- Là hài kịch nhưng Nhà ôsin mang đầy tính châm biếm. Với lối kể chuyện rất riêng, đạo diễn Lê Khanh đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía công chúng trong lần ra mắt đầu tiên vở "Nhà ôsin" vào tối 9/12 tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội.


Nhà ôsin kể về cuộc sống không hề êm ả trong một gia đình giàu có ở thành thị. Chủ nhà là một Đại tá về hưu được trợ giúp bởi một đội ngũ ôsin đông đảo nhốn nháo, hóng chuyện....

Tuy sống giữa những người như vậy nhưng ông đại tá-người tự coi mình là "biểu tượng" của ngôi nhà vẫn luôn giữ trong mình: "Một trái tim hồng, đôi khi nó cũng đau âm ỉ ở đâu đấy nhưng nó vẫn là một trái tim hồng". Câu chuyện hiện lên qua góc nhìn của Thủy Trần, một người khách lạ không ai đón chào.

NSƯT Chí Trung trong vai ông Đại tá

Lần lượt những bi kịch cuộc đời của Thủy Trần, Phú điên, bà Tơ, Oanh nhớn, Oanh bé, Mêluza được hiện lên theo cách kể chuyện sân khấu rất chân phương của Lê Khanh. Tuy nhiên, riêng ông Đại tá, một người vui tính, hóm hỉnh, trải đời, rộng lượng, hài hước từ lời nói, nụ cười, ánh mắt, đến cả cách ăn mặc thì bi kịch cuộc đời phải chờ đến phút chót khán giả mới thấy được.

Là hài kịch nhưng Nhà ôsin mang đầy tính châm biếm.

Thế nên, Lê Khanh đã khéo léo tạo cho nhân vật Thủy Trần (một người vô vị, nhạt nhẽo) cũng gây chú ý cho người xem từ đầu tới cuối bởi bi kịch cuộc đời cô, một người không nghề nghiệp, không tiền và cả không bạn bè. Một bà Tơ chỉ vì phút hoan lạc thời trẻ đã sinh ra một Phú điên rồi đành bỏ con trước cổng quán bia để cho bọn bợm nhậu nuôi dưỡng. Bi kịch của bà là đứa con nhất định không nhận mẹ bởi, anh ta giờ là tỷ phú, ra đường không sợ ai hết làm sao lại có bà mẹ làm ôsin....Bà đành ngậm ngùi làm ô sin cho con đẻ của mình để mẹ con có cơ hội gần nhau. 

Nguyệt Hằng với vai Oanh nhớn nham hiểm

Diễn viên Nguyệt Hằng (vai Oanh nhớn) đã thể hiện thành công nhân vật của mình, người xem cảm thấy "rợn người" với màn độc thoại khi cô chờ từng giây từng phút để chiếm được ngôi nhà của đại tá, bố chồng cô, ngôi nhà mà trước đây cô từng làm ôsin. Tất cả những tàn bạo, vô lương tâm, không tình người đều thể hiện hết trên khuôn mặt Oanh nhớn....

Cái kết của vở diễn đúng là một tấn trò đời không biết khi nào kết thúc khi Mêluza, một ôsin thân thiết của đại tá không muốn đi theo ông khi mà ông đã tay trắng. "Bỏ cả giang sơn theo người đẹp, ai ngờ người đẹp thích giang sơn, ông sợ mày quá Mêluza, ông xin mày..." đó là cái kết khiến nhiều người khóc mà cười, cười mà khóc.

Góp vào thành công của vở diễn còn phải kể đến việc thiết kế sân khấu và ánh sáng. Sự tiết chế đầy ẩn ý trong thiết kế ánh sáng của NSƯT Phạm Việt Thanh cũng là một điểm nhấn cho "Nhà ô sin". NSND Lê Khanh đã mạnh dạn đưa những vũ đạo hình thể hiện đại kết hợp với nhạc Hiphop nhằm chuyển tải nhịp sống trong vở diễn trở nên gần gũi hơn với đời thường. 

Một vài hình ảnh trong vở diễn








Tình Lê