Nếu bạn hỏi bất cứ người Trung Quốc nào về vị trí của dân tộc họ trong tương lai, câu trả lời rõ ràng là: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc.”
Từ góc độ lịch sử và ngoại giao, câu trả lời này cũng hé lộ nhiều khía cạnh quan trọng về cách thức bản thân Trung Quốc nhìn nhận sự hưng thịnh của họ, cũng như cách họ sẽ đối xử với phần còn lại của thế giới. Và chúng ta sẽ tự hỏi sự ngạo nghễ và lòng tự hào về sự “trở lại” của người Trung Quốc là từ đâu? Một phần cho câu trả lời này đến từ giáo dục lịch sử và cách thức ký ức lịch sử được sử dụng như một xúc tác cho chủ nghĩa dân tộc mới ở Trung Quốc. Một trong các diễn ngôn này chính là thế kỷ bị sỉ nhục, 1840-1945.
"Vật vong quốc sỉ"
Ký ức về quốc sỉ này xoay quanh chủ đề về “thế kỷ bị sỉ nhục” (bách niên quốc sỉ) của lịch sử Trung Quốc, thế kỷ mà Trung Hoa được mô tả là bị các nước Phương Tây xâm lược, chia cắt, bắt ký các hiệp ước bất bình đẳng, xây dựng các nhượng địa, tô giới, chiếm hữu các vùng đất khác nhau, tiến hành các cuộc can thiệp quân sự và đàn áp sự phản kháng.
Một vài mốc lớn trong số này bao gồm chiến tranh thuốc phiện lần 1 (1840-1842), lần 2 (1856-1860) do người Anh tiến hành nhằm mở cửa Trung Quốc. Hàng loạt các điều ước ưu đãi quan thuế và ngoại giao sau đó được ký kết, bao gồm việc nước Anh được cai trị Hong Kong 150 năm. Kéo theo sau là Nhật Bản và 6 cường quốc Châu Âu khác lần lượt chiếm Macao, Quảng Châu Loan, Đài Loan, Mãn Châu… Năm 1900, liên quan 8 cường quốc tiến vào Beijing đàn áp phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (1899-1901) đốt phá Bắc Kinh và cướp bóc các cung điện của nhà Thanh. Tội ác của Nhật Bản đối với Trung Quốc được nhấn mạnh, bao gồm việc chiếm Đài Loan, gây ra chiến tranh Trung Nhật (1894-95) để cướp Triều Tiên, xâm lược Mãn Châu 1931, thảm sát Nam Kinh 1937 và mở rộng xâm lược toàn Trung Quốc (1937-1945).
Đài tưởng niệm Chiến tranh nha phiến ở Quảng Châu |
Tất cả chuỗi sự kiện này nhanh chóng trở thành cốt lõi trong diễn trình viết sử và dạy sử ở Trung Quốc nửa sau thế kỷ XX, ảnh hưởng trong sách giáo khoa, bảo tàng, công viên, đài tưởng niệm, phim ảnh, văn học, nghệ thuật, các cuộc triễn lãm, báo chí, và trở thành nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa dân tộc mới.
Linh hồn của tinh thần này chính là khẩu hiệu: “vật vong quốc sỉ” - đừng quên quốc sỉ. Khẩu hiệu này xuất hiện đầu thế kỷ XX và nhanh chóng trở thành chủ đề chính cho các cuộc vận động dân tộc chủ nghĩa. Một cuốn lịch của chính quyền Trung Quốc xuất bản năm 1928 đề cập đến ít nhất là 26 ngày “quốc nhục” và còn đề nghị lấy một trong những ngày quốc sỉ này là ngày tưởng niệm ở cấp quốc gia (William Callahan 2006). Tưởng Giới Thạch và các nhà dân tộc chủ nghĩa khác cũng sử dụng ý niệm về quốc sỉ như ngọn cờ tập hợp các phong trào của dân chúng nhằm chống ảnh hưởng từ bên ngoài. Sau đó, ký ức lịch sử này được sử dụng để củng cố ý thức dân tộc Trung Quốc sau biến động chính trị những năm 1950s đến 1989. Những biến động này phần nào làm lung lay tính chính thống quyền lực của Trung Nam Hải và họ tìm cách củng cố lại vị trí của mình bằng cách sử dụng các ký ức chính trị.
Từ chỗ tin rằng mình ở trung tâm của văn minh, Trung Hoa trở thành kẻ bị thống trị và bị xỉ nhục bởi thế giới phương Tây. Một hình ảnh có tính chất biểu tượng được truyền tụng đó là tấm biển cấm người Trung Hoa và chó trong công viên Hoàng Phố ở Thượng Hải. Tuy nhiên đây là một chi tiết lịch sử có nhiều tranh cãi xoay quanh tấm biển nói rằng “No Dogs or Chinese Allowed”: Không cho phép người Trung Quốc và chó. Trong nhiều thập kỷ, người ta nhắc lại câu chuyện này mà không có các dẫn chứng chắc chắn, thậm chí GS hàng đầu về lịch sử Trung Quốc ở đại học Harvard là John K. Fairbank trong nghiên cứu của mình (1986) cũng đề cập đến chi tiết này.
