“Giai đoạn bây giờ là phải tiến lên xa hơn trước, phải có khát vọng cao hơn, tiến đến có nhiều nhà khoa học tầm cỡ quốc tế chứ không chỉ có nhiều công bố quốc tế nhàng nhàng, bởi nếu không có lực lượng khoa học tinh nhuệ làm nòng cốt thì trong thế giới biến chuyển cực nhanh này, chúng ta sẽ mau chóng bị bỏ lại sau”.

Theo tôi, cơ chế quản lý các viện nghiên cứu cơ bản như hiện nay cũng đã tương đối ổn, ít nhất đối với các viện về khoa học tự nhiên. Tuy nhiên nhiều việc còn phụ thuộc vào cấp trên trực tiếp (như Viện Hàn lâm hay bộ chủ quản) mà ở cấp này vẫn còn một số mắc mứu chưa được giải quyết thỏa đáng. Và một trong những số đó có lẽ là mức độ hội nhập quốc tế ở khoa học cơ bản của ta nói chung còn yếu và thiếu cơ chế khuyến khích ứng dụng các thành tựu nghiên cứu cơ bản.

{keywords}

Trong giai đoạn chiến tranh, một số nhà toán học Pháp hàng đầu cùng với một số giáo sư Việt kiều Pháp không quản gian lao nguy hiểm mang đến cho chúng ta tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu, và nhiều sách báo, tài liệu khoa học – những thứ chúng ta không mua được vì không có ngoại tệ. Trong ảnh: Nhà toán học Grothendieck mở lớp giảng suốt một tháng ngay bên miệng hầm tránh máy bay. Nguồn: uni-stuttgart.de .

Thu hút chất xám

Nhớ lại những năm 1970, chúng ta cũng đã từng có một chương trình phát triển toán học trong 20 năm, na ná như “Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước phát triển Toán học” trong đó điểm nhấn quan trọng là thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) tuy không hoành tráng bằng. Chương trình này với điểm nhấn là xây dựng Viện Toán, nhưng không được dành riêng một khoản kinh phí lớn nào.

Thời ấy, đất nước bị cô lập với khối tư bản nên khởi đầu ta chỉ có thể gửi được người đi đào tạo hoặc nâng cao trình độ ở Liên Xô, Ba Lan, Hungary và CHDC Đức. Dần dần, nhờ quan hệ với Pháp, Nhật được tái lập, việc hợp tác với hai nước này có dễ dàng hơn, qua đó họ đã giúp ta rất có hiệu quả trong việc đào tạo cán bộ nghiên cứu trình độ cao.

Trong giai đoạn đất nước đang chiến tranh, phải trải qua vô vàn khó khăn, trở ngại, nhưng một số nhà toán học Pháp hàng đầu: Laurent Schwartz, Grothendieck, Dacunha-Castelle, Malgrange, Krickeberg,… -những trí thức vốn có cảm tình đặc biệt với ta từ lâu - cùng với một số giáo sư Việt kiều Pháp có lòng với đất nước như Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Xuân Lai (Charles Castaing), Frédéric Phạm, Lê Dũng Tráng; rồi về sau, cả N. Koblitz, trong Ủy ban Mỹ hợp tác khoa học kỹ thuật với Việt Nam – tất cả họ không quản gian lao và cả nguy hiểm nữa mang đến cho chúng ta, cùng với tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu, nhiều sách báo, tài liệu khoa học – những thứ chúng ta không mua được vì không có ngoại tệ.

Grothendieck mở lớp giảng suốt ba tuần lễ, hằng ngày, trừ chủ nhật, lên lớp buổi sáng, tiếp người học buổi chiều, ngay bên miệng hầm tránh máy bay. Sau đó đến lượt hai ông bà Schwartz cũng sang Hà Nội giảng dạy suốt một tháng, các anh Phạm – Tráng - Chenciner mở seminar liền mấy tuần lễ. Đồng thời họ cũng cố gắng tìm cơ hội đưa một số cán bộ ta ra đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt anh Frédéric Phạm còn biệt phái sang công tác hẳn ở Viện Toán trọn cả năm 1980- 1981 (đem theo cả vợ con), xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh theo chuẩn mực quốc tế.

Sự giúp đỡ tận tình đó đã tạo một cú hích thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của toán học trong một thời gian ngắn, đặc biệt trong một số ngành lý thuyết hiện đại sở trường của Pháp và từ đó lan tỏa ảnh hưởng sang các lĩnh vực khác. Tiếp theo đó, từ giữa những năm 1980, Viện Toán tranh thủ được một số khá lớn suất học bổng nghiên cứu Humboldt có tính cạnh tranh quốc tế cao của CHLB Đức (17 suất trong vòng mấy năm), đồng thời hợp tác có hiệu quả với Nhật và Viện Hàn lâm Thế giới Thứ ba ở Ý. Từ đó, từng bước, Viện Toán tiến lên thành một cơ sở nghiên cứu nghiêm túc, vững vàng, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu và nhà khoa học thành danh trên quốc tế.

