Trong phần trước Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, chúng ta đã phân tích về ý nghĩa phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Trong phần tiếp theo này, chúng ta cùng tìm hiểu về các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo trái phép mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông cũng như tác động của nó tới cục diện tranh chấp tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, chúng ta cùng phân tích cục diện tranh chấp trên Biển Đông trong năm 2017 trong bối cảnh chính quyền mới ở Philippines dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Duterte đã có sự điều chỉnh về chính sách đối ngoại. Sự điều chỉnh này sẽ tác động đến cục diện tranh chấp ở Biển Đông theo chiều hướng tốt lên hay xấu đi.
Trung Quốc rầm rộ cải tạo đảo trên quy mô rất lớn
BTV: Mặc dù không có những thông tin dày đặc, song báo chí quốc tế vẫn tiếp tục cập nhật những thông tin, những hình ảnh vệ tinh được chụp tại Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại một số thực thể mà nước này xây dựng và cải tạo trái phép thời gian qua. Ông có thể chia sẻ những thông tin về hoạt động cải tạo và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Biển Đông trong năm qua? Nếu so sánh với năm 2015 thì các hoạt động năm 2016 có gì khác biệt?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Vâng, tôi muốn cung cấp cho các bạn các thông tin về hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc diễn ra từ năm 2013 đến năm 2016 này.
Hình ảnh đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo. |
Trong suốt năm 2014, 2015, Trung Quốc đã tập trung bồi đắp các đảo nhân đảo ở Trường Sa. Với một lực lượng rất mạnh, bằng nhiều phương tiện hiện đại nhất, trong vòng hơn 2 năm, Trung Quốc đã bồi đắp đá Châu Viên thành một đảo nổi có diện tích là 231.000 m2, đá Subi thành một đảo nổi có diện tích 4 triệu m2, đá Chữ Thập có diện tích 2,7 triệu m2, đá Vành Khăn 5,5 triệu m2, đá Gaven 1.360 m2, đá Tư Nghĩa là là 1.400 m2 và đá Gạc Ma là 109.000 m2. Tổng cộng diện tích Trung Quốc bồi đắp các đảo ở Trường Sa là khoảng 1.300 ha. Đây là một việc làm có thể nói là quy mô lớn nhất thế giới mà trên hành tinh này chưa bao giờ có một cuộc cải tạo lớn như vậy.
Sau khi cải tạo và bồi đắp thành đảo nhân tạo, năm 2016, Trung Quốc tập trung xây dựng căn cứ quân sự. Ở đây đã hình thành 2 sân bay lớn, ở đảo Chữ Thập với đường băng dài hơn 3.000 m, phục vụ cho việc lên xuống của máy bay ném bom chiến lược tầm xa của họ. Tại đảo Gạc Ma có sân bay với đường băng khoảng 2.400 m, phục vụ máy bay tiêm kích J10, J11, SU 30MK, Mig 29…
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã xây các quân cảng ở đây, lắp 4 radar tần số cao phục vụ mục đích quân sự ở 4 đảo: Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viên.
Châu Viên là đảo cực Nam của quần đảo Trường Sa. Khi có một radar tần số cao ở đây thì Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát mọi máy bay, tàu thuyền của nước ngoài đi qua eo biển Malacca và Biển Đông. Trung Quốc cũng đã xây 2 nhà chứa máy bay, lắp 2 tổ hợp 4 bệ phóng tên lửa HQ9.
Song song với các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự, Trung Quốc cũng xây dựng các công trình dân sự như: trạm y tế, trung tâm cứu trợ, cứu nạn trên biển, cơ sở dịch vụ tàu biển, sửa chữa nhỏ, bơm dầu, tiếp dầu, xây dựng hải đăng, các trung tâm nghiên cứu khoa học biển, nghiên cứu môi trường.
Họ nói rằng xây dựng căn cứ dân sự này không chỉ phục vụ cho riêng Trung Quốc mà tất cả tàu thuyền của quốc tế. Tất cả các tàu thuyền đến đây gặp sự cố, cần cứu trợ, Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào cứu trợ, cứu nạn và sửa chữa tàu thuyền, phục vụ mục đích chung của cộng đồng quốc tế.
Như vậy là trong năm 2016, Trung Quốc song song xây dựng căn cứ quân sự và căn cứ dân sự trên các đảo bồi đắp ở Trường Sa. Cộng đồng quốc tế xem những hành động của Trung Quốc là vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982.
Công ước Luật Biển năm 1982 không cho phép các quốc gia cải tạo các đảo chìm, các đá thành căn cứ quân sự nổi tại những vùng tranh chấp. Có thể tóm tắt lại, so với năm 2014, 2015 thì Trung Quốc đã hiện thực hóa, xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa.
Trung Quốc rất cần hòa bình, hợp tác để phát triển kinh tế
BTV: Theo ông việc Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự tại các thực thể ở Biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý tranh chấp, đến an ninh, ổn định ở biển Đông?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự tại vùng tranh chấp là vi phạm Công ước và chắc chắn là có tác động đến quản lý tranh chấp, đến an ninh và ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên tác động đến mức độ nào còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc vận hành các cơ sở quân sự này.
