Với việc tướng về hưu James Mattis được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, trung tướng về hưu Mike Flynn được chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia, và tướng về hưu John Kelly vào vị trí Bộ trưởng An ninh nội địa, một số học giả cảnh báo truyền thống kiểm soát dân sự mang tính sống còn của Mỹ đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, mọi chuyện thực hư thế nào?

Andrew Bacevich, một trung tá về hưu và là học giả về quân sự thậm chí đề cập tới cụm từ “chính quyền quân sự Trump” để nói về hiện tượng quân sự hóa chính quyền trong các lựa chọn của ông Trump cho các vị trí chủ chốt trong nội các tương lai.

Nhưng hãy hít thở sâu và nhìn thẳng vào thực tế: sự kiểm soát dân sự đối với quân đội chưa bao giờ đồng nghĩa với việc các vị tướng về hưu không được trọng dụng trong các cơ quan công quyền chỉ vì họ từng phục vụ trong quân ngũ.

Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington cũng là một vị tướng về hưu. Hẳn là các vị cha đẻ của nước Mỹ sẽ không bao giờ phản đối một sĩ quan đã về hưu được bổ nhiệm vào một cơ quan chính trị nào đó.

{keywords}
Tổng thống Donald Trump chọn trung tướng về hưu Michael Flynn làm cố vấn an ninh. Ảnh: Reuters

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, một số vị tướng về hưu đã được nắm giữ những vị trí quan trọng. Tướng Hải quân 4 sao về hưu Jim Jones - người từng là Tư lệnh Tối cao Đồng minh châu Âu dưới thời Tổng thống George W. Bush - đã là cố vấn an ninh số 1 của ông Obama. Tổng thống sắp mãn nhiệm  cũng đã dành cho tướng Petraeus vị trí lãnh đạo cơ quan tình báo trung ương (CIA), và chỉ định tướng Lục quân 4 sao về hưu Eric Shinseki vào vị trí Bộ trưởng Các vấn đề cựu binh. Trong khi đó, một vị tướng Hải quân 4 sao khác là John Allen cũng đã trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên minh toàn cầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS). Bản thân ông Mattis, người sắp trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, cũng từng là Tư lệnh của Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ dưới thời ông Obama.

Ngược dòng thời gian, dưới thời Tổng thống George  W. Bush, tướng 4 sao về hưu Colin Powell đã giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, trung tướng Không quân về hưu Brent Scowcroft là cố vấn an inh quốc gia và sau này là chủ tịch Hội đồng cố vấn tình báo của Tổng thống George W. Bush. Tổng thống Ronald Reagan cũng đã chọn tướng Lục quân 4 sao Alexander Haig làm Ngoại trưởng của mình.

Đúng là việc tổng thống và các lãnh đạo dân sự khác giữ quyền kiểm soát hoàn toàn vốn được coi là một hòn đá tảng của nền dân chủ Mỹ, giống như một sự đảm bảo, ngăn chặn các nguy cơ đảo chính thường thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới. Vì thế mà một số người cho rằng các vị tướng vốn có quan điểm diều hâu hơn các những người đồng cấp là dân sự, và có thể – nhất là khi cộng với một vị tổng thống nói năng mạnh bạo nhưng ít kinh nghiệm chính trị như ông Trump – sẽ đẩy nước Mỹ vào nhiều cuộc xung đột hơn nữa ở nước ngoài.

Tướng Mattis là một người phản đối Iran từ lâu, từng mô tả Tehran là “mối đe dọa đơn lẻ kéo dài nhất đối với ổn định và hòa bình” ở Trung Đông. Theo chuyên gia Yochi Dreazen, ông Mattis đã muốn đối đầu với Iran bằng giải pháp quân sự từ cách đây nhiều năm. Dưới thời ông Trump, đúng là cũng cần đặt câu hỏi liệu cuối cùng ông ấy (tướng Mattis) có cơ hội để làm việc đó hay không?

Tương tự, nhiều người dân sự không hiểu cách mà các vị tướng nhìn thế giới và đặt câu hỏi liệu họ có cử thanh niên Mỹ ra chiến trường và bỏ mạng ở nước ngoài hay không.

