{keywords}


 - “Chúng tôi đã được sống trong nắng, gió, lẫn trong “mùi sân bay” quen thuộc trên quê hương của những người ngày nào còn là kẻ thù không rõ mặt”, một cựu binh phi công kể lại, sau chuyến giao lưu với các cựu binh phi công Hoa Kỳ trên đất Mỹ.

Tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam/Báo Vietnamnet, ông Từ Đễ, nguyên phi công lái MiG-17 của trung đoàn 923 kể về chuyến đi Mỹ của đoàn cựu binh phi công Việt Nam.

Xem lại Kỳ 1: Chuyện chưa kể về tàu sân bay Midway và 4 phi công cảm tử Việt Nam

Chương trình đi San Diego dày kín do phía Hoa Kỳ thiết kế. Nhưng ông Từ đặt kế hoạch riêng phải thăm bằng được 2 địa điểm, một là bức tượng nổi tiếng- “nụ hôn thế kỉ”, mô tả một anh lính thủy về nhà sau cuộc chiến đã ôm hôn cô gái không quen trên đường ngay khi anh vừa đặt chân xuống mặt đất; Hai là câu lạc bộ sĩ quan Miramar nơi quay bộ phim “Top gun” nổi tiếng với nền nhạc là bài hát “take my breath away”. Bộ phim này do không quân Hoa Kỳ đặt Hollywood làm. Theo ghi nhận, ngay khi bộ phim được công chiếu, số đơn xin ra nhập không quân Mỹ tăng 500%.

Tại sân bay Miramar, đoàn cựu binh phi công Việt Nam đã tham dự lễ khai mạc Ngày hội hàng không của Hải quân Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều khách yêu bầu trời đến từ nhiều quốc gia khác. Những nội dung hấp dẫn nhất nhóm phi công già là đội “Thiên thần xanh” trình diễn kĩ thuật bay biên đội trên 5 máy bay F18; Đội bay biểu diễn của tư nhân bằng 5 máy bay L39 (máy bay huấn luyện nổi tiếng của Cộng hòa Séc); Màn cất hạ cánh thẳng đứng ngoạn mục của máy bay hiện đại nhất Hải quân F35B; Lính thủy đánh bộ cùng với máy bay trực thăng tấn công AH-64, máy bay cánh lật V22 biểu diễn màn tấn công đổ bộ đánh chiếm đầu cầu ngoạn mục.

Theo ông Từ, có trong nghề lái máy bay chiến đấu mới hiểu hết cái hay của các nội dung này: nó thể hiện trình độ lái máy bay rất cao của phi công cũng như tính hiệp đồng đổ bộ mẫu mực. “Chúng tôi lại được sống trong không gian tràn đầy nắng gió lẫn “mùi sân bay” quen thuộc ngay trên đất nước Hoa Kỳ, quê hương của những người ngày nào còn là kẻ thù không rõ mặt”, ông Từ chia sẻ. Nhìn các phi công trong đội bay "Thiên thần xanh" của Hải quân Hoa Kỳ, ông Từ đã thầm so sánh với các phi công học viên của không quân ta tại trung đoàn huấn luyện bay 910 ven biển Phú Yên. Họ đều bay nhào lộn trong bầu trời xanh ngắt, họ cùng tắm trên bãi biển trải dài, tất cả họ đều tươi trẻ, đầy sức sống.

{keywords}

Ghé thăm Câu lạc bộ sĩ quan lính thủy đánh bộ, ông Từ không quên bỏ mũ để mua 1 vại bia, thử tìm cảm giác của học viên phi công điển trai – do diễn viên Tom Cruise đóng trong phim “Top gun”- nhưng không thấy. Đen cho ai, lớ ngớ không hiểu thông lệ mà đội mũ vào câu lạc bộ này sẽ phải trả tiền bia cho tất cả mọi người có mặt trong đó, không có ngoại lệ.


Hồi hộp bước lên tàu sân bay Midway - cái tên quen thuộc ngày nào lại hiện về nhưng ông Từ đã không bị choáng ngợp bởi dáng dấp đồ sộ của nó khi bất ngờ phát hiện trên nóc hầm chứa máy bay có 1 chiếc máy bay cánh quạt dạng trinh sát Cessna L19 của không quân Việt Nam Cộng hòa được kín đáo treo sát nóc chứ không đặt trên mặt sàn con tàu. Người hướng dẫn viên là một cựu nhân viên kỹ thuật, khoảng ngoài 70 tuổi đã giải thích với ông Từ, đây là chiếc tàu bay được chế tác lại theo nguyên mẫu chiếc L19 của không quân Việt Nam Cộng hòa đã hạ cánh trên chiến hạm Midway hôm 29/4/1975.

Không khỏi ngạc nhiên, ông Từ hỏi, “Tôi không nghe nhầm đấy chứ? Vì theo tôi biết, chỉ có trực thăng và máy bay có móc phanh chuyên dụng mới hạ cánh được trên tàu sân bay, còn đây là máy bay của lục quân sao có thể hạ cánh được?”

Người cựu binh kỹ thuật trả lời rõ to: “Chỉ có Chúa mới có thể trả lời được câu hỏi này của anh. Tất cả các vật trưng bày ở đây đều liên quan tới sự thật nào đó. Chiếc máy bay treo trên tường tuy chỉ là phiên bản chế lại nhưng nó là chứng tích lịch sử, gắn liền với câu chuyện liên quan tới vị Hạm trưởng da đen đáng kính nể chỉ huy con tàu Midway thời đó."