Hiện nay họ chưa vận hành, cho nên đến giờ phút này có thể tình hình Biển Đông về cơ bản là yên tĩnh. Còn sắp tới đây, Trung Quốc vận hành các căn cứ quân sự này với mục đích, với quy mô, với tính chất như thế nào thì khi ấy mới bộc lộ toàn bộ tác động đến việc quản lý tranh chấp, đến ổn định và an ninh. Nhưng chắc chắn là có tác động.
BTV: Liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa, có thính giả đặt câu hỏi: nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng các hành động quân sự để mở rộng sự chiếm đóng tại Biển Đông thì Liên Hợp Quốc có thể can thiệp hay không?”
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Vấn đề thính giả hỏi là một vấn đề khó, thuộc về thì tương lai. Tôi xin có ý kiến thế này:
Thực tiễn đã chứng mình rằng, Trung Quốc đã liên tục vi phạm Công ước Luật Biển 1982, cũng như các cam kết của họ trên Biển Đông. Nhưng nói gì thì nói, các vi phạm của họ sắp tới đây bao giờ cũng có một biên độ, giới hạn nhất định. Bởi vì khi vượt quá giới hạn ấy thì cộng đồng quốc tế sẽ phê phán, sẽ phản đối. Và rất khó khăn cho Trung Quốc trong việc tổ chức hợp tác quốc tế.
Trung Quốc rất cần hòa bình, hợp tác để phát triển kinh tế. Trung Quốc rất cần hợp tác với cộng đồng quốc tế. Nếu như họ làm quá, bị cộng đồng quốc tế lên án thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương, mục đích phát triển của Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ rằng, các hoạt động của Trung Quốc cũng có giới hạn của nó, chứ họ không thể muốn làm gì thì làm được.
Chính sách mới của Philippines tác động thế nào đến cục diện Biển Đông?
BTV: Trong năm 2016, một vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là việc Philippines - quốc gia từng đối đầu quyết liệt với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông - điều chỉnh chính sách đối ngoại. Vậy việc Philippines điều chỉnh theo hướng xích lại gần Trung Quốc liệu có làm giảm giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài hay không thưa ông?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Thật ra, chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Philippines Duterte về nguyên tắc không ảnh hưởng đến giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài.
Phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính khách quan, quốc tế và theo đúng luật pháp quốc tế. Cho nên, dù chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte như thế nào đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến giá trị của phán quyết.
Vấn đề là ở chỗ, chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào đến các bên trong việc tuân thủ phán quyết và hiện thực hóa phán quyết Biển Đông. Chứ còn giá trị phán quyết thì không thay đổi.
BTV: Vậy theo ông, sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Philippines có tạo ra hình thức hợp tác mới giữa các nước có tranh chấp tại Biển Đông hay không?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Vấn đề mà bạn nêu ra rất hay. Tranh chấp Biển Đông hiện nay đang ở trong trạng thái 5 nước, 6 bên. Về mặt khoa học, đây là một mạng lưới có 6 nút thắt. Khi một nút thắt chuyển động, chắc chắn sẽ rung chuyển các nút khác. Và như vậy, khi chính sách của Philippines có điều chỉnh theo hướng khác, chắc chắn rung chuyển đến các nước khác cũng phải điều chỉnh.
Trong các điều chỉnh như vậy, cũng không loại trừ sự điều chỉnh như bạn nói là sẽ có một sự hợp tác mới tốt hơn, thuận lợi hơn và có nhiều khả năng hiện thực hơn. Chúng ta không loại trừ điều này. Khi Philippines điều chỉnh thì buộc các nước khác phải điều chỉnh theo.
BTV: Vậy ông có dự đoán như thế nào về tình hình Biển Đông năm 2017 - năm mà Trung Quốc sẽ tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIX, là năm mà Mỹ sẽ có Tổng thống mới?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Tôi bổ sung thêm: năm 2017, Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIX, ngày 20/1/2017, Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức và thực thi nhiệm vụ của mình. Năm 2017 cũng là năm Philippines làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Tôi cho rằng năm 2017, Trung Quốc sẽ tập trung mọi vấn đề cơ bản để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIX. Năm 2017 là năm đầu tiên ông Donald Trump làm nhiệm vụ Tổng thống và có lẽ ông Trump cũng đang thăm dò là chủ yếu. Và với tư cách dẫn dắt ASEAN của Tổng thống Duterte cũng như vậy. Tôi nghĩ rằng, năm 2017 sẽ là một năm mang tính thăm dò và sẽ chưa có những biến động gì đặc biệt theo cả hai chiều thuận - nghịch.
Theo dự toán của tôi thì năm 2017, trên Biển Đông cũng sẽ không có những diễn biến đột xuất xấu hơn. Ngược lại, cũng chưa có những diễn biến tốt hơn năm 2016. Có thể nói, đây là năm thăm dò, chuẩn bị cho các năm 2018, 2019 có những thay đổi khác. Có thể dự báo như vậy.
Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV