"Như vậy, người được quyền tiến cử trước khi tiến cử phải có sự đánh giá, lựa chọn chính xác đúng đối tượng, công tâm, khách quan để khi công bố nhận được sự đồng thuận của tập thể cơ quan, đơn vị mình."

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo” của Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Đình Hồng (ảnh) cho biết: Tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.

Tất cả cán bộ trẻ được tiến cử đều bình đẳng về cơ hội và điều kiện để phấn đấu. Người tiến cử phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ trẻ phát triển. Cán bộ trẻ đó phát triển tốt, người tiến cử được biểu dương, khen thưởng; ngược lại, phải chịu trách nhiệm cá nhân khi người đó không nỗ lực phấn đấu, có vi phạm và bị xử lý kỷ luật.

{keywords}

Cán bộ trẻ dưới 35 tuổi được tiến cử phải trải qua rèn luyện, thử thách mới được quy hoạch vào chức danh cao hơn. Trong ảnh: Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang Lê Thị Thu Hà (đứng giữa) cán bộ 32 tuổi trưởng thành sau khi tham gia Đề án 89 của Ban Thường vụ Thành ủy.

* Thưa ông, tiến cử cán bộ trẻ là chủ trương đã được triển khai từ sau Đại hội XIX của Đảng bộ thành phố. Vậy hiện nay tại sao cần thiết phải ban hành Đề án này?

- Sau Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2005-2010, Ban Thường vụ Thành ủy có chủ trương và đề nghị các Thành ủy viên tiến cử cán bộ trẻ có triển vọng phát triển để Thành ủy quan tâm theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội phát triển.

Nhìn chung, qua 2 nhiệm kỳ thực hiện chủ trương này, thành phố đã chủ động, tích cực làm tốt công tác cán bộ, bước đầu chuẩn bị được đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, khắc phục dần tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ. Công tác cán bộ đã từng bước nâng cao chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, phục vụ kịp thời công tác nhân sự cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể các cấp.

Tuy nhiên, công tác cán bộ trẻ còn một số mặt hạn chế. Rõ nhất là tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy chưa bảo đảm theo quy định. Cơ cấu cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp, chưa có tính kế thừa. Trong khi đó, Đà Nẵng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây chính là sự cần thiết phải ban hành Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo” với mục tiêu phấn đấu đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ đến đạt tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy theo quy định của Trung ương. Trong đề án, chủ trương tiến cử cán bộ trẻ được tiếp tục triển khai, đồng thời mở rộng hơn cả về đối tượng được quyền tiến cử và đối tượng  tiến cử.

{keywords}
Ông Trần Đình Hồng

* Ai là người được quyền tiến cử và cán bộ trẻ được tiến cử phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào, thưa ông?

- Theo Đề án, người tiến cử là các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và tương đương; bí thư quận ủy, huyện ủy, chủ tịch UBND quận, huyện và tương đương được tiến cử cán bộ trẻ của cơ quan, đơn vị mình hoặc trên địa bàn thành phố nói chung.

Người được tiến cử là những cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ dưới 35 tuổi. Ở cấp thành phố gồm: Từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Cấp quận, huyện gồm: Từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể. Cấp phường, xã gồm: bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND.

Tiêu chuẩn tham gia Đề án: Tốt nghiệp đại học chính quy công lập (bằng 1) hoặc tốt nghiệp đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ Giáo dục-Đào tạo công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên; khả năng ngoại ngữ tối thiểu ở trình độ B1 châu Âu; trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên và đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định; có thực tiễn ít nhất 5 năm công tác tại các cơ quan thuộc thành phố Đà Nẵng, có thành tích tiêu biểu, uy tín tại nơi công tác.

* Trách nhiệm của người tiến cử cán bộ trẻ được quy định như thế nào, thưa ông?

- Đề án lần này quy định rất rõ trách nhiệm của người tiến cử cán bộ trẻ. Người tiến cử phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ trẻ phát triển, đặc biệt là phải nắm rõ về chính trị hiện nay của cán bộ trẻ mà mình giới thiệu. Nếu cán bộ trẻ đó nỗ lực phấn đấu phát triển tốt, người tiến cử được biểu dương, khen thưởng.

Ngược lại, người tiến cử phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu cán bộ trẻ do mình tiến cử không nỗ lực phấn đấu, quá trình công tác có sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật Đảng. Quy định mới này yêu cầu cao về trách nhiệm của người có quyền tiến cử cán bộ trẻ.

Tiến cử rồi, anh phải theo sát quá trình nỗ lực phấn đấu, rèn luyện thử thách của cán bộ trẻ chứ không phải tiến cử rồi bỏ mặc hoặc tiến cử rồi quên. Uy tín của người được quyền tiến cử gắn liền kết quả phấn đấu của cán bộ trẻ.

* Thưa ông, việc tiến cử cán bộ trẻ tham gia Đề án này phải bảo đảm những yếu tố nào để không có trường hợp tiến cử xong lại có dư luận cho rằng có tiêu cực hoặc không công bằng?

- Như tôi đã nói, Đề án lần này quy định rất rõ trách nhiệm của người được tiến cử. Những cán bộ trẻ sau khi được tiến cử phải qua sự sàng lọc, đánh giá của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này sẽ tiến hành thu thập thông tin, lấy ý kiến tham khảo cả tập thể cấp ủy, tập thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi người được tiến cử đang công tác.

Trên cơ sở đánh giá cán bộ, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị loại khỏi Đề án những người không có triển vọng phát triển, người chưa xứng đáng nhất trong cơ quan, đơn vị đó. Với việc sàng lọc đầu vào, Đề án này sẽ không để xảy ra những trường hợp được tiến cử mà có dư luận đánh giá rằng thiếu công tâm, khách quan, công bằng.

Như vậy, người được quyền tiến cử trước khi tiến cử phải có sự đánh giá, lựa chọn chính xác đúng đối tượng, công tâm, khách quan để khi công bố nhận được sự đồng thuận của tập thể cơ quan, đơn vị mình.

Nếu sau khi tiến cử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định cho thấy có sự thiếu công tâm, khách quan và không có sự đồng thuận của đa số trong tập thể đơn vị, chắc chắn uy tín của người thủ trưởng tiến cử sẽ bị ảnh hưởng. Tôi tin rằng những người được quyền tiến cử sẽ rất cân nhắc, sáng suốt khi tiến cử cán bộ trẻ.

* Xin cảm ơn ông!

Cán bộ trẻ phải qua thử thách

Theo Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ trẻ sau khi được tiến cử sẽ được bố trí, giao việc để rèn luyện, thử thách ít nhất 3 năm ở những cơ quan, đơn vị, địa phương khó khăn, có những vấn đề nổi cộm, lĩnh vực phức tạp.

Những cán bộ trẻ có kết quả phấn đấu, thành tích công tác tốt sẽ tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất bổ sung vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp; đồng thời tiếp tục bồi dưỡng theo chức danh quy hoạch. Quá trình thử thách sẽ có sự đào thải những người thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, có sai phạm; đồng thời tiếp tục bổ sung vào Đề án những nhân tố mới.

SƠN TRUNG thực hiện/ theo Báo Đà Nẵng

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt