Ông Trần Văn Tiệp đưa ra nhiều bằng chứng và khẳng định, nhiều người nước
ngoài từng vài lần đến núi Tàu để khảo sát kho vàng...
TIN LIÊN QUAN
Động lực giúp cho ông Tiệp
Như đã đề cập ở bài trước, sau khi phát hiện ra "cửa" kho vàng, vào ngày 5.11.1994, ông Trần Văn Tiệp gửi báo cáo tình hình cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Bốn ngày sau (9.11.1994), ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch UBND tỉnh ký công văn không cho ông Tiệp khai thác, tìm kiếm kho vàng tại núi Tàu. Đồng thời yêu cầu phải san lấp lại những chỗ đã đào bới như hiện trạng ban đầu. Sự kiện này làm cho ông Tiệp nghi ngờ việc ngăn cản khai thác kho vàng. Sau đó, qua sự can thiệp của ông Tám Hiền, ông Hải gia hạn cho ông Tiệp khai thác kho vàng, nhưng với điều kiện phải thực hiện bằng thủ công.
Chỗ này ông Tiệp cho rằng là “cửa kho vàng” ở núi Tàu. |
Ngày 24.10.1998, ông Trần Khán, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục gia hạn cho ông Tiệp đào bới để tìm kho vàng tại núi Tàu. Đến ngày 26.11.2002, do sức khỏe đã yếu, ông Tiệp ký giấy ủy quyền, giao việc chỉ huy khai thác cho ông Tám Hiền. Thời điểm này, một vạt phía đông núi Tàu đã được bới tung. Trong quá trình khai thác, người dân không được đến gần, thậm chí không được chăn thả gia súc ở đây nhằm giữ an ninh trật tự và bảo vệ tuyệt đối cho việc tìm kiếm.
Trong một báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về tiến độ tìm kiếm, ông Tám Hiền nêu rõ: Theo sự chỉ dẫn của kỹ sư địa chất Hoàng Vân Trường kiêm nhà "ngoại cảm" đến từ Phú Thọ, từ ngày 20.12.2002 đến ngày 4.1.2003 việc tìm vào kho báu đã đụng đến vách cửa hang. Nhưng đến ngày 6.1.2003, nhà "ngoại cảm" này lại cho đào bới chuyển sang hướng khác. Tới ngày 10.1.2003, nhà "ngoại cảm" lại bất ngờ chuyển sang hướng đào bới thứ ba. Và 5 ngày sau thì đào đến được “hầm thông hơi”. Nhưng để mở được cửa hầm cần phải có xe, máy móc hiện đại.
“Khi còn sống, ông nội tôi có kể lại, đã chứng kiến trên núi Tàu nhiều ánh sáng đèn điện. Qua theo dõi, ông tôi thấy một tàu thủy rất lớn neo đậu ngay chân núi. Cứ hằng đêm ánh sáng đèn pha kéo dài từ chiếc tàu lên tận sườn núi. Có rất nhiều lính Nhật canh gác từ rất xa. Không biết họ làm gì trên núi Tàu hồi ấy”, ông Trần Văn Ánh (SN 1956, ở khu phố 1, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong) kể. |
Cũng nội dung văn bản này, khi ông Tám Hiền đưa tiền cho một người tên Ý đi thuê máy định vị theo yêu cầu của một nhà "ngoại cảm" khác ở Hà Nội (do Trường giới thiệu), thì người này cầm tiền… một đi không trở lại.
Dù phát hiện có nhiều dấu hiệu lừa đảo trong phi vụ khai thác "kho vàng", kể cả việc báo cáo phát hiện "cửa vàng" không đúng sự thật, nhưng ông Tám Hiền vẫn tin việc kho vàng núi Tàu là có thật và kiến nghị "Nhà nước nên khai thác vì có đủ phương tiện hiện đại”.
"Điều ly kỳ trong chuyện kho vàng núi Tàu chính là sự có mặt ngay từ đầu của một cán bộ lão thành cách mạng như ông Tám Hiền. Nó như động lực giúp cho ông Tiệp quyết tâm tìm kiếm kho vàng", một cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận nhận xét.
“Một số người Nhật đã có ý định quay lại núi Tàu”
Không chỉ tìm cách độc quyền khai thác, ông Tiệp "để ý" luôn cả những người nước ngoài xuất hiện ở khu vực này. Theo tài liệu của ông Tiệp báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 31.12.1999 có 2 tàu biển của Malaysia xâm phạm vùng biển xã Phước Thể (huyện Tuy Phong) đã bị Bộ đội biên phòng Bình Thuận lập biên bản và sau đó 2 tàu này bị xử phạt hành chính 70 triệu đồng. Nhưng lý do 2 tàu biển này có mặt sát với núi Tàu thì không ai được biết.
Trước đó, ngày 15.1.1995, một người Nhật tên là Hakamura đã đến Cù Lao Câu (một hòn đảo nhỏ ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, cách núi Tàu chừng 10 km) để khảo sát, nhưng thực chất là thăm dò về kho vàng núi Tàu (?). Từ đó người này không quay trở lại nữa. Ngày 20.6.1995, ông Ngô Văn Phán, một người bạn của ông Tiệp đã thông qua ông Vũ Ngọc Dung (đều ở TP.HCM) gửi một bản fax sang Tokyo cho ông Hakamura (không rõ nội dung gì). Ngay ngày hôm sau, một bản fax từ Tokyo chuyển về TP.HCM với nội dung đại ý “Tôi rất lấy làm chú ý những thông tin mà ông gửi cho tôi”. Theo ông Tiệp, điều này cho thấy, người nước ngoài cũng rất quan tâm đến "kho vàng".
Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Trần Văn Tiệp bày tỏ tâm nguyện, mục đích
của mình suốt mấy chục năm qua: “Từ trước đến nay, tôi luôn xác định kho vàng
núi Tàu là thuộc về tài sản quốc gia. Tôi khai thác bằng tiền túi của mình chứ
không xin một đồng của nhà nước”. |
Một tài liệu khác cho biết, cũng năm này, một phụ nữ Nhật từng có cuộc gặp gỡ với ông Hoàng Vân Trường tại một khách sạn ở Hà Nội và đặt vấn đề muốn “Ký hợp đồng làm ăn với giá trị 200 triệu USD”. Chính ông Trường đã lén ghi hình người phụ nữ Nhật muốn "đi đêm" với mình, đem về TP.HCM báo cáo ông Tiệp. Sau đó ông Tiệp đã báo cáo toàn bộ sự việc với cơ quan công an.
Những chi tiết trên làm cho ông Tiệp nghi ngờ “Một số người Nhật đã có ý định quay lại núi Tàu” để tìm lại của cải mà họ chôn giấu năm nào. Vì thế, quyết tâm tìm kiếm của ông càng trở nên quyết liệt hơn.
(Theo Thanh niên - còn tiếp)