Fidel Castro luôn quan tâm đến cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Ông luôn tìm hiểu, nghiên cứu, sau này có lúc ông đã trực tiếp sang thăm Việt Nam, đến đất lửa Quảng Bình-Vĩnh Linh tìm hiểu, động viên quân và dân ta. Ông đã chia sẻ những vũ khí tốt nhất mà Cu Ba đang có với Việt Nam, mặc dù Cu Ba đang phải ngày đêm đối phó với kẻ thù lớn mạnh sát bên mình.
LTS: Với người Việt Nam, câu nói nổi tiếng của Fidel Castro: “Vì Việt Nam, nhân dân Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” trong cuộc mít tinh tại quảng trường Jose Marti đã thành lời thề của 2 dân tộc ở 2 bán cầu. Và, lời thề sắt son này đã biến thành hành động thắm thiết nghĩa tình. Cu Ba đã vì Việt Nam, giúp Việt Nam ở giai đoạn khó khăn nhất của cuộc thống nhất đất nước.
Một trong những sự giúp đỡ quý báu đó là súng máy phòng không 23 ly nhằm chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ. Đặc biệt, ở chiến trường miền Nam, súng máy phòng không 23 ly đã góp phần rất đáng kể cùng các đơn vị bộ binh đập tan nhiều cuộc hành quân càn quét góp phần đánh bại nhiều chiến dịch lớn của quân địch…
Tuần Việt Nam ghi lại lời kể của Đại tá Khuất Biên Hòa, nguyên cán bộ Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), trợ lý của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Cuộc đấu tranh cách mạng của chúng ta tại thời điểm sau 1954 và trước năm 1960 vô cùng khó khăn. Sau khi Nghị quyết TƯ 15 “Chuyển hướng từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang” ra đời (năm 1959), lúc đó, tình hình thế giới vẫn còn rất bất lợi cho Việt Nam, một nước nghèo nhất trong khối XHCN.
Fidel thăm Việt Nam những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Ảnh tư liệu |
Xu thế “chung sống hòa bình”, “thi đua hòa bình” đã và đang trở thành xu thế chủ đạo trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Thời điểm này cả Liên Xô và Trung Quốc đều không đồng ý cho ta tổ chức đấu tranh vũ trang, khiến cho sự ủng hộ Cách mạng Việt Nam bị hạn chế. Trong khi đó, Mỹ đã tận dụng thời cơ tăng cường can thiệp quân sự vào miền Nam, truy bức và đàn áp thẳng tay Cách mạng miền Nam.
Mỹ là nước giàu mạnh nhất thế giới, vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ đổ vào miền Nam trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng hòa đến “tận chân răng”. Trên khắp bầu trời miền Nam, máy bay Mỹ làm chủ, quần đảo liên tục ngày đêm. Chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ đã gây ra nhiều tổn thất cho quân và dân ta. Bầu trời miền Bắc cũng không được yên, từ ngày 5/8/1964 Mỹ bắt đầu dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt Khu 4, và mở rộng ra khắp nơi.
Những năm 1960, tôi công tác ở Quân chủng PKKQ. Chúng ta bắt đầu được Liên Xô viện trợ cho phương tiện chiến đấu, nhất là một số chủng loại súng và pháo phòng không như súng máy cao xạ 12,7 ly, 14,5 ly và pháo 37 ly, 57 ly, 100 ly… Rồi những tiểu đoàn Tên lửa phòng không (Sam 2), những trung đoàn không quân tiêm kích đánh chặn…Nhờ vậy, chúng ta đã hạn chế phần nào lợi thế trên không của kẻ thù.
Tuy nhiên, đến khi xuất hiện súng máy cao xạ 2 nòng 23 ly (do Liên Xô sản xuất) do Chủ tịch Fidel và nhân dân Cu-ba gửi tặng chiến trường Việt Nam, tình hình có nhiều thay đổi. Hiệu quả của loại súng máy phòng không 23 ly giúp cho quân ta vô cùng to lớn. Ngày những trận đầu tham gia chiến đấu, súng máy 23 ly được gọi là “sát thủ với trực thăng”.
Đơn vị đầu tiên của quân đội ta được trang bị súng máy 23 ly là một tiểu đoàn của Trung đoàn 234 (còn gọi là đoàn Xung Kích) thuộc Sư đoàn phòng không 367. Trung đoàn này sớm được điều vào chiến trường miền Nam. Lần lượt sau đó là các trung đoàn như 282, 280 (Hồng Lĩnh), 218 (Hoa Lư)…
Súng máy phòng không 23 ly. Ảnh tư liệu |
Tại chiến trường Khe Sanh năm 1968, lần đầu tiên trung đoàn 234 sử dụng súng máy 23 ly, máy bay trực thăng HU-1A đã bị “rụng như sung”, góp phần bao vây, cô lập quân Mỹ tại Khe Sanh và đánh sập hệ thống phòng ngự của kẻ địch.
