Nhiều người đặt câu hỏi, với một tính khí thất thường, liệu viễn cảnh của một nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump có đáng sợ không?
LTS: Ngạc nhiên, lo ngại, sốc, bi quan - đó là một vài từ mô tả tâm trạng của nhiều người trước kết quả bầu cử tân Tổng thống Mỹ. Các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực ngay khi Trump đắc cử. Thậm chí có người dự báo, Trump sẽ “làm tổn thương” lên những giá trị nước Mỹ theo đuổi hàng thế hệ nay như các quyền, tự do, tính pháp quyền. Cũng có người đặt câu hỏi, với một tính khí thất thường, liệu viễn cảnh của một nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump có đáng sợ đến thế không?
Việc soi chiếu vào Hiến pháp 1787- nền tảng pháp lý, chính trị, đạo đức của đất nước này - sẽ giúp chúng ta hình dung một phần đáng kể viễn cảnh đó. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết 2 kỳ của tác giả Nguyễn Đức Lam, một chuyên gia về Luật Hiến pháp như một tư liệu tham khảo.
Kiềm chế, đối trọng
Trước những cảm xúc nói trên, nhiều người cho rằng, chính bản Hiến pháp được người dân Mỹ tôn thờ, coi là linh thiêng, với cơ chế phân quyền, kiềm chế và đối trọng, sẽ là sự kiềm tỏa, nhắc nhở, ngăn ngừa những hành động vượt quá giới hạn của người nắm quyền lực.
Một phụ nữ trả lời phỏng vấn CNN sau khi Trump đắc cử: “ông ấy sẽ phải theo những khuôn khổ do Hiến pháp đã đặt ra”.
Trên tờ The Washington Post, một phụ nữ 51 tuổi theo đạo Hồi bỏ phiếu cho Trump chia sẻ suy nghĩ: "Sinh ra ở Ấn Độ, đến Mỹ lúc 4 tuổi mùa hè năm 1969, tôi không hề thấy lo sợ gì khi là một người theo đạo Hồi trong một “nước Mỹ thời Trump”. Cơ chế kiềm chế và đối trọng ở Mỹ và lịch sử giàu truyền thống công lý xã hội và các quyền dân sự của chúng ta sẽ không bao giờ cho phép những lời gây sợ hãi của Tổng thống đắc cử trở thành hiện thực".
Ảnh: Reuters |
Trò truyện trên Tuần Việt Nam, GS Terry F. Buss cũng khẳng định: “Tôi nghĩ không có gì đáng sợ như chúng ta tưởng. Bởi vì những ai quan sát nước Mỹ đều biết rằng Mỹ có những thiết chế để kiểm soát quyền lực. Rất khó để một người bạt mạng làm những việc dân dã cho dù họ muốn thế. Bởi vì hệ thống chính trị Mỹ đã thiết kế những cơ chế để ngăn ngừa việc đó”. Trong bài phát biểu thừa nhận thất cử, bà Hillary Clinton cũng viện dẫn nền dân chủ hiến định, những giá trị đã được minh định trong Hiến pháp.
Thực vậy, cách đây gần 230 năm, các nhà lập quốc của Mỹ, nhất là Madison, vốn lo ngại về nguy cơ lạm quyền, khi thiết kế mô hình chính quyền đã đặt ra mục tiêu bảo vệ các quyền và tự do của con người, ngăn ngừa chính quyền sử dụng quyền lực áp chế tự do. Xuất phát từ tư tưởng của Montesquieu về tam quyền phân lập, các nhà lập quốc xây dựng cơ chế kiềm chế, đối trọng giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp trong Hiến pháp 1787, không cho phép một nhánh chính quyền nào được nắm toàn bộ quyền lực.
Theo Hiến pháp và trên thực tế, Tổng thống Mỹ có thẩm quyền rất lớn, thậm chí trong những tình huống khẩn cấp như vụ khủng bố 11/9/2001, từ chiếc chuyên cơ Không lực Một, Tổng thống Bush đã ra lệnh cho không quân bắn hạ chiếc máy bay dân dụng thứ tư nghi bị bọn khủng bố bắt cóc đang nhằm hướng Whashington và bất kỳ máy bay khả nghi khác, một mệnh lệnh mà quân đội liên tục đề nghị xác nhận lại.
Bình luận về thẩm quyền này, hai giáo sư chính trị học người Mỹ, tác giả cuốn Logic chính trị Mỹ nhận xét, các đại biểu tại Hội nghị lập hiến Philadelphia năm 1787 có chủ đích kiến tạo chức vị Tổng thống đủ vị thế, quyền hạn, nguồn lực, quyền lãnh đạo để phối hợp các hành động của quốc gia trong tình trạng khủng hoảng, nhưng quyền lãnh đạo đó kết thúc khi cuộc khủng hoảng chấm dứt.
Tổng thống không đủ quyền hạn để thay đổi trật tự Hiến pháp, không có quyền lực tuyệt đối, mà luôn có Quốc hội lưỡng viện và Tòa án Tối cao bên cạnh làm đối trọng, kiềm chế. Chẳng hạn, muốn xây bức tường ngăn với Mexico, Tổng thống phải được Quốc hội chấp thuận kinh phí – một khả năng khó có thể thành hiện thực ở Quốc hội Mỹ. Nhiều chính sách trong chương trình 100 ngày của Trump có thể sẽ bị kiện lên Tòa án Tối cao xem xét tính hợp hiến.
