Cách hành xử của Trung Quốc trong 8 năm cầm quyền của ông Obama sẽ giống như với một lãnh đạo khác – John McCain hay Mitt Romney – nếu họ làm tổng thống. 

Chính sách xoay trục sang châu Á của Obama

Ngoại trưởng của ông Obama, bà Hillary Clinton, năm 2012 đã thông báo chính sách “xoay trục (hoặc tái cân bằng) sang châu Á” của ông, phản ánh sự chuyển dịch lợi ích của Mỹ từ các cam kết thất bại ở Trung Đông sang châu Á thịnh vượng.

Ông Obama thừa nhận tiềm năng của khu vực này, nơi diễn ra 40% hoạt động kinh tế toàn cầu. Chính sách xoay trục cam kết với các quốc gia châu Á về thương mại dựa trên luật lệ, đầu tư, phát triển và văn hóa, trong khi thúc đẩy hợp tác an ninh. Ông xây dựng hình ảnh mình như “Tổng thống Hòa bình đầu tiên”, sinh ra tại Hawaii và lớn lên ở Indonesia. 

{keywords}

Các mục đích không quá bí mật của chính sách này là kiềm chế một Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng, hội nhập họ vào cộng đồng thế giới, và hợp tác với họ để chế ngự tham vọng trỗi dậy trong họ. Trong khi nhiều nhà phân tích và chính trị gia tại các quốc gia châu Á, trừ Trung Quốc, hoan nghênh chính sách xoay trục này, thì cũng nhiều nước sớm thấy đây chỉ là lời nói suông hơn là hành động. 

Ông Obama mãi mãi mắc kẹt ở Trung Đông dù đã giảm sự hiện diện của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, và cam kết vào cuộc nội chiến tại Syria, và bị lôi kéo vào chính sách đối nội, thường là ưu tiên cao hơn đối ngoại (chăm sóc sức khỏe, nhập cư và biến đổi khí hậu). Bên lề các hội nghị thượng đỉnh khu vực, ông hoãn nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo quốc gia kỳ vọng ông sẽ tham vấn họ (2 lần với Australia). Một số nước đã bị lờ đi sau sự xích lại ban đầu. Indonesia đã rất hào hứng với Obama một thời gian, nhưng rồi lại xa cách. 

Obama cũng liên kết với các nước có thể không cần thiết lắm. Ví dụ ông và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, bắt đầu bằng một hội nghị tại Hawaii năm 2014, dường như đã đặt quan hệ Mỹ – Malaysia trên một nền tảng vững chắc. Nhưng theo Hiệp hội tư vấn chiến lược quốc tế McLarty, năm 2016, quan hệ này đã xuống cấp: Mỹ bắt đầu điều tra cáo buộc ông Razak biển thủ hàng trăm triệu USD từ Quỹ 1MDB dù các nước khác cũng làm vậy. Malaysia giờ đang được Trung Quốc vuốt ve. 

Có lẽ cú giáng lớn nhất đối với chính sách xoay trục là sự chệch đường của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận tự do thương mại giữa 12 quốc gia châu Á Thái Bình Dương đã tiến hành thảo luận từ thời chính quyền Bush năm 2005. 

Ông Obama đã vất vả thúc đẩy TPP trong 6 năm đầu nhiệm kỳ, để lại hầu hết các công việc cho Quốc hội và Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman. Đáng tiếc là, đạo luật cho phép Tổng thống đàm phán nhanh các thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ TPP được khởi động vì một Quốc hội do phe Cộng hòa chiếm đa số đã ủng hộ, trong khi đảng Dân chủ phản đối. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi chỉ nói với ông Obama là bà phản đối luật cho phép ông đàm phán nhanh ngay trước cuộc bỏ phiếu.

TPP đã “chìm xuồng” khi Thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders, và bà Hillary Clinton (hai đảng viên Dân chủ) và ông Donald Trump (Cộng hòa), vừa đắc cử tổng thống, kịch liệt phản đối văn kiện này. Ông Obama không còn ai ủng hộ cả ở đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Thú vị là bà Clinton từng là một người ủng hộ nhiệt thành TPP (gọi đây là “tiêu chuẩn vàng” của các thỏa thuận) trước khi bà quay ra phản đối nó nhằm thu hút sự ủng hộ của giới nghiệp đoàn lao động và những người ủng hộ ông Sanders trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của mình.

Chính sách Trung Quốc của Obama

Ông Obama đã thăm Trung Quốc tháng 11/2009, thiết lập “tông giọng” cho quan hệ tương lai với Trung Quốc. 

Tờ New York Times đưa tin Trung Quốc đã cứng rắn trong tất cả các vấn đề được thảo luận và đã hạn chế sự tiếp cận của ông Obama với người Trung Quốc, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến. Lãnh đạo Trung Quốc thậm chí từ chối tham gia họp báo chung với ông Obama. Cách hành xử của Trung Quốc trong 8 năm cầm quyền của ông Obama sẽ giống như với một lãnh đạo khác – John McCain hay Mitt Romney – nếu họ làm tổng thống. 

Nhưng dường như việc ông Obama rút khỏi Trung Đông, các hành động thất bại của ông ở Syria, sự thất bại của ông trong việc thực thi chính sách xoay trục và TPP, và việc giảm dần sức mạnh quân sự, đã tạo đà Trung Quốc hành động cứng rắn hơn và nhanh chóng đạt tới các mục đích của mình. Người Trung Quốc dường như cảm thấy điểm yếu này có thể khai thác.

Còn tiếp

GS TS. Terry F. Buss, Học viện Hành chính quốc gia Mỹ