Tất nhiên, thời đó ở cấp quốc gia có những nhà lãnh đạo khoa học như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, vừa có tấm lòng vừa có đầu óc chiến lược, tầm nhìn xa. Hơn nữa, tình hình ngày nay đã khác nhiều, trong nước cũng như trên thế giới. Nhưng chắc không phải không có vài kinh nghiệm thời ấy còn giá trị. Chẳng hạn, việc thu hút các nhà khoa học lớn trên thế giới và chất xám Việt kiều như thế nào cho có hiệu quả thiết thực.

Về vấn đề này vừa qua chúng ta đã làm được một số việc tốt. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ lẽ ra có thể làm tốt hơn. Đành rằng bây giờ sẽ không thực tế đòi hỏi những Việt kiều có danh tiếng về nước cả năm trời như Frédéric Phạm, hay gắn bó thường xuyên với đất nước như Lê Dũng Tráng, nhưng có lẽ VIASM cũng không nên, như tôi đã có lần góp ý kiến, mất công mời người nước ngoài về chỉ để hướng dẫn anh em khoa học trong nước… cách viết bài công bố quốc tế như thế nào.

Đào tạo các nhà khoa học trẻ thành danh

Một vấn đề lớn của đội ngũ nghiên cứu khoa học cơ bản (và toán học nói riêng) của ta là tuổi tác của những nhà khoa học đã thành danh trên quốc tế. Nói chung so với nhiều nước, đội ngũ này của ta tuổi trung bình tương đối cao mà ngày càng tăng, trong khi lực lượng trẻ tiếp sức ở trong nước hình như còn khá mỏng, tuy tiềm năng có lẽ không thiếu.

Trong điều kiện của một nước như ta, một nhà khoa học trẻ muốn thành danh trên quốc tế không thể chỉ quanh quẩn ở trong nước. Chúng ta đã có không ít nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài (Nga, rồi Pháp, Mỹ, Đức) nhưng đến khi thành tài thì số đông họ không trở về, chủ yếu vì đã quen sống và làm việc có hiệu quả trong môi trường khoa học ở nước ngoài, về nước ngại tài năng khó phát triển.

Không thể trách cứ những anh em đó, nhưng lẽ ra chúng ta nên chú ý nhiều hơn đào tạo cả những nhà khoa học trẻ phát triển và thành danh quốc tế ngay từ quá trình làm việc trong nước – một điều không dễ nhưng không đến nỗi không làm được.

Trong nước thường có thể đào tạo giai đoạn đầu cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhưng để họ trưởng thành nhanh và có vị trí trên quốc tế thì chỉ môi trường ở trong nước là không đủ. Trường hợp chỉ nghiên cứu cô độc trong nước mà nổi tiếng thế giới như Ramanujan của Ấn Độ là ngoại lệ vô cùng hiếm hoi. Cho nên cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ trong nước được tiếp xúc, giao lưu rộng rãi với đồng nghiệp nước ngoài, được tắm mình trong môi trường quốc tế, hòa mình thật sự vào đó mà hoạt động và trưởng thành, chỉ có thế tài năng của họ mới có thể phát triển hết cỡ.

Thời gian qua, chúng ta đã chú ý khuyến khích công bố quốc tế, và từ khi có NAFOSTED, số lượng và chất lượng công bố quốc tế đã tăng đáng kể. Đó là một thành tích đáng ghi nhận. Nhưng vị trí quốc tế của một nền khoa học không chỉ ở số lượng công bố quốc tế mà chủ yếu ở số lượng và tầm cỡ những nhà khoa học thành danh quốc tế.

Giai đoạn bây giờ là phải tiến lên xa hơn trước, phải có khát vọng cao hơn, tiến đến có nhiều nhà khoa học tầm cỡ quốc tế chứ không chỉ có nhiều công bố quốc tế nhàng nhàng, bởi nếu không có lực lượng khoa học tinh nhuệ làm nòng cốt thì trong thế giới biến chuyển cực nhanh này, chúng ta sẽ mau chóng bị bỏ lại sau.

Mời đọc tiếp kỳ 2: Máy bay, tàu ngầm mày mò tự chế mà vẫn khó tiến xa

GS Hoàng Tụy/ theo Tia Sáng

*Do độ dài của bài viết, Tuần Việt Nam chia kỳ và đặt tiêu đề cho từng kỳ để độc giả tiện theo dõi