Bên cạnh đó, kiềm chế và đối trọng quyền lực còn cần được đặt trong mối quan hệ với vai trò của các chính đảng. Các giáo sư luật học, tác giả của bài nghiên cứu “Phân chia giữa các đảng, chứ không phải phân chia quyền lực” nhận xét, dù vô tình hay hữu ý, nhưng thiết kế nhiệm kỳ khác nhau của các chức vụ quyền lực trong Hiến pháp Mỹ đã ngăn ngừa nguy cơ tập trung quyền lực vào một đảng; làm cho một chính đảng hầu như không thể nắm quyền kiểm soát tất cả các đòn bẩy quyền lực vào một thời điểm, cũng như ngăn ngừa việc sửa đổi Hiến pháp tùy tiện, theo ý chí của một thế lực.
Cơ chế như vậy có thể xua tan lo ngại trước việc chức danh Tổng thống, cùng với đa số trong hai viện của Quốc hội đều thuộc về Đảng Cộng hòa có thể dẫn đến lạm quyền.
Nhằng nhịt các mối quan hệ quyền lực
Ông Trump có lẽ nên nhìn vào tấm gương nhãn tiền của người tiền nhiệm. Mặc dù là người của Đảng Dân chủ, nhưng Tổng thống Obama lại gặp phải sự phản đối quyết liệt từ chính phe dân chủ trong Quốc hội đối với Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đã phải vận dụng hết mức những mối quan hệ, vận động, sử dụng các quy tắc về quy trình, thủ tục của Quốc hội, nhưng Obama cũng chỉ đạt được quyền đàm phán nhanh, đi tới ký kết TPP, mà không thể thuyết phục Quốc hội phê chuẩn hiệp định này.
Trong cuộc đối đầu song đảng ở Mỹ, đảng đa số có thuận lợi rõ rệt vì không những chi phối các vị trí lãnh đạo chóp bu trong cả hai Viện, mà còn chi phối các ủy ban cũng như các tiểu ban của Quốc hội. Thông qua các cơ cấu này, đảng đa số có vị thế quyết định Quốc hội sẽ xem xét luật nào, vào lúc nào. Tuy nhiên, đảng thiểu số có thể dựa vào các quy định về quy trình, thủ tục làm việc của mỗi Viện nhằm tác động đáng kể đến đường hướng lập pháp và hoạt động, ban hành chính sách tại Quốc hội.
Hơn nữa, những quy định và thủ tục mới đã làm cho Quốc hội Mỹ dân chủ hơn. Quyền lực trước đây vốn hầu như nằm trong tay các chủ nhiệm Ủy ban của mỗi Viện trong Quốc hội, nay được phân nhỏ xuống các tiểu ban thuộc các Ủy ban đó, và cơ chế đề cao thâm niên công tác đã suy yếu. Đồng thời, những cải cách về luật bầu cử, vận động tranh cử trên truyền hình, thay đổi về tài trợ vận động tranh cử, tất cả những điều này giúp các nghị sỹ ít phụ thuộc hơn vào bộ máy chính trị của đảng trong bầu cử.
Hơn nữa, khác với nghị viện Anh, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ vốn ít chịu ràng buộc với đường lối của đảng hơn. Xuất hiện càng nhiều những nghị sỹ không còn cảm thấy phải thận trọng với những vấn đề thuộc mối quan tâm của đảng. Bên cạnh đó, mỗi sự thay đổi nhỏ về tương quan lực lượng giữa hai đảng cũng tạo ra xung động lớn nhờ luật lệ và cơ cấu tổ chức của mỗi Viện có tác động rất lớn đến việc phân chia quyền lực và hoạch định chính sách ở Quốc hội.
Đặc biệt, để thúc đẩy một chính sách được đưa vào chương trình, hoặc ngược lại, ngăn chặn các dự luật trở thành đạo luật có hiệu lực, cá nhân nghị sỹ nếu am hiểu sâu sắc về quy trình, thủ tục sẽ có khả năng gây ảnh hưởng tới nghị trình rất nhiều.
Một hạ nghị sỹ Mỹ đã từng phát biểu, “nếu bạn để tôi đề ra các thủ tục, và bạn viết nội dung, thì tôi sẽ luôn đánh bại bạn”. Dù ông này có thể đã hơi cường điệu, nhưng qua đây có thể thấy, việc sử dụng quy trình, thủ tục để ngăn cản, trì hoãn một dự luật dễ dàng hơn nhiều so với việc thông qua nó. Bởi lẽ, để thúc đẩy dự luật, những người ủng hộ buộc phải vượt qua nhiều cửa ải, trong khi người phản đối chỉ cần một lần ngăn cản là đã có thể đạt mục tiêu của mình. Nhất là ở Thượng viện có thể tốn nhiều ngày hay thậm chí hàng tuần để xem xét một dự luật.
Tất cả những yếu tố trên đây cho thấy, cho dù hiện đang nắm cán cân quyền lực ở Quốc hội, Tổng thống đắc cử Trump muốn biến các dự định chính sách của mình thành hiện thực thì phải vượt qua nhiều cửa ải trên chính trường. Đó là một “con đường đau khổ”, với những mối quan hệ quyền lực nhằng nhịt, dích dắc trong cơ cấu quyền lực ở Quốc hội, giữa Tổng thống với hai đảng, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích, công chúng, quy trình, thủ tục lập pháp phức tạp, và logic của nền chính trị Mỹ.
Một lần nữa, “ma trận quyền lực” như vậy lại chính là kết quả của sự kiềm chế, đối trọng do các nhà lập hiến của nước Mỹ tạo ra trong bản Hiến pháp 1787.
Xem tiếp kỳ 2 TẠI ĐÂY
Nguyễn Đức Lam