Putin vừa có chuyến thăm đất nước “Mặt trời mọc”. Nhưng đừng có nín thở chờ một hiệp định hòa bình hay việc Nga từ bỏ bất cứ quyền kiểm soát nào đối với các hòn đảo mà hai quốc gia này đang tranh chấp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên trong 11 năm, chuyến thăm mà Tokyo hy vọng đạt tiến bộ trong việc thuyết phục Nga trao trả các hòn đảo tại chuỗi đảo Kuril mà Liên Xô đã chiếm đóng 3 ngày sau khi Nhật Bản đầu hàng trong chiến tranh thế giới thứ II. Đây là một “vết đen” trong quan hệ Nga – Nhật suốt 71 năm qua và là cái mà cả Moscow và Tokyo đang tìm cách có được để tăng cường các lợi ích an ninh và kinh tế của mình tại Thái Bình Dương.

Ông Putin tìm cách thúc đẩy quan hệ tại châu Á như một phần của cái mà các nhà phân tích gọi là “chính sách hướng Đông” của Nga trong bối cảnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thấy một cơ hội để Nhật Bản tiếp cận với nguồn tài nguyên phong phú ở vùng Viễn Đông của Nga, một động thái có thể vừa giúp ích cho nền kinh tế “đất nước Mặt trời mọc” vừa giáng một cú vào đối thủ Trung Quốc, nước hiện đang nhập khẩu rất nhiều nguồn tài nguyên ở đây.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp ngày 15/12. Ảnh: Reuters

Chiến lược thắt nút

Chuỗi đảo Kuril nằm trải dài lên phía Bắc từ đảo đảo Hokkaido (miền Bắc Nhật Bản) đến quần đảo Kamchatka của Nga. Các đảo này đã trở thành một phần của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Nhật Bản gọi 4 hòn đảo đang tranh chấp giữa hai nước là “vùng lãnh thổ phương Bắc”.

Chuỗi đảo này như một hàng rào canh giữ lối ra vào cho Hải quân Nga, nằm giữa biển Okhotsk ở phía Tây và Thái Bình Dương ở phía Đông. Năm 1945, Liên Xô đã đánh chiếm các đảo này 9 ngày sau khi Mỹ dội quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản, và một nước Nhật bị tàn phá có ít thế và lực để bảo vệ đất đai của mình. Giờ đây, Tokyo cảm thấy có một cơ hội để lấy lại các hòn đảo này khi ông Putin đang tìm kiếm đầu tư kinh tế tại quần đảo này cũng như tại khu vực miền Đông kém phát triển của Nga.

Tuy nhiên, đừng có nín thở chờ một hiệp định hòa bình hay việc Nga từ bỏ bất cứ quyền kiểm soát nào đối với các hòn đảo này. Đó là lời khuyên mà nhiều chuyên gia phân tích đưa ra cho Thủ tướng Nhật Bản. Vì hai lý do.

Một là giá trị quân sự của chuỗi đảo này đối với Nga. Chuỗi đào này bảo vệ các hải trình sống còn cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, đi từ phía dưới dọc lên theo bờ biển phía Đông. Các căn cứ của Nga trên các hòn đảo này cũng có thể giúp Nga giám sát các hoạt động của lực lượng Hải quân Mỹ và Nhật Bản dọc bờ biển Đông Bắc của Nga.

Carl Schuster, một giáo sư trường đại học Hawaii Thái Bình Dương, cựu giám đốc chiến dịch tại Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: “Biển Okhost giống như một cái ao nhà của Nga. Người Nga không thể bảo vệ vùng biển này nếu không nắm giữ các hòn đảo trên”.

Lý do thứ hai, trao trả lãnh thổ đơn giản không phải là chuyện có thể xảy ra ở nước Nga dưới thời ông Putin. Gerry Hudson, học giả tại Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc trường Đại học bang Ohio (Mỹ), cho rằng thật khó mà tưởng tượng cảnh ông Putin ký một thỏa thuận với Nhật Bản nhượng lại dù chỉ một phần nhỏ các hòn đảo trên, vì chính sách của Nga trong thời gian này mang tính dân tộc chủ nghĩa rất cao. “Nhượng đất dường như không phải là những lá bài trên tay Nga”.

