Đã đến lúc Trung Quốc nhận ra rằng quyết định chấm dứt dự án đập thủy điện Myitsone ở Myanmar sẽ không thể được đảo ngược.

Trung Quốc là một nước hâm mộ cuồng nhiệt đập thủy điện. Thật vậy, trong 50 năm qua, nước này đã xây dựng nhiều con đập hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Nhưng có một con đập mà Trung Quốc chưa bao giờ xây dựng được: Đập Myitsone ở Myanmar.

Đập Myitsone dự kiến được xây dựng ở thượng nguồn sông Irrawaddy, thủy mạch của Myanmar. Nó được thiết kế như một dự án thủy điện, từ đó tạo ra năng lượng để xuất khẩu sang Trung Quốc, ở thời điểm nền kinh tế Myanmar đang phụ thuộc vào người hàng xóm khổng lồ của mình. Vì Myanmar lúc đó đang phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt nặng nề do Mỹ dẫn đầu và sự cô lập quốc tế rộng khắp.

Trung Quốc đã nhanh chóng nhìn thấy cơ hội gia tăng lợi ích chiến lược và nguồn lực cho mình. Khi dự án đập Myitsone được giới thiệu, Trung Quốc cũng đang thiết lập một chỗ đứng chắc chắn cho mình tại cảng Kyaukpyu của Myanmar trên Vịnh Bengal, từ đó xây dựng các đường ống dẫn dầu nối với miền Nam Trung Quốc.

{keywords}
Dự án đập thủy điện Myitsone

Một sự hiện diện mạnh mẽ hơn nữa là trên sông Irrawaddy, chảy từ gần biên giới Trung Quốc ra biển Andaman, hứa hẹn cho Trung Quốc một tuyến đường giao thương ngắn hơn và rẻ hơn đến châu Âu. Một lợi ích khác là dự án Myitsone – và rộng hơn là quan hệ giữa Trung Quốc với Myanmar – sẽ thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc trong việc thách thức lợi thế của Ấn Độ trên Ấn Độ Dương.

Mọi thứ có vẻ đã theo đúng kế hoạch. Nhưng vào năm 2011, chỉ hai năm sau khi dự án 3,6 tỷ USD này khởi công, chính phủ Myanmar đột ngột đình chỉ việc xây dựng con đập. Tiến dần đến cải cách dân chủ, chính phủ Tổng thống Thein Sein nóng lòng muốn xóa bỏ hình ảnh Myanmar như một nhà nước lệ thuộc vào láng giềng.

Thein Sein đã đạt được điều ông muốn. Sự đảo ngược chính sách đối với Trung Quốc của Myanmar trong vụ Đập Myitsone đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển tiếp dân chủ của đất nước. Nó giúp chấm dứt tình trạng cô lập quốc tế của Myanmar và nới lỏng những biện pháp trừng phạt từ lâu của phương Tây vốn là thứ khiến Myanmar phụ thuộc vào Trung Quốc.

Năm ngoái, Myanmar bầu lên chính phủ dân sự đầu tiên của mình. Tuy nhiên, cùng với toàn bộ tiến trình dân chủ này, quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc đã hạ nhiệt đáng kể. Sau khi công trình Đập Myitsone bị ngưng lại, nhiều dự án đập và năng lượng khác cũng bị đình chỉ, dù các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn thành các đường ống dẫn dầu và khí đốt trị giá hàng tỷ USD từ duyên hải miền Tây Myanmar đến miền Nam Trung Quốc trong năm 2013–14.

Nhưng Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ dự án Myitsone. Trung Quốc đã cảnh báo rằng nếu Myanmar không tiếp tục dự án Myitsone thì nước này sẽ phải bồi thường 800 triệu USD cho Trung Quốc. Hồng Lượng, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, tuyên bố cách đây ba tháng rằng Myanmar cần trả 50 triệu USD tính riêng tiền lãi cho mỗi năm dự án bị đình chỉ. Nhưng nếu dự án được hoàn thành, Đại sứ Hồng tiếp tục, thì Myanmar có thể thu được lợi nhuận cao nhờ xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc.

Những nhắn gửi trên đã không vô ích. Trước chuyến thăm Bắc Kinh, Suu Kyi đã giao nhiệm vụ cho một ủy ban gồm 20 thành viên để xem xét các dự án thủy điện hiện có và đang được đề xuất dọc sông Irrawaddy, bao gồm thỏa thuận Myitsone vốn bị đình chỉ.

Nhưng bà Suu Kyi, người phản đối dự án đập thủy điện khi lãnh đạo phe đối lập với chính quyền quân sự, ít khả năng sẽ khởi động lại dự án Myitsone. Việc đồng ý tiếp tục công trình Đập Myitsone không được lòng dân sẽ là quá mạo hiểm về mặt chính trị để bà có thể cân nhắc.

Trên thực tế, ở Myanmanr, dự án Myitsone bị đông đảo người dân xem như một chính sách không có lợi cho xã hội, được thiết kế nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các nước nhỏ hơn, trong khi vẫn phục vụ lòng tham tài nguyên của mình, bất chấp nhu cầu hay điều kiện địa phương. Và có nhiều chứng cứ ủng hộ cách hiểu này – bắt đầu với yêu cầu của Trung Quốc muốn sở hữu phần lớn sản lượng điện của con đập, mặc dù ở Myanmar nhiều nơi vẫn thiếu hụt năng lượng dài ngày.

Hơn nữa, việc xây dựng đã gây nhiều hệ quả nghiêm trọng cho người dân Myanmar. Bằng việc làm ngập một vùng đất lớn, dự án đã di dời nhiều nông dân và ngư dân nghèo, thúc đẩy phản ứng dữ dội của người dân.

Ở thời điểm mọi cường quốc lớn và các nhà đầu tư quốc tế đều háo hức lấy lòng Myanmar, không có lý do nào để chính phủ – chưa kể đến nhân dân – phải làm ngơ những chi phí về môi trường và con người từ các dự án của Trung Quốc.

Đã đến lúc Trung Quốc nhận ra rằng quyết định chấm dứt dự án Myitsone sẽ không thể được đảo ngược. Hy vọng rằng ủy ban của Suu Kyi sẽ đưa ra một số đề xuất giữ được thể diện cho Trung Quốc, chẳng hạn như bồi thường cho nước này hoặc đưa ra thỏa thuận mới cho các dự án năng lượng nhỏ và thân thiện với môi trường hơn. Nhưng, với việc Suu Kyi đang theo đuổi một chính sách ngoại giao trung lập, đã qua rồi những ngày Trung Quốc bòn rút năng lượng từ Myanmar mà không bận tâm gì về chi phí môi trường và con người.

Brahma Chellaney/ Project Syndicate

Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi và nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)

Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.