- Sống, một lòng vì nước vì dân. Chết, vì cách mạng, vì dân, vì nước, người cộng sản đến với cái chết thật thanh thản, nhẹ nhàng, chẳng chút so đo hơn thiệt!
Người chiến sỹ cộng sản thời kỳ đầu cách mạng vô sản với người đảng viên cộng sản bây giờ, có gì khác?
Tôi không quên câu chuyện tìm nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Vào hôm 8/10/2013, sau khi Đại tướng trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 102, trong cuộc họp của Ban Tổ chức tang lễ, ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng đã kể về việc Ba ông đi tìm cho mình nơi an nghỉ cuối cùng của cuộc đời...
Vị danh tướng thuộc hàng khai quốc công thần, khi bước qua tuổi 90 mới tính chuyện tìm cho mình nơi an nghỉ, phòng khi “hai năm mươi”. Ông từ chối vào nghĩa trang dành cho cán bộ cao cấp Mai Dịch. Ông từng tìm về vùng núi thiêng Ba Vì, vùng An toàn khu Việt Bắc, nơi “Thủ đô gió ngàn” chín năm kháng chiến... Cuối cùng ông hướng về miền quê hương gió cát Quảng Bình...
Mộ ông giờ nằm trên triền núi thuộc dãy Hoành Sơn, gối đầu lên núi, hướng mặt ra Biển Đông, nơi Vũng Chùa, Đảo Yến... Hàng ngày, chiến sỹ bộ đội biên phòng, nhân dân Quảng Bình, đồng bào cả nước qua lại, thắp hương, đặt hoa, thành tâm chiêm bái...
Phối cảnh nghĩa trang Yên Trung. Ảnh: VH |
Không hiếm người, khi đang sống sờ sờ, nhân dân đã mai táng họ.
Khi sống, vị Đại tướng được mệnh danh là Vị Tướng Lòng Dân, đã mãi trong lòng dân. Khi rời “cõi người ta”, về cõi vĩnh hằng, Đại tướng vẫn giữa cuộc đời, giữa lòng dân, nơi miền sóng xanh cát trắng...
Tôi cũng không quên câu chuyện lãnh tụ đất nước Cuba Fidel Castro và di nguyện cuối cuộc đời người chiến sỹ cộng sản đi vào huyền thoại này. Trước khi qua đời ở tuổi 90, ông đã dặn dò những đồng chí của mình không dựng tượng ông, không lấy tên ông đặt cho bất kỳ công trình công cộng nào. Ông là nhân vật đối nghịch với thứ chủ nghĩa sùng bái cá nhân. Ông từng nói với đồng chí của mình, đất nước Cuba chỉ có một anh hùng dân tộc, xứng đáng được dựng tượng đài, đó là Jose Marti. Những người kế tục sự nghiệp cách mạng đã thề bảo vệ di sản Fidel Castro và tôn trọng di nguyện của ông. Thi hài vị lãnh tụ của nhân dân Cuba được hỏa táng. Tro cốt được an táng tại nghĩa trang những người anh hùng Santa Ifigenia, thành phố Santiago, nơi có đài tưởng niệm những chiến sỹ- đồng đội của Fidel hy sinh trong trận tấn công trại lính Moncada. Ngôi mộ đá của nhân vật đi vào huyền thoại này chỉ khắc ghi một chữ: Fidel.
Đến Cuba, hỏi bất kỳ người dân nào về lãnh tụ Fidel, họ đều chỉ vào ngực trái của mình, giọng đầy kiêu hãnh: Tôi là Fidel!
Tinh thần cách mạng của Fidel hoá thân vào mỗi người dân của hòn đảo tự do...
Thời học sinh, và cả bây giờ, tôi vẫn yêu thơ Tố Hữu. Thời những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tuổi học trò, yêu lý tưởng, say cách mạng, dễ thuộc nằm lòng những câu thơ thể hiện phẩm chất người cộng sản:
“Đã rằng vì nước vi dân
Nước, dân còn khổ thì thân sướng gì...”
Những câu thơ máu lửa, hào sảng viết từ ngục tù, trong những ngày tuyệt thực của nhà thơ cộng sản trẻ tuổi:
“...Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.”
(Trăng trối)
Sống, một lòng vì nước vì dân. Chết, vì cách mạng, vì dân, vì nước, người cộng sản đến với cái chết thật thanh thản, nhẹ nhàng, chẳng chút so đo hơn thiệt!
Người chiến sỹ cộng sản thời kỳ đầu cách mạng vô sản với người đảng viên cộng sản bây giờ, có gì khác?
Năm nay, trước ngày kỷ niệm lần thứ 88 ngày thành lập Đảng, cũng đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, một trong những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và giai cấp công nhân.
Năm 1931, trong lúc “nát lòng công việc giữa đường chưa xong” thì người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh bị giặc Pháp bắt và kết án tử hình. Một năm sau, khi mới hơn 24 tuổi đời, ông bị thực dân Pháp đưa xuống Hải Phòng xử chém, đầu một nơi, thân một nơi. Mãi tới năm 2007, Đảng bộ, Công đoàn Tp Hải Phòng và tỉnh Thái Bình cùng gia đình mới tìm được di thể ông, đưa về an táng tại Diêm Điền, Thái Thụy, nơi ông sinh ra...
Hôm Thái Bình mít tinh kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về, dự mít tinh, thắp hương tưởng nhớ vị lãnh đạo tiền bối và thăm hỏi, chúc tết người dân. Hình ảnh người dân, già trẻ, gái trai phấn khởi, quây quần trò chuyện cùng vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, là một thông điệp sáng rõ: Hãy làm được nhiều việc có ích cho dân, cho nước, sẽ được dân tin yêu, bao bọc, che chở...
Sống, gần dân. Về, giữa lòng dân.
Uông Ngọc Dậu
Từ Quốc lệnh ngày 26/1/1946 đến “lò đã nóng lên…”
Vì sao đây đó hoành hành cái thứ “đạo vị”, “đạo chích” - ăn trộm chức vụ, ăn cắp của công - lại trở thành lối hành xử phải tiễu trừ trong một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên?
Chúng ta phải tự mình hùng mạnh!
Trong đại cuộc sinh tử chống tham nhũng, không dung thứ bất cứ ai, những phe nhóm nào xâm phạm lợi ích của đất nước, của Dân tộc, của Nhân dân, của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa!
Tượng đài và chuyện "bát cơm" của nhiều người
Giờ thì trên khắp đất nước hầu như tỉnh nào cũng có tượng đài. Không chỉ hàng tỉnh, nhiều huyện cũng có tượng đài riêng của mình. Không chỉ địa phương, nhiều ngành nghề cũng xây tượng đài.
Nguyện không thẹn với lịch sử, quyết không phụ sự ủy thác của dân
Con đường dân tộc đang tới “năm bản lề” nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng -2018 - đã mở ra trước mắt, dù nghìn trùng khó khăn, nhưng tương lai tràn đầy xán lạn!