Chiến lược châu Á của Putin

Các chuyên gia phân tích cho rằng các cuộc đàm phán thương lượng về các hòn đảo trên phù hợp với chiến lược của ông Putin tại châu Á, nhằm khai thác sự chia rẽ trong các liên minh để giành các lợi thế kinh tế và ngoại giao cho Nga mà không cần phải nhượng bộ gì.

James Brown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng: “Nga đang sử dụng các hòn đảo này như một thủ đoạn ngoại giao. Họ hoàn toàn không có ý định giải quyết vấn đề tranh chấp đảo”.

Trong khi đó, William Courtney, từng là một nhà ngoại giao của Mỹ và là một nhà nghiên cứu cấp cao tại nhóm chuyên gia cố vấn RAND có trụ sở ở Washington, cho rằng việc Nga đàm phán với Nhật Bản cũng gửi đi một thông điệp tới Washington. Nga hy vọng làm giảm sự ủng hộ đối với việc Mỹ đặt căn cứ quân sự và triển khai quân đồn trú tại Nhật Bản, và giảm sự ủng hộ của người dân Nhật đối với việc tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ông Courtney nói: “Quân đội Nhật khi được tái sinh có thể gây chiến với bất kỳ ai”.

Nga chỉ dạo chơi cho vui?

Chuỗi đảo Kuril nằm trên các trục đường mà Hải quân Nga có thể sử dụng để đi ra Thái Bình Dương rộng lớn. Nếu Nga mất quyền kiểm soát đối với chuỗi đảo này, có thể quân đội Mỹ sẽ được sử dụng chúng vì các quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ giám sát tàu ngầm của Nga, mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chuyên gia Courtney phân tích: trong một cuộc xung đột thông thường, sức mạnh tàu ngầm của Nga ở Thái Bình Dương, đặc biệt khi được sử dụng tăng cường, có thể đe dọa lực lượng Hải quân Mỹ và Nhật Bản.

Giáo sư Schuster cũng nhất trí rằng tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel của Nga có thể là mối đe dọa hải quân lớn nhất. Ông nói đây là loại tàu ngầm chạy êm nhất thế giới, có thể là mối đe dọa đối với cả các tàu sân bay của Hải quân Mỹ, mà một trong số này - tàu USS Ronald Reagan - đang đồn trú tại Nhật Bản.

Hơn thế nữa, các chuyên gia phân tích cho rằng quân đội Nga ở Thái Bình Dương dù chủ yếu là một lực lượng phòng thủ, nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn nếu xảy ra đối đầu giữa Mỹ hoặc Nhật Bản với Trung Quốc, một đồng minh lâu đời của Nga.

Theo giáo sư Schuster, trong một cuộc khủng hoảng Mỹ – Trung, các ý định và lo ngại của Nga sẽ làm trệch hướng sự chú ý và nguồn lực của Hải quân Mỹ ra khỏi các năng lực hải quân lớn hơn (của Trung Quốc).

Yếu tố Trung Quốc?

Nga gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận với Trung Quốc tại Biển Đông và có quan hệ sâu sắc với Bắc Kinh. Ông Putin thăm Trung Quốc ít nhất 10 lần kể từ năm 2000, đặc biệt đã đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc diễu binh kỷ niệm 70 kết thúc chiến tranh thế giới II.

Nhưng dù vậy, ông Putin vẫn lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với sự phát triển của vùng Viễn Đông Nga. Đến nay, Nhật Bản vẫn ít làm Moscow lo lắng hơn. Họ không có vũ khí hạt nhân, họ sẽ không phủ kín khu vực này bằng các lao động nước ngoài và họ không có biên giới chung trên đất liền với Nga. Chính vì vậy, Putin đã sang thăm Nhật Bản chuyến này.

Jun Okumura, một cựu quan chức Bộ Kinh tế Nhật Bản và là học giả Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Meiji, nhận định: “Nỗi sợ hãi Trung Quốc đã có từ hơn 100 năm, nỗi sợ hãi người da vàng thì có từ hàng nghìn năm”. Okumura kết luận: Nhật Bản thực sự là một đối tác an toàn.

Thảo Linh