Trong ký ức của anh Lê Thanh Miễn và Lê Văn Dũng, thuộc nhóm chiến sĩ chiến đấu trên đảo Gạc Ma. Tưởng như hai anh mới vừa chứng kiến cảnh đồng đội là Trần Văn Phương và Nguyễn Văn Lanh tay không giành giật lá cờ tổ quốc với lính hải quân Trung Quốc, được vũ trang tận răng.

Gạc Ma 1988
Trường sa 1988: Cá Mập

Tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy được lệnh tiếp cận đảo Gạc Ma, khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đặt mốc chủ quyền ngay trong đêm 13. Sau khi đặt được mốc và cắm cờ tổ quốc, một nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo. Những người khác bốc vác vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo trên các xuồng nhỏ.

Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh có nhiệm vụ giữ cờ.

 

{keywords}
Ảnh cắt từ clip

Sáng ngày 14, Trung Quốc đưa 5 xuồng nhôm cùng vài chục lính thủy, dương AK lưỡi lê quây vòng tròn tiến lên đảo.

Những chiến sĩ trên đảo lùi dần về phía lá cờ, tạo thành ‘vòng tròn bất tử’. Anh Lê Thanh Miễn có mặt trong nhóm chiến sĩ đó. Anh chứng kiến thiếu úy Trần Văn Phương trúng đạn đầu tiên và gục xuống. Lá cờ được chuyển sang cho anh Nguyễn Văn Lanh. Hai lính Trung Quốc áp sát anh Lanh giành giật. Cán cờ bị văng mất, anh Lanh cuốn lá cờ vào ngực và đạp vào bụng hắn. Lính Trung Quốc đâm bằng lưỡi lê, báng súng vào anh Lanh nhưng anh vẫn kiên quyết giữ cờ.

Anh Lê Văn Dũng lúc đó vừa chở được một xuồng vật liệu vào, đang định bơi ra tàu thì gặp lúc lính Trung Quốc tấn công phải lui trở lại. Trong thời điểm anh Phương và anh Lanh giành giật lá cờ với lính Trung Quốc, anh Dũng và anh Miễn cũng đang chiến đấu với những lính Trung Quốc khác, chỉ cách chỗ thiếu úy Phương hy sinh vài mét.

Trong ký ức của anh Dũng, nhóm chiến sĩ mặc độc quần đùi áo may ô dũng cảm đánh giáp lá cà với hàng loạt lính mang súng AK lưỡi lê.

Sau trận giáp lá cà, quân Trung Quốc rút lui về tàu rồi dập pháo vào đảo Gạc Ma và tàu HQ-604, thảm sát gần như toàn bộ các chiến sĩ trên đảo và tàu.

Anh Lê Thanh Miễn rưng rưng kể về người đồng đội Võ Văn Tứ (quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên). Anh Tứ bị mảnh pháo phạt đứt rời ngang đùi, mất chân phải. Máu ra nhiều. Sau khi pháo Trung Quốc ngừng, anh Miễn xé gấu quần đùi buộc ngang bắp chân anh Tứ rồi đưa anh nằm lên xuồng nhôm, cạnh xác thiếu úy Trần Văn Phương. Anh Phương bị lính Trung Quốc xả AK vào người và bị pháo phạt mất nửa mặt.

(Cần biết rằng Gạc Ma là một đảo chìm. Khi thủy triều xuồng nước đến đầu gối. Khi triều lên nước đến ngang bụng. Sau trận chiến, quân ta dùng những xuồng nhỏ để những người bị thương nặng nằm lên xuồng. Những người bị thương nhẹ và không bị thương cứ đứng dầm nước nhiều tiếng đồng hồ đến khi được cứu).

Trong lúc tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma bị tấn công dữ dội thì bên đảo Len Đao và Cô Lin, tàu HQ-605 và HQ-505 cũng đồng thời bị bắn. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ cho tàu lùi ra lấy đà và ủi lên đảo Cô Lin. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Thủy thủ tàu vừa dập lửa vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604.

Anh Miễn bơi đẩy chiếc xuồng có anh Tứ và xác anh Phương ở trên về đến tàu HQ-505 (lúc này đã bị cháy và hư hại một phần). Nhưng thành tàu quá cao (chừng 5 – 6 mét) có cầu thang lên. Anh cõng anh Tứ đằng sau, nhưng anh Tứ đã mất máu quá nhiều, sức yếu không thể ôm anh Miễn để anh leo lên. Anh Tứ chỉ một mực kêu khát nước và xin anh Miễn để anh lại, cho anh uống nước để anh chết.

 

{keywords}

Thả bè hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung.

“Tội hắn lắm (tiếng địa phương Quảng Bình). Tôi cũng chẳng biết làm thế nào, đành để hắn lại trên xuồng rồi leo lên tàu HQ-505 lấy nước. Vậy mà hắn khỏe hung, cứ nằm vậy. Từ lúc bị thương khoảng 10h sáng, đến 4h hôm sau, khi được đưa về đảo Sinh Tồn thì ra đi”, anh Miễn nghèn nghẹn.

Nhưng ngay khi hai tàu Việt Nam đã bị bắn chìm và cháy (tàu HQ-605 bị bắn bên phía đảo Len Đao, sáng hôm sau tàu chìm). Người thương vong quá nhiều, phía Trung Quốc vẫn cho 3 tàu chiến ngáng chặn, không cho tàu Việt Nam và tàu Hội Chữ Thập Đỏ vào ứng cứu. Chiến sĩ hải quân Việt Nam, người gắng gượng bơi được vào bãi đá Cô Lin, người bị thương nằm trên xuồng, thậm chí trên lưng đồng đội. Người ôm những mảnh tàu vỡ lênh đênh trên mặt biển nhiều tiếng liền.

Chỉ đến đêm 14, sang ngày 15, tàu Việt Nam mới tiếp cận được đảo Gạc Ma để đưa các chiến sĩ về đảo Sinh Tồn cứu chữa. Nhiều người sang ngày 15 mới được cứu. Anh Miễn kể vài ngày sau khi được đưa về, lưng và vai các chiến sĩ tróc từng mảng da vì cháy nắng và ngâm nước mặn quá lâu.

Nhiều chiến sĩ không đợi được đã vĩnh viễn ra đi, trong đó có anh Tứ.

  • Hoàng Hường - Phương Cúc