"Hệ thống giám sát quyền lực cần phải được tổ chức chặt chẽ hơn vì quyền lực không được giám sát thì chắc chắn sẽ tha hóa, đó là một quy luật".
Bộ Chính trị vừa có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong giai đoạn hiện nay?
Ông Lê Văn Cương: Phê bình và tự phê bình là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của đảng viên, điều này đã được quy định rõ trong Điều 2 Điều lệ Đảng. Đây cũng là một biện pháp quan trọng để làm trong sạch Đảng, cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết Đại hội XII cũng xác định rõ tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn. Một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc, đã có những tư tưởng, việc làm chống lại Đảng, Nhà nước. Đây là những vấn đề bức xúc và dứt khoát phải giải quyết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hết sức lo lắng và phê phán gây gắt những tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Trong khi ở nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân xoay sở làm giàu; ăn uống chè chén xa hoa, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm với những khó khăn của quần chúng; một số lợi dụng chức quyền, vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước, của tập thể trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội”.
Vì vậy, việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình lần này gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với tinh thần hết sức thẳng thắn, quyết liệt. Tôi cho rằng với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII sẽ lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
PV: Tại sao phê bình và tự phê bình được đặt ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng nhưng đến nay vẫn không đạt yêu cầu, thậm chí có nơi còn hình thức, chiếu lệ, thưa ông?
Ông Lê Văn Cương: Tôi cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản làm cho phê bình và tự phê bình chưa đạt được kết quả mong muốn: một là, từng đảng viên chưa làm tròn nhiệm vụ được ghi trong Điều lệ Đảng, trong đó có nhiệm vụ phê bình và tự phê bình.
Hai là, đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cấp ủy Đảng chưa nêu gương, chưa làm tốt vai trò nêu gương.
Ba là, hệ thống giám sát quyền lực của ta còn lỏng lẻo, hoạt động chưa hiệu quả như nhân dân mong muốn. Như vụ Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã lèo lái để “con tàu PVC” chìm trong thua lỗ hơn 3200 tỷ đồng nhưng vẫn được đề bạt, được tặng Huân chương, được điều chuyển… Vì vậy, hệ thống giám sát quyền lực cần phải được tổ chức chặt chẽ hơn vì quyền lực không được giám sát thì chắc chắn sẽ tha hóa, đó là một quy luật mà không có ngoại lệ nào cản.
Chức càng cao thì càng phải gương mẫu
PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều khi phê bình và tự phê bình còn hình thức, chiếu lệ là do bệnh nể nang trong Đảng còn nặng nề và phổ biến. Sâu xa hơn là vì tư lợi, vì cá nhân muốn cho mình được yên ổn để giữ chức, giữ quyền, giữ ghế… mà không có trách nhiệm xây dựng. Theo ông, biểu hiện này có nguy hiểm với Đảng không?
Ông Lê Văn Cương: Biểu hiện này rất nguy hiểm. Cuộc họp chi bộ là nơi mà đảng viên có quyền, trách nhiệm thể hiện thái độ của mình trước cái đúng, cái sai. Vậy có bao nhiêu đảng viên họp chi bộ tỏ thái độ, mặc dù họ biết nhưng họ không nói.
Bên cạnh ý thức, trách nhiệm, dũng khí của người đảng viên thì sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo có vai trò quan trọng. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Ở bất kỳ nơi nào, thủ trưởng đơn vị, Bí thư gương mẫu, tiên phong, trung thực, thẳng thắn thì chắc chắn nơi đó phê bình và tự phê bình trở thành vũ khí hiệu quả nhất để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ngược lại, thủ trưởng đơn vị, Bí thư không trung thực, không minh định, sẵn sàng sử dụng quyền uy của mình để đối xử với cán bộ thì chắc chắn phê bình và tự phê bình chỉ là hình thức.
PV: Theo ông cần có những biện pháp gì để làm cho việc phê bình và tự phê bình trở thành động lực phát triển của Đảng đúng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII?
Ông Lê Văn Cương: Để phê bình và tự phê bình trở thành động lực trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, từng đảng viên cần nhớ lại lời tuyên thệ của mình trước khi vào Đảng và thực hiện nhiệm vụ đảng viên trong Điều 2 Điều lệ Đảng về phê bình và tự phê bình.
Những người lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống, trong công tác, trong hoạt động thực tiễn đúng như Nghị quyết Đại hội VI đã nêu: Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn.
Hệ thống Ủy ban kiểm tra, các Ban của Đảng ở Trung ương cần nghiên cứu, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy chế, kỷ luật, làm sao giám sát được quyền lực đối với các hoạt động của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ vai trò chủ chốt; tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội phát huy được vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội.
Tôi mong Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông hoạt động có hiệu quả, phát hiện những lệch chuẩn của một số cán bộ, đảng viên; tôn vinh những phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí nào tham gia tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa; đồng thời phải xử lý bất cứ người nào lợi dụng lĩnh vực này để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh đạo.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Kim Anh (thực hiện)/ theo VOV.VN
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt