Cả thế giới từ lâu đã lo ngại về cung cách thương mại và đầu tư không công bằng của Trung Quốc và đang theo dõi xem Tổng thống đắc cử của Mỹ, Donald Trump, sẽ ứng phó với chuyện này như thế nào...

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần thể hiện quan điểm “không khoan nhượng” với cung cách làm ăn của Trung Quốc. Nhưng, theo giới phân tích, ông Trump có rất ít cơ sở, cả về pháp lý lẫn kinh tế, để thực hiện các lời hứa, dù ông không đơn độc khi cảnh báo những thiệt thòi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trung Quốc gây sức ép ngày càng lớn

{keywords}

Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng kinh tế Mỹ đi xuống vì Trung Quốc, nhưng nếu ông kích hoạt chiến tranh thương mại thì tình hình có thể tồi tệ hơn. Ảnh: Internet

Thái độ gay gắt của ông Trump một phần là vì Trung Quốc không còn thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng, một phần vì Bắc Kinh bắt đầu triển khai ồ ạt chiến lược thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, gây lo ngại sâu sắc cho giới doanh nghiệp và chính trị gia nước này.

Doanh nghiệp Mỹ ngày càng khó làm ăn ở Trung Quốc. Hồi đầu tháng 11, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc - thường rất kiềm chế trong việc phê phán chính quyền Bắc Kinh - đã than phiền về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và bá quyền kinh tế, về tình trạng cánh cửa cho đầu tư nước ngoài đang đóng lại, về những quy định chống lại các công ty nước ngoài và luật lệ an ninh quốc gia mới gây ra sự “hoang tưởng và nghi ngờ”. “Chính phủ Mỹ cần nêu yêu cầu với Trung Quốc sao cho họ phải giải quyết gấp những vấn đề này”, Phòng Thương mại Mỹ kiến nghị trong báo cáo hồi đầu tháng này, theo The Washington Post.

Nhưng không chỉ có vấn đề đối xử với công ty nước ngoài hoặc hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc là nguyên nhân gây căng thẳng. Các công ty Trung Quốc, với sự tài trợ của nhà nước, đang triển khai hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài trong những lĩnh vực kinh tế mà Bắc Kinh xác định là “then chốt” trong chiến lược hiện đại hóa công nghiệp có tên là “Made in China 2025”, gây nên nhiều nỗi lo ngại trên chính trường Mỹ.

Đang diễn ra tình huống trái chiều là trong khi vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc ngày càng giảm thì đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ ngày càng tăng và theo một báo cáo mới đây của Rhodium Group - công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế - từ năm 2015 đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt quá đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.

Bài toán khó của ông Trump

Ông Trump từng tuyên bố, ngay trong ngày đầu tiên làm tổng thống ông sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ để có biện pháp trừng phạt. Ông cho rằng đồng nhân dân tệ hiện bị định giá thấp khoảng 20-45% so với giá trị thực để hàng hóa Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Và vì thế, nếu Trung Quốc không sửa đổi lề lối ứng xử, ông sẽ cho áp thuế 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy không ai nghi ngờ việc chính phủ Trung Quốc can thiệp thị trường ngoại hối suốt 40 năm nay, nhưng gần đây sự can thiệp đó là để giữ cho giá trị của đồng nhân dân tệ không bị giảm đi. Báo cáo gần đây của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, năm 2015 Trung Quốc đã bán ra hơn 570 tỉ đô la Mỹ để giữ giá đồng nhân dân tệ dù điều đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu.

Bắc Kinh giữ giá đồng tiền không phải vì lợi ích của các nước khác mà nhằm đạt mục tiêu đưa đồng nhân dân tệ vào rổ các đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ngăn chặn dòng tiền đổ ra nước ngoài trong các năm 2015-2016. Như vậy, dù Trung Quốc “thao túng tiền tệ” nhưng sự thao túng đó đang làm lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ chứ không phải ngược lại và ông Trump không nên “trừng phạt” Bắc Kinh về điều đó.

