễn Trọng Khuông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1966, ông được cử sang Liên Xô lấy thiết bị dạy học cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến năm 1968, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh khoa Thiết bị chiết suất chất hóa học, Viện Công nghệ Leningrad.
Ở đây, nghiên cứu sinh Nguyễn Trọng Khuông làm việc dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Anatoly Afanasevich Medvedev. Khi đó Tổng thống Nga Medvedev chỉ mới là cậu bé 5-6 tuổi. Bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Hóa học, ông Khuông trở về trường tiếp tục làm cán bộ giảng dạy và có nhiều cống hiến cho khoa.
Dù người chồng, người cha ấy đã nằm xuống cách đây 16 năm, nhưng những kỷ vật về đất nước Nga Xôviết sau gần 40 năm nay vẫn được gìn giữ cẩn thận. TS Nguyễn Việt Sơn chỉ cho chúng tôi chiếc quạt điện tai voi mà mẹ anh vẫn sử dụng. Rồi những chiếc chậu nhôm, chiếc máy quay đĩa với những đĩa nhạc Nga rất lớn, những bức ảnh, cuốn sách về đất nước và con người Nga đều được gia đình anh trân trọng, gìn giữ. Điều gợi nhắc nhiều nhất về những năm tháng PGS-TS Nguyễn Trọng Khuông sinh sống, học tập ở Nga là cái tên Việt Nga của cô con gái đầu lòng.
Việt Nga giờ đang sinh sống ở nước ngoài, còn Nguyễn Việt Sơn tiếp nối con đường của bố. Anh có bằng Tiến sĩ ở Pháp và đang là giảng viên khoa Điện, bộ môn Kỹ thuật đo và tin học công nghiệp thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
(Theo Dân Việt)