Năm 2017 được dự báo sẽ có rất nhiều biến động khi các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc sẽ có các quyết định quan trọng, tác động trực tiếp đến an ninh, chính trị, kinh tế của nhiều quốc gia, trên phạm vi toàn cầu. Quan hệ đan xen giữa ba cường quốc theo hướng vừa hợp tác, vừa ngăn chặn, kiềm chế, cạnh tranh nhau càng làm cho các mối quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp.
"Tam hùng" cùng xoay chuyển
Mối quan hệ phức tạp trên tất cả các vấn đề giữa ba cường quốc tích cực hay tiêu cực sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách, chiến lược của nhiều nước, cả khu vực hay thậm chí trên phạm vi toàn thế giới.
Chuyên gia Andrei Volodin, Giám đốc Trung tâm Đông phương thuộc Học viện Ngoại giao Nga, nhận xét: Thế giới đơn cực vốn đã chấm dứt. Nhìn một cách tổng thể, quan hệ Nga - Mỹ - Trung là mối quan hệ tay ba phức tạp và mỗi bên đều hiểu và luôn phải cân nhắc lợi và hại trong mỗi “đường đi nước bước”.
Với nước Nga là tránh xung đột với Mỹ, đồng thời kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia. Còn quan hệ Nga - Trung Quốc, đó là quan hệ gần gũi, tin cậy lẫn nhau. Nhưng ở đây là quan hệ của các đối tác chứ không phải là những đồng minh thân thiết.
Còn người Mỹ nghĩ gì? Một bài viết trên tạp chí Mỹ hằâng tuần The Nation nhận định: Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh với nhau về sự ủng hộ của Nga đó là một thực tế sắp diễn ra. Nhìn những gì đang diễn ra trên toàn thế giới thì nước Nga đang tham gia vào hầu hết các tiến trình quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế của thế giới. Từ những điểm nóng ở Trung Đông, vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân, các hệ thống phòng thủ tên lửa, quan hệ với NATO, EU, cho tới giá dầu...
Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2014. Ảnh: AP. |
Với quan điểm cứng rắn với Trung Quốc khi Tổng thống đắc cử D.Trump liên tục đưa ra các phát biểu trong những ngày cuối năm 2016, đã dự báo, trong năm 2017, quan hệ Mỹ - Trung được dự báo sẽ có nhiều sóng gió không chỉ trong lĩnh vực chính trị, an ninh. Đáp lại, Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ phản ứng bằng biện pháp của riêng mình. Kết quả là sự cân bằng trong quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ thay đổi nhiều hơn theo hướng đối đầu.
Tuy nhiên, đây sẽ không trở thành loại đối đầu như Mỹ - Nga đã trải qua kể từ năm 2014, chuyên gia phân tích G.Trenin nhận xét. Nếu các kịch bản theo hướng như các học giả nhận định, năm 2017, tam giác Mỹ - Trung - Nga, sẽ có những thay đổi đáng kể.
Cùng tồn tại
Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, nhận định sau cuộc bầu cử Mỹ, cả thế giới đang chờ đợi Nga, Trung Quốc và Mỹ có một khởi đầu mới. Trung Quốc và Mỹ có liên hệ rất chặt chẽ về lợi ích thương mại - kinh tế. Trong khi đó Nga và Mỹ tuy khối lượng hợp tác thương mại - kinh tế không phải là đáng kể, nhưng thương mại Nga - Trung Quốc lại tăng vọt những năm gần đây.
Đánh giá tương quan trao đổi hàng hóa và thương mại trong tam giác Nga - Mỹ - Trung, các chuyên gia nhận định, về cơ bản, có hai cặp quan hệ kinh tế thương mại quan trọng là Trung Quốc với Mỹ và Nga với Trung Quốc.
Mặc dù vấn đề kinh tế giữa ba cường quốc chưa tác động tới nhau quá nhiều và “gay cấn”, nhưng vấn đề chính trị, an ninh, của tam giác này dường như lại trở thành vấn đề phức tạp hơn. Ví dụ như việc tái định hướng chương trình tên lửa của Mỹ sang Viễn Đông, việc NATO áp sát phía Đông; những hoạt động của Trung Quốc hay Nga... mỗi bên đều có lý do khiến cho bên còn lại “lo lắng”.
Song, giới phân tích chỉ ra rằng những căng thẳng hiện tại không thể đẩy quan hệ ba bên Nga - Mỹ - Trung tới xung đột theo kiểu Chiến tranh Lạnh, bởi đây là tam giác bất đối xứng.
