Tôi rất đồng tình khi Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không được lên “chúc Tết” lãnh đạo. Trong hoàn cảnh chúng ta chưa thực sự tạo ra sự thay đổi, mệnh lệnh của Thủ tướng là rất đáng hoan nghênh.
Trái với quan niệm xưa, thay vì thời gian nhàn hạ bên gia đình, Tết bây giờ là lúc một số người tranh thủ lấy lòng nhau. Có những người khoản tiền biếu xén còn được ưu tiên hơn cả khoản chuẩn bị cho gia đình. Không ít trường hợp tặng quà bị biến thành một nghĩa vụ thay vì hành động xuất phát từ trái tim.
Người có điều kiện thì tặng những bộ quà Tết tốn kém, ít thì chai rượu Tây, cân hoa quả nhập ngoại, hay bèo bọt cũng là hộp mứt Tết loại xịn. Tất nhiên, gói quà phải đi kèm với phong bì mới đủ bộ.
Với một số người hư, mưu lợi thì ai cũng hiểu câu chuyện không chỉ dừng ở lời chúc Tết “suông”. |
Với một số người hư, mưu lợi thì ai cũng hiểu câu chuyện không chỉ dừng ở lời chúc Tết “suông”. Rất nhiều trường hợp, nó trở thành tấm bình phong cho hành động hối lộ để các quan hệ thân hữu phát triển.
Tất nhiên không phải ai đi chúc Tết cũng chỉ vì tư lợi. Nhưng khi câu chuyện gắn liền với công việc, với câu chuyện lợi ích, thì việc kiểm soát đâu là “chúc”thật – giả trở nên khó khăn. Sẽ rất khó để đánh giá liệu một doanh nghiệp A đi chúc Tết một lãnh đạo địa phương, nơi doanh nghiệp đó đang chuẩn bị đầu tư, là “trong sáng” hay không. Hay một công chức đang trong danh sách cân nhắc thăng chức đi chúc Tết người có quyền quyết định vị trí đó. Bởi thế, trong những tình huống như trên, giải pháp tốt nhất đưa ra là ngăn chặn ngay những nguy cơ gây xung đột lợi ích (conflict of interest).
Đó là cách mà các nhà nước, doanh nghiệp, và trường đại học ở nhiều quốc gia phát triển thực hiện. Ở Mỹ, công chức còn không được nhận bất kì món quà nào, từ bất kì ai, có trị giá hơn 20 đô la (0.04% thu nhập hàng tháng). Nếu quy theo tỉ lệ thu nhập Việt Nam, mức tiền đó tương đương 24 nghìn đồng.
Vì thế, không phải tự nhiên mà nhiều nước như Nhật Bản và Mỹ, việc cấp dưới tặng quà có giá trị lớn cho lãnh đạo hầu như không xẩy ra, hay chí ít cũng không công khai như ở ta. Và trong những trường hợp có quà tặng, họ sẽ mở ra ngay để kiểm tra.
Từ chối nhận quà, trước khi là một văn hoá, là nguyên tắc ứng xử trong công việc được quy định nghiêm ngặt. Trải qua thời gian, quy định sẽ điều chỉnh hành vi và biến điều bắt buộc trở thành tự nguyện.
Chính vì vậy, tôi rất đồng tình khi Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương không được lên “chúc Tết” lãnh đạo. Trong hoàn cảnh chúng ta chưa thực sự tạo ra sự thay đổi, mệnh lệnh của Thủ tướng là rất đáng hoan nghênh. Nhưng tôi cũng băn khoăn về chuyện liệu mệnh lệnh có được chấp hành nghiêm chỉnh hay không.
Câu chuyện “cấm chúc Tết” hay tặng quà không chỉ diễn ra trong năm nay. Và không phải là chúng ta không có những quy định pháp lý để xử lý vấn đề trên, thậm chí quy định nghiêm không khác gì những nước Âu – Mỹ. Từ năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (hiện đang sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có những quy định cụ thể về việc cấm nhận quà của công chức. Đến năm 2007, chúng ta có Quyết định 64 của Thủ tướng ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Tháng 12/2012, thường trực Ban Bí thư ký chỉ thị 21/CT-TW “nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên”.
Các cơ quan Đảng, chính phủ mỗi năm đều ra công văn nhắc nhở các cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu phải thực hiện nghiêm những quy định này mỗi khi Tết đến. Nhưng kết quả có vẻ vẫn chưa như mong đợi.
Trong mấy năm qua, Cục Phòng chống Tham nhũng đã công bố số điện thoại để “nhờ” người dân trợ giúp phát hiện việc tặng quà có dấu hiệu tham nhũng. Nhưng năm nào việc tặng quà cũng đúng quy định. Điển hình là năm ngoái, cục này cho biết có 156 cuộc gọi và tin nhắn tố giác tham nhũng trong dịp Tết Bính thân, nhưng không ai bị điều tra. Sự xuề xoà về mặt luật pháp tất yếu sẽ dẫn đến sự xuề xoà khi chấp hành quy định.
Điều quan trọng, vì thế, cần phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc xử lý cán bộ vi phạm. Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi cần nghiêm cấm mọi hành vi nhận quà có giá trị, và khép đó vào tội tham nhũng, nhận hối lộ để xử lý hình sự. Sau khi có chế tài, cần tăng cường sức mạnh và sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra chính phủ,Ủy ban kiểm tra Trung ương, và cơ quan công an để xử lý “điểm” những vi phạm.
Chống tham nhũng không thể hời hợt, và phải bắt đầu ngay từ những việc tưởng chừng nhỏ bé như đi chúc Tết.
Khắc Giang