Đối với ông Trump, cuộc gặp là thử thách lớn và được trông đợi đặt nền tảng cho quan hệ đối ngoại được xem là quan trọng nhất của Mỹ. Còn với ông Tập, sức ép là tránh để bị mất mặt trước hàng triệu con mắt đang dõi theo.
Áp dụng chiến thuật đàm phán của giới kinh doanh
Việc ông Trump chọn Mar-a-Lago thay vì Nhà Trắng để tiếp đón ông Tập cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang thử áp dụng “chiến thuật” đàm phán của giới kinh doanh vào cuộc chơi chính trị.
Ông muốn mang lại cho đối tác cảm giác thoải mái hơn trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên, để qua đó có thể “phá băng” quan hệ, thăm dò và đạt được những mục tiêu đề ra theo cách riêng. Để đạt mục đích đó, Tổng thống Mỹ cần tránh mọi sơ xuất về mặt lễ tân.
Việc ông Trump chọn Mar-a-Lago thay vì Nhà Trắng để tiếp đón ông Tập cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đang thử áp dụng “chiến thuật” đàm phán của giới kinh doanh vào cuộc chơi chính trị. Ảnh: washingtontimes |
Từ nhiều tuần qua, các nhân viên chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã ráo riết làm việc với nhau. Bắc Kinh rất lo ngại ông Trump sẽ làm ông Tập Cận Bình mất mặt, chẳng hạn bằng việc không bắt tay nguyên thủ Trung Quốc trước ống kính của báo chí, điều từng xảy ra khi chủ nhân Nhà Trắng tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 3 vừa qua.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo đừng hy vọng nhìn thấy hình ảnh ông Tập đánh golf với Tổng thống Mỹ trong thời gian ông dừng chân ở bang Florida giống như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm hồi tháng 2. Lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ không “ngả lưng” tại Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng riêng của nhà tỷ phú New York Donald Trump.
“Ghi một bàn thắng về mặt ngoại giao”
Không khí có phần căng thẳng tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Bên cạnh những bất đồng hay khác biệt về phong cách, hai nguyên thủ này đều đang trong tình cảnh khá giống nhau.
Với những khó khăn kinh tế trong nước và đấu đá phe phái quyết liệt trước thềm Đại hội XIX sắp diễn ra, Trung Quốc sẽ không thể áp dụng các bước đi cứng rắn với Mỹ vào thời điểm này, nhất là khi Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm sẵn sàng cạnh tranh, đối đầu, gây ảnh hưởng và áp chế để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ thay vì nhượng bộ Trung Quốc.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ đang cần củng cố uy tín trước một quốc gia mà từ trước tới nay ông từng coi là một “mối đe dọa đối với quyền lợi của người dân Mỹ.
Sau nhiều thất bại ê chề trong chính sách đối nội, nhất là trong kế hoạch cải tổ luật bảo hiểm y tế, ông Trump cần “ghi một bàn thắng về mặt ngoại giao”, đặc biệt là với Trung Quốc.
Đối với ông Tập Cận Bình, mục tiêu tối thượng của chuyến thăm không hẳn là các thỏa thuận làm đẹp lòng hai bên, mà là tránh để bị mất mặt trước hàng triệu con mắt đang dõi theo nhất cử, nhất động của cả hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới cũng như mối quan hệ sẽ định hình các luồng chuyển động địa kinh tế, địa chính trị và địa năng lượng thế giới trong tương lai.
Ông Tập phải chứng minh với công luận ở Bắc Kinh rằng ông biết cách nói chuyện, nhất là với một người như Tổng thống Donald Trump.
Mục tiêu của ông sẽ là bảo đảm sự ổn định trong chính sách của Mỹ với Bắc Kinh, mà ở đó nguyên tắc “một nước Trung Quốc duy nhất” phải là ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không phải “tay vừa”.
Vụ Triều Tiên phóng tên lửa ngày 5/4 được xem như “khúc nhạc dạo đầu” cho buổi làm việc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung.
Ngoài vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Biển Đông và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ đặt tại Hàn Quốc chính là hai vấn đề lớn khác trong quan hệ song phương Mỹ-Trung. Trong cuộc đọ sức thương mại, không có gì bảo đảm ông Trump sẽ giành phần thắng. Đơn giản là Mỹ không thể giải quyết vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, vốn đã lên tới 347 tỷ USD trong năm 2016.
Các nhà phân tích cũng nhận định rằng với cá tính mạnh mẽ và sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục tiêu, Tổng thống Trump không dễ dàng thỏa hiệp với Trung Quốc. Ông cũng đã chuẩn bị sẵn những "quân bài cứng rắn" để mặc cả với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thử nghiệm lớn cho cả đôi bên
Với những gì vừa diễn ra, có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung đầu tiên sẽ chỉ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo tìm hiểu cá tính và thăm dò quan điểm thực sự của nhau trong các vấn đề song phương và quốc tế. Trong cuộc chơi mới này, Trung Quốc sẽ vẫn phải thừa nhận vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong tổng thể cục diện quốc tế và còn lâu mới đạt được “quan hệ nước lớn kiểu mới” theo cách Bắc Kinh lâu nay hằng theo đuổi.
Cả ông Trump và ông Tập đều đủ khôn ngoan để hiểu rằng họ cần phải thực hiện thành công vai diễn đầu tiên của mình trong một cuộc đấu mà cả hai bên đã tự trang bị rất nhiều vũ khí sắc bén./.
Thảo Linh