Vì là nhân viên kỹ thuật mặt sân nên ông già cựu binh Mỹ vẫn nhớ như in cái ngày cách đây 42 năm. Hôm đó con tàu này đậu ngoài khơi Việt Nam cách bờ 70km thực hiện nhiệm vụ di tản khẩn cấp: Tiếp nhận trẻ em, người già và phụ nữ theo trực thăng ra tàu. Lúc ấy, sàn tàu đầy chật các loại máy bay: máy bay chiến đấu trực ban đỗ trên đường cất cánh, trực thăng di tản UH1 và CH-47 đỗ trên đường hạ cánh. Đột nhiên 1 chiếc máy bay trinh sát nhỏ Cessna L19 xuất hiện, bay vè vè phía trên và liên lạc với đài chỉ huy xin hạ cánh xuống tàu. Chỉ huy tàu đáp, “Anh cứ hạ cánh xuống biển, rồi chúng tôi sẽ cho trực thăng ra vớt lên”. Qua máy liên lạc, viên phi công thông báo, trên máy bay có chở gia đình gồm vợ và 4 đứa con.

Nghe vậy, ông hạm trưởng trao đổi nhanh với chỉ huy lực lượng phối thuộc và thông báo sẽ ủi toàn bộ các máy bay đậu trên đường hạ cánh xuống biển, dành chỗ cho chiếc Cessna này hạ cánh. Viên chỉ huy lực lượng phối thuộc ngạc nhiên hỏi: “Anh có bị sao không đấy? Anh có biết làm như vậy, chúng ta sẽ mất hàng chục máy bay và thiệt hại thế nào không?” Vừa nói ông ấy vừa làm dấu hiệu nhấc ngôi sao trên ve áo và chập 2 ngón tay chéo - hàm ý nhắc rằng nếu hành động như vậy, ông hạm trưởng có thể sẽ mất chức và vào tù.

{keywords}


Hạm trưởng điện xin Bộ tư lệnh Hạm đội cho đẩy máy bay trực thăng các loại đậu trên đường hạ cánh xuống biển, dành chỗ cho chiếc Cessna L19. Nhưng chỉ huy hạm đội không trả lời. Viên cựu binh già vẫn nhớ như in, lúc đó mỗi phút trôi đi, xăng trên máy bay Cessna lại cạn dần. Viên phi công yêu cầu khẩn thiết rằng anh ta chỉ còn 20 phút bay nữa thôi. Nếu không họ sẽ phải hạ cánh xuống biển và cả gia đình họ chắc chết. Vị chỉ huy, một tai nghe không sót từng lời khẩn nài của viên phi công L19, còn một bên tai ông đang chờ mệnh lệnh của cấp trên. Đột nhiên ông làm dấu Thánh giá và cầm ống nói lên: “Tôi ra lệnh đội ứng cứu an toàn đường hạ cánh - đẩy tất cả các máy bay trên đường hạ cánh xuống biển, 10 phút nữa đón Cessna hạ cánh”.

Người chỉ huy lực lượng phối thuộc trợn mắt và làm động tác chéo tay cảnh báo ông chỉ huy chiến hạm rằng, “ông sẽ mất hết”. Nhưng vị chỉ huy da đen lúc đó chỉ yên lặng, theo dõi các nhân viên của mình đẩy từng chiếc trực thăng xuống biển. Cuối cùng, chiếc Cessna đã hạ cánh an toàn trên sàn tàu trước sự vỗ tay nồng nhiệt của toàn bộ các nhân viên kỹ thuật có mặt ở đó. Họ vỗ tay khen cho trình độ phi công lái máy bay trinh sát L19 hạ cánh giỏi kết thúc tình huống gay cấn chưa từng xảy ra đó thì ít, mà chủ yếu là ủng hộ hành động cao cả của vị chỉ huy, người đã sẵn sàng rời bỏ tất cả tương lai sự nghiệp của mình và gia đình để cứu mạng một gia đình khác.

Trong lúc ấy, vị chuẩn đô đốc chiến hạm với quân phục chỉnh tề ngồi trên vị trí chỉ huy và chờ cú điện thoại trừng phạt của cấp trên. Nhưng cho đến hôm nay, cú điện thoại đó vẫn chưa tới nơi.

Tôi thắc mắc hỏi vì sao cú điện thoại trừng phạt đó chưa đến? Là một quân nhân có nhiều trải nghiệm, ông Từ cho rằng quyết định này thuộc dạng "bí mật quân sự đặc biệt”. Ông quả quyết: “Các thế hệ tư lệnh Hạm đội Thái Bình dương sẽ không bao giờ công bố câu chuyện về lệnh này đâu và cũng sẽ không giải mật sau 50 năm. Ông giơ ngón tay cái của bàn tay trái lên - dấu hiệu im lặng tuyệt đối.

Kết thúc câu chuyện cảm động được nghe ngay tại hầm tàu sân bay Midway, ông Từ trầm ngâm, câu chuyện này càng khiến tôi đồng cảm với các suy nghĩ của cố thiếu tướng tình báo - AHLLVT Phạm Xuân Ẩn và cả lão bạn già “đẹp trai có râu” cùng phi đội ngày nào - AHLLVT Nguyễn Thành Trung.

{keywords}
Đón xem kỳ 3: Tác giả chương trình huấn luyện “Top Gun” của không quân Mỹ là phi công Việt Nam?
Tuần Việt Nam