Lời đe dọa áp đặt thuế suất 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại càng khó thực hiện hơn, trước hết vì nó có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, dẫn tới thiệt hại cho nhiều ngành công nghiệp Mỹ. Báo chí Bắc Kinh từng cảnh báo về việc Trung Quốc sẽ hủy bỏ hợp đồng mua máy bay Boeing, cấm điện thoại iPhone, ngừng nhập khẩu bắp và đậu nành nếu ông Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Tất nhiên lời đe dọa trả đũa của Trung Quốc không đủ sức làm chùn tay một người như ông Donald Trump.

Nhưng vấn đề sâu xa hơn nằm ở chỗ, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ như hàng điện tử, dệt may... phần lớn là những thứ mà Mỹ không sản xuất nữa hoặc là hàng hóa do doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc; việc áp thuế cao thật ra chẳng có tác dụng bảo hộ thị trường mà còn có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ.

Tuy không tuyên bố ồn ào nhưng chính phủ của Tổng thống Barack Obama, từ tháng 5-2016, đã áp thuế suất 451% lên mặt hàng thép chống ăn mòn và 522% lên mặt hàng thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng vỏ ruột xe, hóa chất... của Trung Quốc cũng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà không gây phản ứng trả đũa từ Bắc Kinh bởi vì Mỹ không hành động đơn phương mà có sự phối hợp chính sách với các đối tác khác như Liên hiệp châu Âu, Úc, Canada và lựa chọn cẩn thận các mặt hàng “có vấn đề” để ra tay mà không làm ảnh hưởng tới kinh tế thế giới.

Về đầu tư, tháng trước, Ủy ban Xem xét an ninh và kinh tế Mỹ đã đề nghị sửa đổi luật pháp để ngăn chặn các tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp Mỹ. “Chúng ta không muốn Chính phủ Mỹ làm chủ những mảng lớn của nền kinh tế Mỹ thì tại sao chúng ta cho phép đảng Cộng sản Trung Quốc sở hữu những doanh nghiệp lớn của kinh tế Mỹ?”, Thượng nghị sĩ Dennis Shea, đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban, nêu câu hỏi.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, biện pháp ngăn chặn dòng vốn đầu tư của các công ty nhà nước Trung Quốc cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh ông Trump cần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ, nhất là ở những cộng đồng bị thua thiệt trong công cuộc toàn cầu hóa những năm vừa qua. Công ty Rhodium Group ước tính hiện có gần 100.000 người Mỹ làm việc trong những doanh nghiệp có vốn Trung Quốc và nhiều địa phương, công ty, dự án cơ sở hạ tầng... rất cần vốn đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc là một trong những nguồn cung cấp.

Thay vì áp đặt một rào cản lên dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các chuyên gia khuyến nghị, chính phủ của ông Trump cần quan tâm nhiều hơn tới việc xác định ai là kẻ đứng đằng sau các vụ thâu tóm doanh nghiệp, hoặc nguồn vốn thâu tóm đó đến từ đâu để có biện pháp cho từng trường hợp.

Có một dòng ý kiến cho rằng, trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump là một doanh nhân thành đạt, giàu kinh nghiệm đàm phán thương mại cho nên những tuyên bố gây sốc của ông về Trung Quốc có thể chỉ là những “đòn gió” nhằm giành lợi thế cho những cuộc thương thảo sau này. 

Tuy nhiên, việc “ra đòn gió” như thế hàm chứa nhiều rủi ro. Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn tỏ ra cứng rắn trước áp lực công khai từ bên ngoài, còn ông Trump luôn muốn chứng tỏ cho cử tri Mỹ rằng ông sẽ cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama; cho nên quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung thời gian tới có thể sẽ trải qua những đợt thăng trầm đầy kịch tính và có thể ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia khác.

Theo Huỳnh Hoa/TBKTSG