Cánh cửa còn bỏ ngỏ
Các chuyên gia đã phân tích từng cặp quan hệ để chỉ ra những điểm chung có thể hợp tác và những điểm bất đồng đẩy căng thẳng lên cao. Trước hết là quan hệ Mỹ - Nga. Là hai siêu cường hạt nhân, Mỹ và Nga đều coi nhau là trọng tâm trong chính sách an ninh và đối ngoại của mình.
Tổng thống Mỹ B.Obama trong “chính sách ngoại giao thông minh” từng đã xác định Nga là một hướng ưu tiên và chủ trương “cài đặt lại quan hệ đối tác” theo hướng mềm mỏng, uyển chuyển hơn. Để hiện thực hóa ý tưởng này, hai nước đã nỗ lực xúc tiến và đi đến ký Hiệp ước “cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 2” (START-2) vào năm 2010. Đáp lại, Nga cũng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong trao đổi thông tin về các tổ chức khủng bố... Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi quá nhỏ.
Trên thực tế, giữa Mỹ và Nga vẫn tồn tại không ít bất đồng về quan điểm, phương pháp tiếp cận, giải quyết nhiều lĩnh vực quốc tế quan trọng, dẫn đến quan hệ hai nước “nóng”, “lạnh” thất thường. Điển hình như việc Nga kiên quyết phản đối Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự hòng lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria B.A.Assad. Nga vẫn coi kế hoạch của Mỹ mở rộng NATO sang phía Đông và lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở khu vực sát biên giới Nga là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của nước này...
Lý giải về nguyên nhân “nóng”, “lạnh” thất thường trong quan hệ Mỹ - Nga, Tạp chí Nước Nga cho rằng: “Đó là do sự ám ảnh của tính khác biệt bao gồm sự pha trộn cả về ý thức hệ, chế độ chính trị, sự cạnh tranh địa chiến lược và tiềm lực quân sự giữa hai cường quốc... Vì thế, cho dù bề ngoài hai bên đều thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác, nhưng hành động bên trong vẫn còn khoảng cách khá xa”.
Tạp chí nhận định: “Tuy gặp nhiều gập ghềnh, nhưng sẽ không vì thế mà chuyển sang trạng thái đối đầu như thời Chiến tranh Lạnh. Bởi lẽ, hai nước này còn quá nhiều lợi ích chung ràng buộc lẫn nhau; đặc biệt, trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, vấn đề hạt nhân của I-ran, hòa bình Trung Đông và các vấn đề về an ninh toàn cầu khác. Do vậy, trong thời gian tới, hai cường quốc này có thể sẽ thiết lập một kiểu quan hệ hoàn toàn mới dựa trên nền tảng “bình đẳng”.
Dấu hiệu mới nhất chính là việc Tổng thống đắc cử D.Trump luôn thể hiện rõ quan điểm quan hệ “thân thiện” với Nga, muốn xích lại gần Nga. Ông Trump cho thấy mình khác biệt rõ nét 3 đời Tổng thống Mỹ gần đây nhất là Bill Clinton, George Bush (con) và Barack Obama luôn chống lại nước Nga.
Tổng thống đắc cử D.Trump đã chấp nhận “gạt bỏ” tướng David Petraeus - một người được ca ngợi là có “hiểu biết về ngoại giao còn hơn cả những nhà ngoại giao kỳ cựu” để chọn CEO của Tập đoàn Exxon Mobil Rex Tillerson, người có mối quan hệ cực kỳ thân thiết với Nga làm Ngoại trưởng. Sự lựa chọn này của ông Trump được cho là “một mũi tên trúng 3 đích” khi vừa giúp Mỹ tăng cường hợp tác với Nga trên mặt trận kinh tế, vừa giúp Nga - Mỹ dễ dàng có được tiếng nói chung hơn trong các vấn đề quốc tế trong khi Mỹ vẫn có thể duy trì được ưu thế nhất định đối với Nga.
Như vậy, có thể thấy rõ rằng, ông Trump và nước Mỹ đang muốn cải thiện quan hệ với Nga qua đó giành lấy “chiếc chìa khóa” mở toang những cánh cửa “mới chỉ dần hé mở”.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những lời nói. Chưa có hành động cụ thể nào. Trong khi đó, sự “bất hợp tác” giữa Mỹ và Nga trong những vấn đề then chốt tại Trung Đông, Afghanistan, Syria, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hay thậm chí cả quan hệ song phương vẫn còn để ngỏ. Thực tế cho thấy mối quan hệ này đang thể hiện rõ tính hai mặt: vừa hợp tác, vừa ngăn chặn, kiềm chế, cạnh tranh nhau.
“Nóng” - “Lạnh” bất thường?
