Có ba khía cạnh đặc biệt trong sự nổi lên của Trung Quốc khiến nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ cấu trúc hiện tại trở nên khó khăn hơn.

Xem lại kỳ 1: Mỹ phải chia phần cho Trung Quốc thế nào?

Thứ nhất, Trung Quốc không tuân thủ các tiêu chuẩn tự do như các nước đã xây dựng nên các thể chế quốc tế – và tìm cách đưa các giá trị của mình vào trong đó – sau chiến tranh thế giới thứ II. Sự chống cự này xuất phát không chỉ từ hệ thống chính trị của Trung Quốc mà còn từ bối cảnh lịch sử, nhất là liên quan đến yêu sách đối với Đài Loan, khiến họ có một thế giới quan truyền thống và không can dự.

Những năm 1990, khi Mỹ sử dụng sức mạnh tại Panama, Haiti và khu vực Balkans, Trung Quốc nhạy cảm lo ngại cho lợi ích của chính mình nên đã thúc đẩy phản đối sự can dự của phương Tây.

Quan điểm này đã trở thành sự phản đối lớn hơn đối với việc sử dụng các thể chế hiện hành để thực hiện sự can dự tự do, như khi Mỹ can dự Balkans năm 1999 bất chấp việc không có sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Trung Quốc có lá phiếu phủ quyết, mà thay vào đó lại dựa vào sự hợp thức hóa của NATO đối với sứ mệnh này. Sự khác biệt về quan điểm giữa Trung Quốc và phương Tây đã ngăn cản hợp tác Mỹ – Trung, nhất là tại Iraq và Syria.

{keywords}
Có ba khía cạnh đặc biệt trong sự nổi lên của Trung Quốc khiến nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ cấu trúc hiện tại trở nên khó khăn hơn. Ảnh minh họa: Bao Toquoc

Thứ hai, dù Trung Quốc đã gia nhập và trở thành một thành viên ngày càng tích cực của các nhóm và hiệp ước hiện hành, họ cũng đã cố gắng đa dạng hóa hệ thống quốc tế bằng việc ủng hộ các đối thủ của các nhóm và hiệp ước đó: họ ủng hộ một loạt các cơ chế song song, như nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi lớn (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nhóm đã khởi động các hội nghị thường niên từ năm 2009 và đã thành lập một ngân hàng phát triển và một quỹ dự trữ cho tình huống bất ngờ.

AIIB là ví dụ điển hình về cách tiếp cận nước đôi này. Việc thành lập ngân hàng này là tuyên bố rõ ràng rằng Bắc Kinh không hài lòng với những gì họ cho là thất bại của hệ thống hiện hành trong việc cải cách và nhanh chóng thích nghi với vai trò lớn hơn của Trung Quốc, đồng thời là lời cảnh báo rằng Trung Quốc có khả năng và sẽ làm việc ngoài hệ thống ấy.

Nhưng Trung Quốc không từ bỏ các thể chế cũ: họ vẫn là người góp quỹ nhiều thứ ba cho đối thủ gần nhất của AIIB là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và ngày càng tích cực hơn trong WB. Hơn nữa, Trung Quốc tập trung bày tỏ sự không hài lòng trong một lĩnh vực và các ngân hàng này đã tỏ rõ là không hiệu quả.

Năm 2016, ADB dự báo quỹ cho cơ sở hạ tầng tại châu Á sẽ cần gần 1.000 tỷ USD/năm cho tới năm 2020, trong khi các nước có thể cung cấp được 60% số này. Vậy là Bắc Kinh có thể thuyết phục rằng AIIB bổ sung, chứ không đe dọa, hệ thống hiện hành.

Chiến lược này được mô tả rõ nhất là sự đa dạng hóa vốn đầu tư, nhờ đó Bắc Kinh mở rộng các lựa chọn thể chế của mình nhằm đạt nhiều mục đích khác nhau. Họ tìm cách thoái thác cam kết của mình trong các nhóm do phương Tây đứng đầu để phương Tây khỏi phải thích nghi với các lợi ích của Trung Quốc hoặc chống lại Trung Quốc, tạo cớ đề nghị cải cách nhanh hơn và sâu hơn các cơ chế hiện tại, “dân chủ hóa” sự quản trị quốc tế bằng cách thành lập các nhóm không phải do các nền dân chủ công nghiệp hóa trong G7 quản lý, khiến Washington nghĩ rằng Bắc Kinh có thể và sẽ tìm các giải pháp thay thế nếu những kêu gọi thay đổi của họ bị phớt lờ, và họ đã làm được trong các lĩnh vực như tài trợ cho cơ sở hạ tầng, lĩnh vực mà các nỗ lực của Mỹ và các nhóm hiện này vẫn chưa đủ.

Thách thức thứ ba đối với Washington là việc Bắc Kinh kỳ vọng vai trò ngày càng lớn của mình sẽ giảm sự ảnh hưởng của các nền dân chủ nhỏ hơn ở châu Âu. Trung Quốc là đối tác thương mại, nhà sản xuất và nước thải khí carbon lớn nhất thế giới, và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh cho rằng vì các vấn đề kinh tế và môi trường toàn cầu không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của họ, nên chỉ có một cách để vận hành các thể chế đang tồn tại là làm cho nó mang tính đại diện cao hơn.

Tuy nhiên, đối với Washington, sức mạnh tái cân bằng theo cách này đặt ra một sự đánh đổi không dễ chịu gì giữa chủ nghĩa tự do và tính hiệu quả. Khi phương Tây càng chế ngự một thể chế, thì họ sẽ càng thiên vị cho tự do nhưng thể chế này sẽ càng có ít tính đại diện và có thể vận hành kém.

Một ví dụ về điều này là Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhóm vốn gồm các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn trên thế giới. Kể từ khi IEA thành lập năm 1974, quy chế thành viên và tỷ lệ bỏ phiếu của các thành viên bị “đóng băng”.

Kết quả là cơ quan này không thể cho Trung Quốc hay Ấn Độ gia nhập, trong khi đây đã trở thành hai nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ nhất và thứ hai thế giới, (dù Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hiệp hội với IEA và nhóm này cũng có một chương trình hợp tác với Ấn Độ).

Nhóm này cũng dành một sức nặng ngoại cỡ cho các nước châu Âu, vốn là các nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn trong những năm 1970 nhưng giờ không còn như vậy nữa. Kết quả là một thể chế vận hành kém trong các vấn đề như điều phối kho dự trữ và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Còn tiếp

Thảo Linh