Nhưng thực tế là khác với những lãnh đạo dân sự, hầu hết các sĩ quan đều đã chứng kiến sự kinh hoàng của chiến tranh một cách trực tiếp và ám ảnh với cảnh chôn cất binh sĩ trong khi nhìn những người khác trở về với vết thương hằn sâu về tinh thần và thể chất do chiến tranh gây ra. Vì vậy, các tướng lĩnh về hưu sẽ không hô hào chiến tranh, họ là những người sẽ chỉ dùng đến vũ lực khi mọi con đường khác không giúp giải quyết được vấn đề.

Khi ở vị trí Tổng tham mưu trưởng liên quân, tướng Colin Powell là tác giả của học thuyết sử dụng vũ lực một cách có suy nghĩ và kiềm chế, trong đó nói rằng nước Mỹ chỉ nên tham chiến với các mục đích đã xác định rõ và một chiến lược rõ ràng để thoát ra khỏi cuộc chiến đó. Học thuyết này nhằm thuyết phục các nhà hoạch định chính sách thuộc dân sự rằng hãy cực kỳ thận trọng khi ra lệnh đưa binh sĩ vào một cuộc chiến.

Học thuyết này đã không được vận dụng, và những “kẻ diều hâu” thực sự trong nhiệm kỳ của ông Powell lại là những quan chức dân sự cấp cao được đào tạo về chính trị tự do. Năm 1993, tờ Time đưa tin Ngoại trưởng Madeline Albright, thất vọng vì mong muốn sử dụng vũ lực ở vùng Balkans nhưng vấp phải sự phản đối của ông Powell, đã thách thức rằng: “Có lực lượng quân sự hùng mạnh để làm gì nếu không sử dụng?”.

Tuy nhiên, cũng không nên quá kỳ vọng, nhất là khi các cựu tướng lĩnh được đề nghị vào một vị trí không phải sở trường của họ. Bởi đơn giản là một vị trí trong Nội các sẽ không giống như điều hành một binh đoàn thiết giáp.

Trong khi Brent Scowcroft, một vị tướng Không quân về hưu, được xem là một trong những cố vấn an ninh quốc gia hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng có những vị tướng về hưu khác đã vất vả với vị trí trong chính phủ mà họ được đảm nhận.

Một số người không hiểu rõ về khía cạnh chính trị của lãnh đạo dân sự.  Nhiệm kỳ hai của vị anh hùng Ulysses S. Grant đã chìm trong những bê bối chính trị làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của ông. Cựu Tham mưu trưởng Lục quân Eric Shinseki đã phải từ chức Bộ trưởng Các vấn đề cựu binh khi ông không thể giải quyết vấn đề dai dẳng về việc người bệnh phải chờ đợi quá lâu. Dù Shinseki là một người rất được kính trọng, nhưng rõ ràng ông đã không phù hợp với một chính trị gia. Khi phải đối mặt với hành vi trái luân thường đạo lý của một số người dưới quyền, ông Shinseki đã thừa nhận rằng đây là điều ông “hiếm khi gặp trong 38 năm trong quân ngũ”.

Tuy nhiên, nhiều sĩ quan về hưu vẫn thành công. Làm một vị lãnh đạo thực sự không phải là nhờ môi trường, mà phần nhiều nhờ vào sự liêm chính, khả năng truyền sự tự tin, và khả năng hoạch định và hiểu tình hình với cái nhìn và suy nghĩ mạnh mẽ. Các vị tướng về hưu đã rất quen việc trong một lĩnh vực cụ thể, cũng như tập trung nhiệm vụ và khả năng thích nghi nhanh chóng với các kỹ năng lãnh đạo, nhưng tất nhiên, không phải vị tướng nào cũng là lựa chọn đúng đắn cho việc bổ nhiệm vào chính trị.

Các vị tướng về hưu được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao trong chính quyền của ông Trump sắp tới sẽ trở thành chủ đề săm soi của dư luận, nhưng chúng ta cũng không nên quá lo ngại rằng họ sẽ đẩy ông Trump vào chiến tranh hay gây ảnh hưởng quá nhiều, đơn giản vì họ đang phục vụ đất nước. Bên cạnh kinh tế và việc làm, người Mỹ coi an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu trong chính quyền mới. Điều đó có nghĩa là quá trình kiếm tìm những gì tốt đẹp nhất cho nước Mỹ không nên loại trừ những nhân vật tài năng chỉ vì họ từng mặc quân phục được gắn đầy sao và vạch.

Thảo Linh