Dùng ký ức tạo ra tính cố kết mới
Chính Đặng Tiểu Bình và những người kế tục đã đưa “Thế kỷ quốc sỉ” vào các sách giáo khoa và biến nó thành hạt nhân của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hiện đại, và gần đây tiếp tục phát triển thành “Giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội những năm 1980s và sự kiện Thiên An Môn rõ ràng đã làm thay đổi cách thức lịch sử được sử dụng để làm chỗ dựa của chính quyền Trung Quốc, từ lí thuyết về xung đột giai cấp sang chủ nghĩa dân tộc. Dùng ký ức bị sỉ nhục để tạo ra sự cố kết mới của Trung Quốc và tìm kiếm tính chính thống mới cho quyền lực của Beijing.
Điều đặc biệt của sự thay đổi diễn ngôn lịch sử này đó là sự chuyển biến từ việc tập trung vào lịch sử “huy hoàng” thời Mao và thay vào đó là lịch sử của kẻ bị trị, xâm lược, và ô nhục dưới tay của các thế lực bên ngoài. Cách kể lịch sử mới này trút tất cả sự lên án vào phương Tây và tìm cách thu hút giới trẻ vào các cuộc vận động mới nhằm chấn hưng Trung Hoa, và làm chuyển hướng mối quan tâm của giới sinh viên trong những năm 1980s là dân chủ hóa.
Người ta dựng lên các đài tưởng niệm các sự kiện bị “sỉ nhục” và các vụ thảm sát trong lịch sử Trung Quốc như Đài tưởng niệm Chiến tranh nha phiến ở Quảng Châu, và đài tưởng niệm việc quân đội Nhật bắt đầu xâm lược Trung Quốc năm 1931.
Phim ảnh, báo chí và tuyên truyền trở thành công cụ hữu hiệu cho ký ức về thế kỷ sỉ nhục. Rất nhiều bộ phim võ thuật của Trung Hoa bắt đầu nói về các cuộc đấu giữa người Hán và các tay võ sĩ thách đấu Nhật Bản hay Phương Tây. Không dừng ở đó, các sự kiện này cũng được dựng thành phim. Cảnh dưới đây từ “Chiến tranh Nha Phiến”, diễn viên Bào Quốc An vai Khâm Sai Đại Thần Lâm Tắc Từ, đang chuẩn bị đổ các thùng thuốc thuốc phiện của phương Tây xuống biển. Hình ảnh bên phải là bìa của một bộ phim làm về cuộc thảm sát Nam Kinh của quân đội Nhật năm 1937 với con số các nạn nhân được ước tính khoảng 300,000 người. Có ít nhất 10 bộ phim về sự kiện này đã được sản xuất gần đây.
Trong phần lớn các bộ phim này, hình ảnh của những người Phương Tây hay Nhật Bản được mô tả như những kẻ áp bức tàn bạo, khát máu và thủ đoạn luôn tìm cách miệt thị người Trung Quốc và các giá trị Trung Hoa. Dĩ nhiên là tất cả đã bị đánh bại bởi những người anh hùng đại diện cho sức mạnh và tinh hoa của dân tộc Trung Hoa, những người chiến đấu vì danh dự và vì quốc thể.
Dĩ nhiên, đối tượng đông đảo nhất mà cuộc vận động này hướng tới là giới trẻ. Thế hệ 1990s ở Trung Quốc là thế hệ nhận được được một cách có hệ thống hệ thống tuyên truyền mới, lấy chủ nghĩa yên nước làm cơ sở thông qua ký ức về một Trung Hoa bị sỉ nhục. Các cuộc tranh luận liên quan đến sách giáo khoa Nhật Bản, hay các vấn đề biên giới, lãnh thổ mà Trung Quốc có liên quan thường được châm ngòi chính từ ý niệm về thế kỷ bị sỉ nhục và các vùng đất bị mất vào tay nước ngoài. Chúng thường dẫn tới biểu tình, bạo động và các hành động cực đoan, như cuộc biểu tình chống Nhật Bản năm 2005.
Một diễn ngôn về ký ức lịch sử như thế rõ ràng đang ảnh hưởng sâu sắc cả đến chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là việc ứng xử với các nước láng giềng, cũng như cách thức công dân Trung Quốc nhìn nhận sự vươn lên của Trung Quốc, và cách thức họ tương tác với phần còn lại của thế giới.
Theo Vũ Đức Liêm/ Tia sáng
------------
Tài liệu tham khảo
1. Hartwell, Robert. "A Revolution in the Chinese Iron and Coal Industries During the Northern Sung, 960-1126 A.D." The Journal of Asian Studies 21.2 (1962): 153-62
2. John King Firbank. The Great Chinese Revolution, 1800-1985. New York: Happer & Row, 1986, p. 147
3. William Callahan, “History, Identity, and Security: Producing and Consuming Nationalism in China,” Critical Asian Studies 38:2 (2006), 179-208
4. Ronald Findlay, Kevin H. O'Rourke. Power and Plenty: Trade, War, and the World Economy in the Second Millennium. Princeton Economic History of the Western World, Princeton University Press, 2009
5. Martin Jacques When China Rules The World: The End of the Western World and the Birth of a New Global Order. Penguin, 2012
6. Zheng Wang. Never Forget National Humiliation: Historical Memory in Chinese Politics and Foreign Relations. New York: Columbia University Press, 2012.
7. Kuan Yew Lee, “Two Images of China,” Forbes, June 16, 2008.
8. Anti-Japan protests erupt in cities in China over disputed islands, Telegraph