“Tôi nghe có doanh nghiệp làm thép hứa nếu để ô nhiễm họ sẽ “giao nộp” nhà máy cho cơ quan nhà nước. Tôi không hiểu thu nhà máy ấy về để làm gì và làm sao! Lời hứa này giống như những người làm thương mại đi bán nhà máy điện hạt nhân hứa sẽ bảo đảm an toàn cho nhà máy. Những lời hứa này chưa có gì bảo đảm cả.”, TS. Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ.

LTS- Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng có tựa đề TRÁNH THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG LÀ VẤN ĐỀ LỚN NHẤT CỦA THẾ KỶ 21 như một tư liệu tham khảo. Mời quí vị đón đọc và thảo luận thêm.

Môi trường đang và sẽ liên quan trực tiếp ngày càng lớn đối với sự tồn vong và phát triển của các dân tộc. Tránh thảm họa môi trường là vấn đề lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21 này.

Lâu nay, với ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn thái quá, đã không ít người cho rằng môi trường là cái bên cạnh con người, bao quanh con người, còn con người mới là trung tâm của vũ trụ, là chủ nhân, là thống lĩnh. Môi trường là cái để cho con người khai thác, tận dụng, phục vụ cho con người, thuộc về con người.

Đến nay, con người đã nhận thức không phải vậy. Cần bổ sung và điều chỉnh một cách căn bản nhận thức về vấn đề này.

Môi trường là điều kiện không thể thay thế của sự sống. Đó là không gian sinh tồn, nơi để con người (và muôn loài) sinh sống. Làm hỏng nó thì sự sống sẽ kết thúc. Từ môi trường ấy có nguồn năng lượng khổng lồ và sẽ là vô tận nếu như biết gìn giữ. Môi trường tự nhiên là người mẹ thiêng liêng của con người, từ trong đó con người được sinh ra, tồn tại, sống, trải nghiệm và phát triển.

{keywords}
“Tôi nghe có doanh nghiệp làm thép hứa nếu để ô nhiễm họ sẽ “giao nộp” nhà máy cho cơ quan nhà nước. Tôi không hiểu thu nhà máy ấy về để làm gì và làm sao! Lời hứa này giống như những người làm thương mại đi bán nhà máy điện hạt nhân hứa sẽ bảo đảm an toàn cho nhà máy. Những lời hứa này chưa có gì bảo đảm cả.”

Trước kia đã có những nhà văn hóa từng bị sai lầm khi cho rằng: đứa con (tức con người) phải tách hẳn ra khỏi mẹ, thoát ra khỏi tự nhiên để thành người. Nhưng dần dần người ta phải điều chỉnh rằng: đứa con ấy nhất thiết phải gắn bó, trung thành với mẹ, kính trọng mẹ, yêu thương mẹ, để từ đó mà thành người nhân bản. Không kính trọng mẹ, phản bội mẹ tự nhiên, con người sẽ trở về với hoang dã, chơi vơi, bệnh tật, tai họa, không thể tồn tại.

Người Ấn Độ, với minh triết Phương Đông, từ nhiều nghìn năm trước đã cho rằng con người chỉ là một thành tố bình đẳng trong vũ trụ, phải biết tương thân, tương ái, tương kính với các thành tố khác trong thế giới tự nhiên. Có như vậy con người mới có hạnh phúc và không tội lỗi.

Trong lịch sử của nhiều quốc gia đã từng có một số vùng đất trước kia đã một thời phát triển rực rỡ, rồi bỗng nhiên “biến mất”, không thấy ai nhắc đến nữa, không thấy “tăm hơi” đâu nữa, sau đó mấy trăm năm, mấy ngàn năm, khi khai quật khảo cổ học người ta đã phát hiện ra dấu vết của thời kỳ hưng thịnh ấy và thực hiện bảo tồn, trùng tu, tái hiện.

Hầu hết những trường hợp như thế là do vấn đề môi trường gây nên. Chỉ có một số ít là do chiến tranh.

Và ngày nay, môi trường sống của nhân loại đang có những nguy cơ rất khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử của trái đất. Vì vậy, môi trường cũng là câu chuyện còn tiếp tục hay kết thúc nền văn minh của loài người trên trái đất.

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đã có những nơi trên thế giới dân cư sống cạnh bờ biển, bỗng một ngày nhiều người bị bệnh rất hiểm nghèo, đưa đến bệnh viện không cứu chữa được. Họ chết. Lúc đầu không ai biết lý do vì sao. Sau đó kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, bệnh ấy là do vùng biển bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, chuyển qua thực phẩm bẩn sang người, dẫn đến hậu quả chết người như vừa nói.

