Quá trình phát triển của mỗi quốc gia hay một vùng lãnh thổ đều phải trải qua những giai đoạn phát triển mang tính lịch sử, bao gồm cả những bước tiến vĩ đại đương thời nhưng có thể bị nhìn nhận là tiêu cực trong xã hội đương đại.

Vấn đề là tầm nhìn để nhận diện đánh giá tiêu cực và phương thức nhân bản cần phải có trong xử lý những tàn tích quá khứ không mấy tốt đẹp, biến chúng thành những cơ hội kinh doanh sinh thái bền vững phục vụ cho hôm nay và cho tương lai.

Việc khai thác những tàn tích công nghiệp đã bỏ hoang trên hòn đảo Hashima (thành phố Nagasaki, Nhật bản) để phát triển du lịch cho thấy sự thông minh và quyết tâm của một đất nước hùng mạnh đang nỗ lực phát triển công nghệ thân thiện môi trường và hình thành một cường quốc du lịch.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết 2 kỳ của tác giả  Doãn Phương, mời độc giả cùng đọc và suy ngẫm.

Hòn đảo bị bỏ hoang

Đảo Hashima, thường được gọi là Gunkanjima - Đảo Chiến hạm, là một hòn đảo bị bỏ hoang nằm cách cảng Nagasaki 17 km. Hòn đảo này là biểu tượng của giai đoạn cách mạng công nghiệp thời Minh trị của Nhật bản và cũng là một địa điểm dùng lao động cưỡng bức từ trước và trong chiến tranh thế giới II.

Hòn đảo diện tích khoảng 6,3 ha trở nên nổi tiếng nhờ những mỏ than dưới đáy khu vực biển lân cận. Đây là cụm công nghiệp than trên biển hàng đầu thế giới, do Mitsubishi tổ chức, cho xuất xưởng loại than hảo hạng từ năm 1890, và Hashima đã là động lực cho công nghiệp hóa của Nhật bản thời kỳ Minh trị.

{keywords}
Đảo Hashima cuối thế kỉ 19. Ảnh do tác giả cung cấp

Công ty đầu tư xây dựng các tòa nhà chung cư cho người lao động. Những khối nhà cao tầng bằng bê tông được dựng lên. Theo đó là các khu dịch vụ như trường học, bể bơi, chùa, nhà hàng, chợ, và có cả một nghĩa trang.

Dân cư trên đảo đã đạt đỉnh cao là 5.259 người vào năm 1959, và sản lượng than đạt đỉnh trong thập niên ‘60. Thật khó có thể hình dung được hòn đảo nhỏ bé này khi đó lại là nơi cư trú của một cộng đồng thịnh vượng với mật độ dân cư cao nhất thế giới!

Năm 1974, mỏ đóng cửa, cư dân nhanh chóng rời đảo để được Mitsubishi thu xếp làm việc ở nơi khác. Họ để lại hòn đảo thực sự bị quên lãng trong suốt ba thập kỷ tiếp sau.

Trong bộ phim ngắn “Hashima, Nhật bản 2002” của nhà làm phim Thụy điển Thomas Nordanstadquay về sự trở lại đảo của ông Dotokou Sakamato, người đã cùng gia đình chuyển đến sống ở Hashima từ khi lên 4, ông nói: “Họ bỏ lại cốc cà phê trên bàn, bỏ cả xe đạp đang dựa vào tường. Và tôi nghĩ hầu như không có ai quay lại đây trước chúng tôi. Thực tế là chẳng ai đụng đến đây cả.”

Trong một cảnh phim, ông Sakamato thấy tên của các giáo viên vẫn còn ghi trên bảng. Đến năm 1974, hơn 16 triệu tấn than đã được những “Người giếng” khai thác tại các mỏ than dưới đáy biển của Hashima. Họ đã đạt đến độ sâu quá 1.000m dưới mực nước biển. Sau khi qua một hành trình vất vả xuống những trục mỏ khá dốc, người thợ mỏ họ phải làm việc trong điều kiện khủng khiếp, với nhiệt độ trên 30oC và độ ẩm 95%, và các vụ nổ khí than nguy hiểm luôn rình rập. Trong mỏ, lời chào phổ biến nhất là "Goanzen ni" (nghĩa đen, "an toàn"). Bằng cách này, các thợ mỏ chúc nhau "cẩn thận nhé, đừng để tai nạn”.

Hashima – biên niên sử về Năng lượng

Trước và trong Thế chiến II, lịch sử của đảo Hashima gắn liền với những thay đổi trong chính sách năng lượng của Nhật Bản từ thời Minh Trị đến thời hiện đại. Từ nhiều thế kỷ trước, cư dân đảo Takashima (hòn đảo lớn gần Hashima) đã bới được than từ những vỉa lộ thiên và dùng làm nhiên liệu đun nấu. Họ gọi nó là “goheita”, tên người đàn ông, mà theo truyền thuyết địa phương, đã tìm ra tính chất dễ cháy của than đá do vô tình đốt lửa trên một tảng đá đen.