Với chiến trường miền Nam, quân và dân ta bị chiến thuật “trực thăng vận” của quân đội Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa tận dụng lợi thế của đội quân nhà giàu gây ra nhiều thiệt hại.
Nhiều chính giới quốc tế đã từng đánh giá: “Chiến thuật trực thăng vận của Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara là “Một phát kiến vĩ đại của Thế kỷ 20” – Những đàn trực thăng chở cả một tiểu đoàn, thậm chí trung đoàn, lập tức đổ bộ vào bên sườn hoặc phía sau đội hình của đối phương, trong khoảnh khắc đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến…”
Trong nhiều trận càn quét, hàng trăm máy bay trực thăng giăng kín bầu trời, lùng sục trên từng ngọn cây, bụi cỏ, sẵn sàng nhả đạn băm nát cả một vạt rừng. Các loại súng bộ binh hay 12,7 ly, thậm chí 14,5 ly khó mà khắc chế được đám giặc trời này. Khẩu súng máy phòng không 23 ly xuất hiện, được đưa vào chiến trường miền Nam đã làm cho kẻ thù thất kinh bạt vía. Mỗi khi xuất hiện trên trận địa, hàng loạt màn đạn của súng 23 ly quét sạch từng mảng, từng tốp máy bay khiến chúng không kịp trở tay, nhiều chiếc bị cháy, bị rơi, nhiều chiếc quay đầu tháo chạy .
Trong các cuộc càn quét, quân địch đã quen với sự hỗ trợ của pháo và trực thăng trên đầu. Giờ đây, trực thăng không dám bén mảng tới gần khiến cho quân địch dưới mặt đất không dám hung hãn, lùng sục như trước.
Hiệu quả của súng phòng không 23 ly rõ nhất trong chiến dịch Lam Sơn 719 (vào tháng 9/1971). Ta gọi chiến dịch này là “Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào”, còn phía Việt Nam Cộng hòa gọi là “Cuộc hành quân Lam Sơn 719”. Mục tiêu của địch là phá vỡ hệ thống hậu cần của ta, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là cuộc thử nghiệm về khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa trước khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Không quân và pháo binh Mỹ chi viện đắc lực cho cuộc hành quân càn quét này.
Theo đánh giá của giới quân sự trong và ngoài nước, chiến dịch này đánh dấu sự thay đổi và trưởng thành mạnh mẽ của quân đội nhân dân Việt Nam. Sự hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không khiến cho sự yểm trợ của không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ bị thất bại và chịu nhiều thiệt hại.
Trong chiến dịch này, hỏa lực từ súng máy cao xạ 23 ly của ta đã lập công lớn. Theo tài liệu của phía Mỹ trong quyển sách “American military history”, chapter 11” đã nêu rõ đã có 168 trực thăng bị phá hủy, 618 chiếc bị bắn hỏng! Kết quả này góp phần to lớn vào chiến thắng của quân ta, đánh bại âm mưu và mục đích của địch, gây tổn thất nặng nề cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Từ đó cho tới khi kết thúc cuộc chiến tranh vảo năm 1975, quân đội Việt Nam Cộng hòa chẳng còn mở chiến dịch nào tương tự.
Nhắc lại chiến dịch tiêu biểu này để thấy rõ hơn vai trò của súng máy phòng không 23 ly trong đội hình binh chủng PKKQ của ta.
Tuy nhiên, cho đến nay ít ai biết được rằng, loại vũ khí Liên Xô sản xuất này chính là viện trợ của Cu Ba cho Việt Nam. Cu Ba trong hoàn cảnh lúc bấy giờ được ưu tiên nhiều loại vũ khí hiện đại của Liên Xô và phe XHCN. Cu Ba chưa sản xuất được vũ khí, phải nhận viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN để bảo vệ tổ quốc mình. Nhưng khi Việt Nam cần, Cu Ba sẵn sàng chia sẻ cho Việt Nam!
Fidel Castro luôn quan tâm đến cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Ông luôn tìm hiểu, nghiên cứu, sau này có lúc ông đã trực tiếp sang thăm Việt Nam, đến đất lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh tìm hiểu, động viên quân và dân ta. Ông đã chia sẻ những vũ khí tốt nhất mà Cu Ba đang có với Việt Nam, mặc dù Cu Ba đang phải ngày đêm đối phó với kẻ thù lớn mạnh sát bên mình.
Khẩu súng máy cao xạ 23 ly trong binh chủng PKKQ Việt Nam đã đi liền với cuộc chiến tranh thống nhất đất nước của Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1975. Nó đã là một minh chứng thể hiện rõ nhất tinh thần “Vì Việt Nam…” mà Phidel đã tuyên bố trước toàn nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Duy Chiến ghi