Các kênh để người dân có thể phản ánh hiện có là chưa đủ, cần tạo cơ chế để người dân cung cấp thông tin một cách dễ dàng hơn.
Trong nhóm giải pháp để kiểm soát quyền lực, đấu tranh chống hiện tượng suy thoái, biến chất, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII có nhấn mạnh đến giải pháp phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII đánh giá đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đấu tranh chống tham nhũng và suy thoái biến chất.
Tuy nhiên, những kênh để người dân có thể phản ánh mà chúng ta có hiện nay là chưa đủ.
PV: Trong 30 năm đổi mới, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta nhận thấy vấn đề suy thoái đạo đức, tham nhũng ngày càng gia tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
Ông Lê Minh Thông: Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nhìn nhận và xác định nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đáng chú ý nhất chính là cơ chế kiểm soát, cơ chế xử lý sai phạm chưa ổn. Hầu hết các vụ việc tham nhũng, lãng phí là do báo chí, công luận phát hiện, chứ các cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền chưa thực sự phát hiện được. Tính chủ động của các cơ quan có trách nhiệm cần được phát huy nhiều hơn nữa.
Ông Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII |
Một nguyên nhân nữa là, khi phát hiện vụ việc, vấn đề xử lý bị kéo dài, có những vụ việc cách thức xử lý chưa thỏa mãn được mong muốn của xã hội. Việc xử lý chưa thật sự nghiêm minh, chưa truy tận gốc nguyên nhân, cội nguồn của các vi phạm nên nhân dân chưa đồng tình.
Tình trạng suy thoái không chỉ ở một cá nhân mà có liên quan đến nhiều cá nhân. Trong khi chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc truy cứu một hành vi, một hiện tượng; còn những cá nhân liên quan khác chưa được xử lý một cách rốt ráo.
Bên cạnh đó, mức độ xử lý đối với những cá nhân suy thoái biến chất, những hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí cũng chưa thực sự nghiêm khắc, làm cho quan chức nhờn.
PV: Như ông vừa nói, quá trình xử lý chưa nghiêm, kéo dài dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”. Theo ông vướng mắc nằm ở đâu?
Ông Lê Minh Thông: Có nhiều nguyên do khiến quá trình xử lý các vụ vi phạm bị kéo dài, trong đó có lý do về cơ chế, về những quy định, quy trình, phải qua rất nhiều công đoạn. Như trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, chúng ta không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý hành vi của người đã về hưu gây hậu quả nghiêm trọng khi còn đương chức.
Do đặc thù nước ta là nước pháp quyền, xử lý mọi hành vi phải tuân theo pháp luật. Do vậy, khi không có cơ chế, thủ tục rườm rà, thiếu nhiều quy định khiến cho quá trình giải quyết bị cản trở, kéo dài.
Thêm vào đó, cách thức chúng ta tổ chức, triển khai công việc, tổ chức các cơ quan chống tham nhũng cần phải được xem lại, cần phải chuyên nghiệp và tinh nhuệ mới có thể ứng phó được với hiện tượng rất khó phát hiện. Người tham nhũng rất khôn ngoan, họ khai thác rất kỹ các kẽ hở của luật pháp, khai thác kỹ các mối quan hệ. Nếu đội ngũ chống tham nhũng không tinh thông nghiệp vụ, không có phẩm chất chính trị tốt, không quyết liệt, đặc biệt nếu không trao đủ thẩm quyền cho họ thì rất khó xử lý.
PV: Ông có nhận xét gì về những giải pháp giám sát quyền lực mà Đảng ta đã đưa ra trong Nghị quyết TƯ 4 khóa XII?
Ông Lê Minh Thông: Nhóm 6 giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết TƯ 4 kỳ này là bước cụ thể hơn, sát hơn với thực tiễn hiện nay. Tôi nghĩ rằng, các cấp các ngành, toàn Đảng, toàn xã hội nếu triển khai nghiêm túc, hiệu quả 6 nhóm giải pháp này, chúng ta hy vọng sẽ mang lại kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng suy thoái, biến chất, tham nhũng, lãng phí đang tồn tại, nhức nhối trong xã hội.
Vấn đề còn lại chỉ là việc quán triệt cho đúng và tổ chức thi hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, không ngưng nghỉ, làm đến nơi đến chốn.
Các cơ quan có trách nhiệm phải chủ động phát huy chức trách của mình không đợi báo chí, dư luận xã hội nêu lên rồi mới vào cuộc. Tức là phải xử lý một cách đồng bộ vừa chủ động thực hiện chức trách của mình theo đúng điều lệ Đảng, quy định của pháp luật, vừa chú ý lắng nghe đồng thời kịp thời phản hồi những đề xuất, kiến nghị của quần chúng nhân dân để tạo một cuộc đấu tranh tổng hợp nhiều sức mạnh, nhiều nguồn lực.
PV: Nghĩa là ông đánh giá cao giải pháp phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân?
Ông Lê Minh Thông: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sức mạnh của nhân dân không gì sánh được. Càng nghe ý kiến của nhân dân, càng tôn trọng ý kiến nhân dân, càng phát huy tối đa được sự tích cực của nhân dân thì càng hiệu quả.
Trong các nhóm giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đưa ra, có giải pháp phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, lắng nghe nhân dân và đi sâu vào nhân dân, dựa vào nhân dân để kiểm soát quyền lực, đấu tranh chống hiện tượng suy thoái biến chất, đây là một điều kiện tiên quyết. Thiếu nhân dân chúng ta sẽ không làm được gì.
Tập trung phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, của mỗi người dân, của mỗi tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội để thực hiện giám sát, phản biện xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng. Vấn đề phải tổ chức thật tốt để nhân dân chủ động tham gia vào quá trình này, để lắng nghe, chắt lọc những sáng tạo, nhiệt huyết của người dân để làm nên sức mạnh của cuộc đấu tranh này.
PV: Theo ông chúng ta đã có đầy đủ các cơ chế để phát huy sự sáng tạo, nhiệt huyết của người dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái chưa?
Ông Lê Minh Thông: Trước hết phải có cơ chế thu thập thông tin, phải có chỗ để người dân phản ánh. Hiện nay chúng ta mới chỉ hô hào, đôn đốc người dân phản ánh một cách chung chung. Chúng ta cần có một chỗ giống như bộ phận tố giác tội phạm ở Viện Kiểm sát để người dân tham gia phản ánh.
Theo tôi, những kênh để người dân có thể phản ánh mà chúng ta có hiện nay là chưa đủ, mà phải tạo điều kiện để người dân cung cấp thông tin một cách dễ dàng nhất. Thứ nữa phải tôn trọng ý kiến của người dân. Khi nhân dân đã có ý kiến, cơ quan chức năng phải có phản hồi. Việc tích cực phản hồi ý kiến của nhân dân khiến người dân tin rằng tiếng nói của họ được Đảng, Nhà nước lắng nghe.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV