Các chuyên gia chính sách của Trung Quốc hiện đang làm việc xuyên ngày đêm để vẽ ra tương lai quan hệ Trung – Mỹ. Nói chung có 3 trường phái suy nghĩ. Cách đối phó của Trung Quốc với ông Trump sẽ được định hình bởi bất cứ phỏng đoán nào. Dù gì thì đây là thực tế chứ không phải là ý tưởng mơ hồ.

Trường phái đầu tiên có thể gọi đơn giản là trường phái “bất ổn”. Trung Quốc có một cách tiếp cận khá bảo thủ trong chính sách quốc tế. Nó không giống kiểu không thể đoán trước. Với ông Trump, cách tiếp cận này đã thực sự là chiến lược không thể đoán trước.

Trường phái thứ hai là lạc quan, vì nhiều lý do. Những người theo trường phái này cho rằng những “xáo trộn” trong cuộc bầu cử Mỹ là bằng chứng cho dân chúng Mỹ thấy được sự không thể vận hành của nền dân chủ tự do phương Tây. Họ cũng thấy ông Trump là một chính trị gia thực dụng, không bị gánh nặng của các tư tưởng chính thống của các cơ quan chính sách đối ngoại, tình báo và nhân quyền Mỹ. Bởi vậy, theo quan điểm của họ, ông là vị lãnh đạo có nhiều tiềm năng đồng thuận trong chính sách an ninh quốc gia cũng như kinh tế.

{keywords}

Một người đàn ông đọc bài báo viết về Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 10/11 ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Hơn nữa, với việc Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – vốn loại Trung Quốc khỏi cuộc chơi – giờ đã được khép lại, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng chớp cơ hội để thay thế văn kiện này bằng thỏa thuận khác.

Những phát ngôn gây sốc liên quan tới người Hồi giáo của ông Trump có nguy cơ làm xích mích quan hệ chiến lược của Mỹ với Indonesia và Malaysia, nơi Trung Quốc đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong việc gia tăng sự ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á. Xét trong toàn khu vực, những người lạc quan thấy sự mập mờ trong các tuyên bố của ông Trump trước bầu cử về quan hệ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản đã giúp tăng khả năng các nước láng giềng của Trung Quốc hòa hoãn với những lợi ích của Bắc Kinh.

Những người lạc quan cũng thấy một cơ hội chính sách đối ngoại cho Trung Quốc trở thành một nhà lãnh đạo, không chỉ là một người theo đuôi, trong vấn đề tự do hóa thương mại và chống biến đổi khí hậu – một lợi ích tiềm năng cho sức mạnh mềm của Trung Quốc.

Trường phái thứ ba là bi quan. Theo quan điểm này, ông Trump đã xác định Trung Quốc, chứ không phải Nga, là mối đe dọa duy nhất thực sự đối với sức mạnh Mỹ. Họ thấy kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ về việc mở rộng quân đội, đặc biệt là hải quân, là một hành động trực tiếp nhằm vào Trung Quốc.

Những người bi quan thấy một “sự bình thường hóa” quan hệ Mỹ – Nga (chẳng hạn các thỏa thuận về Syria và Ukraine, trong đó có khả năng dỡ bỏ trừng phạt) có thể ảnh hưởng tới tông giọng, nội dung và tầm ảnh hưởng chiến lược mới của Bắc Kinh đối với Moscow. Họ kết luận chính điều này sẽ tăng cường sự tự do hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Trung Quốc. Điều này lại xảy ra trong bối cảnh quan hệ đối đầu phức tạp Moscow – Bắc Kinh từ thời Sa hoàng và gần đây là sự cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược ở Trung Á.

Những người bi quan cũng ghi nhận rằng “đe dọa” Trung Quốc về kinh tế là trọng tâm thông điệp tranh cử của ông Trump khi ông giải thích tại sao tầng lớp trung lưu Mỹ đang đi xuống và tại sao các ngành công nghiệp phải đóng cửa và di chuyển ra nước ngoài. Họ xác định ông Trump là một nhà bảo hộ bẩm sinh: khi ông nói về một mức thuế 45% đánh vào hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ và khi ông quả quyết tuyên bố Trung Quốc là một “kẻ thao túng tiền tệ”, ông ấy có thể không đùa, tuy nhiên bất hạnh là điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ và thương mại đối với Mỹ, Trung Quốc và nền kinh tế thế giới.

Theo quan điểm của những người bi quan, một trong những ưu tiên quốc gia của Trung Quốc sẽ là phải đạt các thành quả về kinh tế trong tương lai.

Trường phái nào trong số trên sẽ chiếm ưu thế ở Bắc Kinh? Thực tế là “bóng đang nằm trong sân” của ông Trump. Nước Mỹ giờ đây đã trở thành “ẩn số chiến lược” đối với tương lai quan hệ Mỹ – Trung.

Cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Mỹ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Cả hai lãnh đạo này nhiều khả năng sẽ tỏ ra cứng rắn. Nhưng điều này sẽ chỉ đủ để làm họ tôn trọng lẫn nhau và phối hợp làm việc.

Một lĩnh vực mà hai lãnh đạo có thể đạt tiến triển là Triều Tiên, nơi chiếc “đồng hồ” hạt nhân đang chạy rất nhanh. Một thỏa thuận về vấn đề này có thể xác định lại căn bản tương lai quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Và đây rốt cuộc sẽ là “nghệ thuật đạt thỏa thuận”.

Thảo Linh