Những năm qua, lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới; xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Đến nay, hai nước đã xây dựng hơn 60 cơ chế tham vấn, bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực.
Song, cho dù có mối quan hệ thương mại cực lớn giữa hai nước, giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn khiến cho mối quan hệ này luôn ẩn chứa những bất đồng. Trái với sự “mềm mỏng” đối với Nga, ông Trump không ngại công khai sự đối đầu của mình đối với Trung Quốc.
Ngay trong quá trình vận động tranh cử, tỷ phú Mỹ đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc. Sau khi đắc cử, thái độ đối lập với Trung Quốc càng thể hiện rõ rệt khi không quên lựa chọn các tướng lĩnh có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, điển hình là tướng James Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.
Không những thế, ông Trump còn “tiến trước một bước” khi có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày 2-12-2016, cuộc điện đàm đầu tiên giữa một Tổng thống đắc cử của Mỹ với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.
Bình luận về điều này, các chuyên gia nhận định với chiến lược xích lại gần hơn với Nga và tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump đang muốn làm lệch đi “thế chân vạc” Nga - Mỹ - Trung hiện nay theo hướng có lợi cho Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ liệu chiến lược này có phát huy tác dụng hay không nhưng có thể thấy ông Trump đã có những tính toán rõ ràng của mình và những tính toán này đều khá phức tạp với nhiều phương án khác nhau.
Đánh giá tổng thể quan hệ Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, giữa hai nước này có nhiều lợi ích song trùng, nhưng cũng tiềm tàng nhiều hoài nghi, thiếu niềm tin chiến lược, dẫn đến bất đồng quan điểm, thậm chí “phủ nhận” nhau, làm cho quan hệ Mỹ - Trung trở thành mối quan hệ hết sức phức tạp trong quan hệ nước lớn hiện nay. Dự báo, năm 2017 sẽ là một năm đầy biến động trong quan hệ Mỹ - Trung. Điều này sẽ khiến tam giác quan hệ Nga-Mỹ-Trung sẽ liên tục xoay vần.
Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, trong tương lai, tính chất hai mặt vừa hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau vẫn sẽ là gam màu chủ đạo trong quan hệ Mỹ - Trung; mặt cạnh tranh, tuy có lúc gay gắt nhưng do hai nước phụ thuộc nhiều vào nhau về kinh tế nên nó là điều kiện ràng buộc khiến một trong hai nước không thể mạo hiểm “vượt rào”.
Mặt khác, việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lợi ích chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc nên buộc họ phải dựa vào nhau để giải quyết các vấn đề như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, chống biến đổi khí hậu...
"Đấu mà không vỡ"
Một cặp quan hệ cũng cực kỳ quan trọng, có tính chất phức tạp và vô cùng linh hoạt thời gian qua là cắp quan hệ Nga - Trung. Sau cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Nga - Trung, năm 2016, hai bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về năng lượng, kinh tế và an ninh.
Trong lĩnh vực quân sự, hai nước đã thiết lập các cơ chế đối thoại cấp cao, hợp tác biên phòng, hải quân, tổ chức các cuộc tập trận chung và mua bán vũ khí, trang bị quân sự. Trong lĩnh vực đối ngoại, hai nước có cùng quan điểm để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng như cuộc khủng hoảng ở Syria, hạt nhân của Triều Tiên, Iran...
Theo các chuyên gia quân sự thế giới, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tạo sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề, sự kiện quốc tế, nhất là việc kiềm chế chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Đồng thời, cùng nhau mở rộng ảnh hưởng, nâng cao vị thế ở khu vực chiến lược này.
Thực tế cho thấy, trong cục diện thế giới hiện nay, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ do những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (khủng bố, tội phạm mạng, thảm họa thiên tai,...) đang có chiều hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến an ninh, ổn định thế giới.
Quan hệ Mỹ - Trung; Nga - Trung; Nga - Mỹ - Trung tồn tại trong thế hợp tác trong cạnh tranh vô cùng phức tạp. Trong ba cạnh của tam giác quyền lực Nga - Mỹ - Trung, bên nào cũng muốn tranh thủ giành quyền chủ động để duy trì quan hệ chiến lược và vì lợi ích; bên nào cũng muốn ở vào thế "đấu mà không vỡ".
Các chuyên gia cho rằng, Nga - Mỹ - Trung với tư cách là những cường quốc nếu phát huy vai trò trung tâm của mình, sẽ đóng góp lớn cho xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Và ngược, với những “người khổng lồ”, thật khó để “đấu mà không vỡ”.
Theo Nguyễn Hòa/An ninh thế giới
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.