Mấy thập kỷ qua, nhiều viện nghiên cứu và rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã liên tục khẩn thiết cảnh báo và kêu gọi toàn nhân loại phải bảo vệ tầng ô zôn khí quyển, để tránh một tai họa khủng khiếp đối với con người và muôn loài trên trái đất. Các nhà nghiên cứu về năng lượng sinh học thì cho rằng “Mẹ đất” đang kêu gào thống thiết phải giải cứu bởi sự tàn phá của con người.

Nhiều nước, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa đã không tránh khỏi việc ô nhiễm nghiêm trọng môi trường. Phải trả giá quá đắt để khắc phục hậu quả, kể cả những hậu quả rất khủng khiếp, nhất là sự ô nhiễm của hóa chất, kim loại nặng và chất phóng xạ hạt nhân. Thậm chí nhiều thế hệ phải gánh chịu các di chứng của tai họa ấy một cách lâu dài.

Vậy mà, những nước đi sau rất nhiều trường hợp cũng không tránh được, vẫn lặp lại theo vết xe đổ ấy, vì sự khó khăn hoặc cám dỗ của đồng tiền, cộng với lòng tham ích kỷ của con người.

Hiện nay, tại các nước phát triển, hàng năm có khoảng 7 triệu người chết do ô nhiễm môi trường.

Tình hình trên do những nguyên nhân rất đáng lưu ý: Nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý và của cộng đồng chưa thấy hết mức độ nguy hiểm và tính chất nghiêm trọng của vấn đề, tư duy thiển cận, thấy cái trước mắt, không thấy cái lâu dài, thấy một mặt mà không nhìn được tổng thể trong qui hoạch và chiến lược phát triển. Do tư tưởng cục bộ, lao theo lợi nhuận bằng mọi giá, tính lợi cho ngành và đơn vị mình, còn hậu quả thế nào là việc người khác gánh chịu; thấy lợi về đồng tiền trước mắt mà không thấy hại lâu dài cho con người và xã hội.

Do vô trách nhiệm, kém trình độ và năng lực quản trị quốc gia, quản trị địa phương, thẩm định và quản lý thực hiện dự án. Do những qui định không chặt chẽ, không đầy đủ và việc thực hiện không nghiêm các điều luật về bảo vệ môi trường.

Do tham nhũng, hối lộ, “lợi ích nhóm” và các tha hóa tiêu cực khác. Các lý do nêu trên bao gồm ba nhóm là nhận thức kém cỏi, đạo đức suy đồi và năng lực quản trị quốc gia yếu kém.

Nước ta, các năm qua dù đã có không ít văn bản của Đảng và Nhà nước chủ trương phải quản lý môi trường, không để bị xâm hại, các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình ô nhiễm hoặc làm tổn hại môi trường đến nay thật đáng lo ngại.

Thực tế đang gián những hồi chuông kêu cứu khẩn cấp. Mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn nhiều nơi đã đến mức báo động. Rừng ở Tây Nguyên và nhiều nơi khác trên cả nước đã bị triệt phá tan hoang, mạch nước ngầm đã hạ xuống rất sâu và sắp không còn nguồn nước cho sự sống. Nhiều dòng sông xanh đã nhiễm bẩn. Nhiều hồ nước, mương rãnh đã bốc mùi hôi thối. Thời gian gần đây, tình hình gây ô nhiễm môi trường biển do chất thải công nghiệp đã ở mức báo động.

Nguy hiểm quá! Các loại hóa chất độc hại và kim loại nặng đang và sẽ đổ ra biển. Nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu thì đến lúc con người cũng sẽ bị hủy hoại vì môi trường bị ô nhiễm.

Tôi nghe giải thích rằng, có doanh nghiệp làm thép hứa nếu để ô nhiễm môi trường thì họ sẽ “giao nộp” nhà máy cho cơ quan nhà nước, tức là bị “tịch thu” nhà máy? Tôi không hiểu thu nhà máy ấy về để Nhà nước làm gì và làm sao! Lời hứa này chưa có gì bảo đảm đâu. Giống như những người làm thương mại đi bán nhà máy điện hạt nhân có hứa sẽ bảo đảm an toàn cho nhà máy.

Xem tiếp bài  VÌ PHƯƠNG TIỆN MÀ HY SINH MỤC ĐÍCH LÀ NGUY HIỂM

TS. Vũ Ngọc Hoàng