Một ví dụ khác là dù ông Trump ác cảm với NATO nhưng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis vốn là một cựu tướng quân đội, lại được cho là nhân vật đánh giá cao NATO. Vì thế, những gì sẽ diễn ra sắp tới là rất khó lường.

Trong hai ngày 6 và 7/12, Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ với nhiều nội dung quan trọng.

{keywords}

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Ảnh: NATO

Thảo luận các vấn đề khu vực và toàn cầu quan trọng

Nội dung trọng tâm của hội nghị Ngoại trưởng NATO lần này là đưa ra những giải pháp cụ thể để khối có thể thích ứng và đối phó với các thách thức an ninh toàn cầu hiện nay.

Các Ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO đã thảo luận rất nhiều chủ đề nóng trong quan hệ quốc tế thời gian qua nhưng nổi bật là việc tăng cường hợp tác giữa NATO với Liên minh châu Âu; về tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 và các thay đổi chính sách của ông Erdogan; về lo ngại có sự biến động trên chính trường Italy sau vụ trưng cầu dân ý; về các lệnh trừng phạt đối với Nga, về tiến độ và thực chất của việc thực thi Hiệp định Minsk về ngừng bắn ở miền Đông Ukraina; về cuộc chiến chống khủng bố. Có thể nói là đây toàn bộ đều là những chủ đề quan trọng.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng rất được chú ý, đó là thái độ của chính quyền mới ở Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Tại Hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải đối mặt với rất nhiều thắc mắc từ phía các đồng minh châu Âu về chính sách mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ dành cho NATO.

Thỏa thuận đạt được – Hoài nghi vẫn lớn

Trong số các kết quả đạt được, đáng chú ý là các ngoại trưởng NATO đã đồng ý thông qua gói hơn 40 giải pháp nhằm tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu trong 7 lĩnh vực chính.

Tuy nhiên, lại có nhận định cho rằng, việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thời gian qua có nhiều tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ với EU trong khối NATO, nên khối này đã phải “đi trước” bằng cách thắt chặt sự liên kết với châu Âu.

Việc ông Donald Trump có những tuyên bố rất không thân thiện về NATO và các đồng minh châu Âu đang tạo nên một sự hoài nghi và lo ngại rất lớn. Các đồng minh châu Âu của Mỹ không rõ liệu ông Trump có thực sự hành động như tuyên bố hay không và trong trường hợp ông Trump làm như thế thật, thì đâu là cách thức mà châu Âu phải phản ứng.

{keywords}

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Ảnh: AFP/ VOV

Có lẽ vì thế, một trong những mục đích lớn nhất trong lần họp cuối trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của ông John Kerry là trấn an tối đa các thành viên NATO tại châu Âu và thúc đẩy việc thông qua một gói gồm 40 giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ được xem là “tự nhiên” giữa NATO và EU.

Các giải pháp này liên quan đến việc phối hợp hành động, diễn tập chung nhằm chống lại các mối đe doạ mới, như chiến tranh lai, chiến tranh mạng, thúc đẩy nghiên cứu, đảm bảo an ninh hàng hải và thiết lập quan hệ đối tác với các bên thứ 3, chẳng hạn như Ukraine, Gruzia hay Jordan… Nếu gói giải pháp này được thực hiện đầy đủ thì mối liên hệ giữa NATO với EU sẽ ngày càng chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà chính quyền của ông Barack Obama chỉ còn tại vị hơn 1 tháng nữa thì gói giải pháp này mang tính biểu tượng chính trị nhiều hơn là thực chất. Nó là một hình thức trấn an các nước châu Âu rằng nước Mỹ sẽ không dễ dàng rút lui và bỏ rơi các đồng minh truyền thống lâu đời, dù ông Trump có thể sẽ thực hiện nhiều thay đổi.

Nó cũng là thông điệp mà cả châu Âu lẫn chính quyền sắp hết nhiệm kỳ của Mỹ muốn gửi đến Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Khó đoán tương lai quan hệ Mỹ- châu Âu- NATO

Cần phải chờ đợi đến khi ông Trump chính thức ngồi vào ghế Tổng thống thì mới biết liệu ông có làm đúng như tuyên bố khi tranh cử hay không.

Dù ông Trump có thái độ không thiện cảm với NATO thì việc nước Mỹ dưới thời ông bỏ mặc liên minh quân sự này là điều rất khó có thể xảy ra. NATO là nền tảng an ninh mà qua đó Mỹ duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của mình và cũng là khối quân sự có sự góp mặt của những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Mỹ sẽ không dễ dàng bỏ mặc các đồng minh này.

Tất nhiên, có thể ông Trump sẽ gây sức ép buộc NATO tập trung hơn vào các hành động như chống khủng bố hay kiểm soát làn sóng tị nạn thay vì can thiệp vào nước khác. Việc này cũng không có gì là trái ngược với các lợi ích của NATO bởi trong thời gian qua thì các hoạt động thực chiến chính của NATO cũng là chống khủng bố, như ở Afghanistan hay chống IS ở Iraq, Syria và cũng bắt đầu trợ giúp Liên minh châu Âu tuần tra biển nhằm ngăn chặn làn sóng tị nạn.

{keywords}

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng có nhiều tuyên bố không mấy thân thiện về NATO. Ảnh: AP

Còn chuyện “bớt cứng rắn” với Nga thì đó sẽ là một chủ đề phức tạp. Ông Trump muốn thân thiện hơn với Nga nhưng khi bắt tay vào lãnh đạo thì có thể ông Trump sẽ thấy giữa Mỹ và Nga tồn tại quá nhiều xung đột lợi ích chiến lược không thể sớm gỡ bỏ, ví dụ như cuộc chiến ở Syria hay tình hình Ukraine…

Vì thế, vẫn phải chờ xem thực sự ông Trump sẽ làm gì khi bước vào Nhà Trắng chứ không thể chỉ đánh giá dựa trên phát ngôn của ông Trump khi tranh cử. Một ví dụ khác là dù ông Trump ác cảm với NATO nhưng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis vốn là một cựu tướng quân đội, lại được cho là nhân vật đánh giá cao NATO. Vì thế, những gì sẽ diễn ra sắp tới là rất khó lường.

Những lợi ích nước Mỹ khó từ bỏ hoàn toàn

NATO và Mỹ có thể có những điều chỉnh trong quan hệ nhưng sẽ rất khó có những thay đổi chiến lược nghiêm trọng vì Mỹ, với tư cách là một cường quốc có lợi ích toàn cầu, không thể không cần đồng minh mà châu Âu đã là đồng minh lâu đời và hiệu quả nhất của Mỹ từ nhiều thập kỷ qua.

Thay đổi mối quan hệ đó không phải một sớm, một chiều và cũng không dễ quyết định, dù người đó có là Tổng thống Mỹ. Vì thế, dù quan hệ NATO-Mỹ sẽ có sóng gió trong tương lai, cụ thể là Mỹ dưới thời ông Trump sẽ yêu cầu các nước NATO khác gánh vác trách nhiệm tài chính nhiều hơn… thì cả hai bên vẫn cần đến nhau để có thể giải quyết các an ninh lớn ở phạm vi toàn cầu.

Quang Dũng/ theo VOV.VN

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt