- "Ngay khi nghe lũ lụt, một bạn trong nhóm đã lên xe vào Quảng Bình. Tôi gửi tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp cho bạn ấy và biết được người dân trong vùng lũ thèm cơm. Họ nói chúng tôi sợ mì ăn liền lắm rồi" - chị Thanh Chung - khách mời chuyên mục Hotface chia sẻ.
Chị Thanh Chung nói về hoạt động thiện nguyện cho các em nhỏ vùng cao.Những câu chuyện về việc làm tử tế, xúc động.
Xem toàn bộ phần 1 trò chuyện của chị Thanh Chung.
Nhà báo Hà Sơn: Xuất phát từ đâu chị gắn bó với công việc thiện nguyện?
Chị Thanh Chung: Tôi đã làm công việc thiện nguyện tròn 6 năm. Từ khi Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, lúc ấy ở Quảng Bình bị lụt và tôi bị ám ảnh hình ảnh cánh tay giơ lên khỏi nóc nhà. Trong cơn hoạn nạn ấy, ở New York, tôi gửi về 200 đô la qua một người bạn làm ở UBND tỉnh Quảng Bình. Bạn đó liên kết được nhiều người cùng mang hàng cứu trợ những người đồng hương của mình.
Sau chuyến đi đó, bạn Hạnh Nguyên báo Dân trí tiếp tục thu gom cho những hoạt động khác. Thấy mọi người ủng hộ nhiều, các bạn của tôi đến gặp Hạnh Nguyên nêu vấn đề thành lập nhóm làm thường xuyên. Tôi có blog tên "Vì ta cần nhau" cũng đông bạn đọc. Mọi người nói lấy tên blog của tôi làm nhóm từ thiện và nó được ra đời như vậy.
Lúc đó chỉ có 11 chị em tham gia và đến giờ con số lên đến hàng nghìn người. Trong đó có cả nhóm từ Hungary, Đức, Úc, Mỹ đều gửi tiền về. Đặc biệt đợt lũ lụt Quảng Bình, Hà Tĩnh vừa qua các bạn ở Hungary lập tức chuyển về 1000$.
Nhà báo Hà Sơn: Thường trước mỗi hoạt động từ thiện nhóm của chị có khảo sát, tiếp cận nơi mình sẽ trao tiền hay các món quà?
Chị Thanh Chung: Nhóm của tôi 6 năm qua có rất nhiều mạng lưới cùng tham gia. Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi đều liên lạc với sở giáo dục, phòng giáo dục của địa phương và lấy số liệu chính xác có bao nhiêu học sinh từng khối lớp sau đó gọi điện cho nhà sản xuất may quần áo. Chúng tôi dựa trên số liệu cụ thể, như lớp 1A có 20 em nữ, 30 em nam ở độ tuổi 6 đóng gói sẵn từng thùng đến nơi chỉ việc mở ra trao.
Chúng tôi rất cẩn thận nên không bao giờ đến mà thiếu của các con vì thiếu cũng làm chúng tủi thân. Chúng tôi cũng không nhận quần áo cũ bởi đứa cái cũ đứa cái mới làm cho chúng buồn. Chủ trương của chúng tôi là quần áo hoàn toàn mới. Có những nơi đi phát cho các con nhưng nhà trường giữ lại vì muốn các con mặc ở trường nhưng khi ở nhà chúng lại bị lạnh. Vì thế chúng tôi chủ yếu phát quà vào những ngày thường và báo phụ huynh để họ cùng con đến chứng kiến. Tan học phụ huynh dắt con trên tay ôm món quà thể hiện nó thuộc về họ chứ không thuộc về trường.
Nhà báo Hà Sơn: Nhóm từ thiện của chị hướng tới các em nhỏ vùng cao, tại sao lại là đối tượng này?
Chị Thanh Chung: Vì trẻ em là đối tượng yếu đuối nhất, nếu không bảo vệ - chúng không biết tự bảo vệ. Chúng tôi hướng về đối tượng trẻ em trong trường học nhằm mục đích tăng số lượng đến trường.
Có lần mang quần áo mới đến phát các điểm trường, có bà mẹ lao vào đòi nhận lập tức bị chính bà mẹ khác nói: "Mày không cho con đi học không được đâu". Chính vì điều đó chúng tôi chỉ phát cho trẻ con đi học để khuyến khích các em đến trường và nhận quần áo mới, sách vở mới. Sở dĩ chúng tôi quan tâm đến trẻ em mẫu giáo vì lên cấp 2 nhà nước có trường nội trú.
Nhà báo Hà Sơn: Chị chia sẻ chi tiết thú vị sẽ chỉ tặng những bộ quần áo mới chứ không phải quần áo cũ. Nhưng thực tế lâu nay nhiều tổ chức từ thiện kêu gọi quyên góp trên tinh thần ai có đồ không dùng gom tặng. Vì sao các chị lại lại có cách làm khác như vậy?
Chị Thanh Chung: Mỗi nhóm có tiêu chí riêng, nhóm quyên góp đồ đã qua sử dụng như "Thứ 7 vui" thu gom bán hoặc trao tặng nhưng chúng tôi lại nghĩ đã đem đến cho trẻ con thì như lời nói "Có sách mới áo hoa" chúng sẽ thích. Nếu mang đồ cũ, trẻ em cũng không vui. Thực ra, số tiền may cho trẻ em không lớn. Chỉ cần hai người lớn bớt đi một bữa ăn sáng đã may áo mới cho trẻ rồi.