Đến thế kỷ 18 – 19, mạng lưới giao thông cải thiện cho phép người dân Takashima bắt đầu bán than ra bên ngoài, chủ yếu để làm muối ở vùng ven Biển Nội Seto. Làm muối là ngành công nghiệp quan trọng vào thời đó, theo cách truyền thống dùng gỗ thông giầu nhựa làm nhiên liệu đun sôi nước biển, nhưng rừng thông đã dần cạn kiệt. Than được coi là sự thay thế lý tưởng cho gỗ thông. Đảo Takashima khi đó thuộc lãnh địa của gia đình Fukahori. Họ đã phát triển nguồn lợi nhuận từ than thành một trụ cột của nền kinh tế địa phương.

Để phát triển mỏ, Lãnh chúa Nabeshima đã nhờ cậy sự giúp đỡ của ông Thomas B. Glover, một thương gia từ Scotland. Ông Glover đã nhập khẩu các thiết bị mỏ hiện đại từ Anh và thuê kỹ sư mỏ Anh khoan một giếng đứng trên đảo. Đến tháng 4/1869, giếng khoan đã chạm vỉa than tại độ sâu khoảng 45 mét dưới lòng đất, và mỏ than hiện đại đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu sản xuất.

Năm 1887, gia đình Fukahori đã lắp đặt một giếng mỏ trên đảo Hashima, rồi ba năm sau họ đã bán lại hòn đảo cho công ty Mitsubishi với giá 100.000 yên.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là giai đoạn công nghiệp và quân sự của Nhật bản phát triển mạnh và được cổ vũ bởi thắng lợi của Nhật trong cuộc chiến Trung-Nhật (1894-1895) và Nga-Nhật (1904-1905). Tại Hashima, Mitsubishi thực hiện dự án khai thác nguồn than đáy biển, đào thành công một giếng thẳng đứng sâu 199 mét và đào thêm một giếng khác năm 1898. Họ dùng đá thải từ mỏ để san lấp mở rộng đảo, tạo mặt bằng cho các cơ sở công nghiệp và khu ký túc xá. Đợt mở rộng cuối cùng hoàn thành năm 1907 cùng với tuyến cáp điện ngầm qua biển và bức tường biển cao – công trình tạo cho hòn đảo diện mạo của một chiến hạm cưỡi sóng.

Vào xây năm 1916 dân cư trên đảo đã tăng lên hơn 3.000 người. Tòa nhà bê tông có kích thước đáng kể đầu tiên của Nhật Bản với khối nhà hình vuông sáu tầng gác, xây quanh một sân chơi nhỏ, nằm bên rìa nam đảo. Nơi đây cung cấp chỗ ở chật chội nhưng riêng tư cho các gia đình thợ mỏ. Mỗi căn hộ là một phòng đơn giản, khoảng gần 10m2 có cửa sổ, cửa đi, và một tiền sảnh nhỏ. Cho dù nhà tắm, bếp núc, nhà vệ sinh được dùng chung, đây vẫn là một bước tiến lớn so với điều kiện sinh hoạt thời đó.

Rồi cứ thế, các khối nhà chung cư nhiều tầng liên tiếp mọc lên cho đến khi hòn đảo nhỏ gần như được lấp đầy bởi hơn 30 tòa nhà bê tông. Thậm chí trong 11 năm trước và trong Thế chiến II, không có tòa nhà bê tông nào mọc lên trên đất Nhật, thì các chung cư ở đảo Hashima vẫn được tiếp tục xây dựng như một nỗ lực quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu than đá to lớn cho thời chiến.

Nhờ nỗ lực đầu tư, sản lượng than của Hashima đạt đến 410.000 tấn năm 1941. Tuy vậy, những thành tựu này cũng phải trả giá. Nhiều người nước ngoài đã phải làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ Nhật Bản để bù đắp thiếu hụt lao động do thanh niên Nhật tham gia chiến tranh, và nhiều người lao động đã bị chết do điều kiện lao động khắc nghiệt và do thiếu ăn. Hashima cũng không là ngoại lệ.

Đến khi quả bom nguyên tử làm rung chuyển cửa sổ các căn hộ trên đảo Hashima và Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh tháng 8/1945, đã có khoảng 1.300 người lao động bị chết trên đảo, một số do các tai nạn hầm mỏ, một số khác do các căn bệnh liên quan đến kiệt sức và suy dinh dưỡng. Cũng có người chết do nhảy qua tường đê biển, gắng bơi vào đất liền trong vô vọng. Xác người chết được hỏa táng trên đảo nhỏ Nakanoshima cạnh Hashima.

Còn tiếp

Doãn Phương