Mang đến nhà dân bạn có thể dùng đồ cũ còn mang đến trường chủ trương của nhóm tôi phải là đồ mới. Bản thân tôi bên Mỹ cũng quyên góp những đồ dùng cũ, chọn lọc đồ đẹp gửi về Việt Nam rồi kêu gọi bán cho bạn bè lấy số tiền đó may quần áo mới cho trẻ em vùng cao.
Nhà báo Hà Sơn: Không chỉ hướng đối tượng là các em nhỏ vùng cao mà nơi nào có thiên tai, lũ lụt nhóm của chị cũng có những chia sẻ?
Chị Thanh Chung: Đúng vậy. Đây là lần thứ 2 chúng tôi có hàng về Quảng Bình ngay lập tức khi người dân gặp lũ lụt. Tôi vẫn nhớ lần đầu cách đây mấy năm, Quảng Bình cũng có trật lụt, lúc đó chúng tôi mua tôn ngay thị xã Hà Tĩnh, chuyển thẳng đến vùng lũ lụt để họ làm nhà.
Trận lũ vừa rồi ở Quảng Bình, ngay khi nghe tin, một bạn trong nhóm đã đi lên xe vào Quảng Bình, tôi chuyển tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp cho bạn ấy và biết được người dân ở trong vùng lũ thèm cơm. Họ nói chúng tôi sợ mì ăn liền lắm rồi. Do vậy, nhóm chúng tôi mua gạo phát ngay tại chỗ cho mỗi hộ 20 cân và một triệu tiền mặt.
Có người thắc mắc tại sao lại đưa tiền vì sợ họ sử dụng không đúng chỗ. Nhưng chúng tôi nghĩ đưa tiền để nhà nào cần gì thì mua. Đợt vừa rồi chúng tôi chi gần 200 triệu cho đợt lũ. Chúng tôi cũng vừa khảo sát các trường học để chuyển chuyến hàng tiếp theo sẽ là sách vở, quần áo, chăn ấm cho các em nhỏ. Các hộ gia đình chúng tôi ủng hộ chỉ là nhất thời lúc khó khăn còn chăm lo cho đời sống các em tốt hơn là mục đích lớn chúng tôi đã vạch ra và sẽ theo đuổi.
Nhà báo Hà Sơn: Những việc tử tế nào chị chứng kiến trong hành trình đi làm từ thiện của mình?
Chị Thanh Chung: Trong quá trình đi làm từ thiện tôi gặp nhiều chuyện cảm động. Có một bác bán rau bên Gia Lâm lần nào tôi từ Mỹ về cũng gửi lúc 1 triệu lúc 2 triệu. Bác chỉ là người bán rau thôi nhưng rất có tấm lòng. Hay có người nhắn tin: "Cô ơi cháu chỉ có 200 ngàn và không thể góp được nhiều hơn". Nói chung nhiều người tử tế lắm.
Thực ra nhóm của tôi không có đại gia, chỉ góp chút ít rồi thành nhiều nhưng quan điểm của chúng tôi là muốn thay đổi ý thức xã hội. Nhóm chúng tôi một ngàn từ thiện cũng nhận, hai ngàn cũng nhận thậm chí có bạn không có tiền nhưng như tôi đã từng nói trên trang cá nhân của mình là hãy cho chúng tôi một tiếng vỗ tay để những việc làm được lan rộng như vậy cũng là tốt rồi.
Nhà báo Hà Sơn: Nhóm của chị hay nhận được số tiền hay món quà từ thiện bất ngờ hay đặc biệt của ai đó không?
Chị Thanh Chung: Thường chúng tôi hay nhận được số tiền quyên từ 100 ngàn, 200 ngàn, 1 triệu... Nhưng như đợt lũ Quảng Bình vừa rồi, có một cháu đang học ở Mỹ cùng với một người bạn nhắn cho tôi: "Cháu gửi bác một tấn gạo để gửi cho Quảng Bình tương đương số tiền 13 triệu". Đó là món quà tôi ngạc nhiên nhưng rất cảm động. Hay có cháu khác nói: "Cháu đi làm thêm ở Mỹ có ít tiền và nhờ mẹ cháu chuyển vào tài khoản cho bác". Các cháu sinh viên cũng phải đi làm thêm nhưng khi nhóm chúng tôi kêu gọi ủng hộ cũng rất tích cực. Trong 2 ngày vừa qua nhóm cũng đã tăng lên hơn 100 triệu, đó là con số tăng đột biến.
Nhà báo Hà Sơn: Chị làm cho nhiều tổ chức quốc tế và vẫn đảm đương công việc từ thiện liên tục, vậy phân bổ thời gian cho hai việc ra sao?
Chị Thanh Chung: Ở nước ngoài sau khi xong công việc ở cơ quan về nhà thời gian hoàn toàn còn lại của mỗi người. Thực ra bây giờ công việc chính của tôi là gây quỹ còn công việc cơ quan là đến các dự án trong nước làm việc.
Có nhiều cách để làm từ thiện, ví như tôi chịu khó viết bài để nhiều người đọc, nhiều người theo dõi xin tiền được nhiều. Thứ hai là tôi viết sách, có cuốn thu về mấy trăm triệu. Tôi cũng có ông xã ủng hộ, những việc nhà không làm được anh ấy tranh thủ giúp. Buổi tối tôi cần phải viết, hay giặt các con búp bê, ông xã cũng sẵn sàng giúp các việc khác. Đúng là thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.
Sơn Hà - Thu Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Xuân Phúc
Ảnh: Hòa Nguyễn