"Tôi cũng có thần tượng. Hồi trẻ, tôi cũng mê Beatles, cũng mê diễn viên điện ảnh. Tôi mê đủ thứ. Nhưng sự ngưỡng mộ thần tượng, xin chữ ký, yêu quý khác với liếm lên cái ghế thần tượng ngồi".

Bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” của nhà thơ Đỗ Trung Quân đang tạo ra một cuộc bút chiến trên các diễn đàn mạng xung quanh chuyện thần tượng trong giới trẻ.

Fan Việt đội mưa rét vạ vật ở sân bay đón sao Hàn
Những sao Hàn trình diễn tại K-pop Festival
Buồn vì đẳng cấp sao Việt hay sao Hàn?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân không phản đối việc giới trẻ thần tượng ai đó nhưng ông khuyên họ "thần tượng thì cũng phải có tự trọng".


‘Tôi cũng có thần tượng’

- Thưa ông, ông nghĩ gì khi một bài thơ của ông, chỉ đăng trên facebook cá nhân, đã nhận được hàng trăm phản hồi và nhận được sự chú ý đặc biệt trên nhiều diễn đàn?

- Tôi đã đọc tất cả các bài phản hồi và tôi biết rằng hầu hết những người viết đó đều không phải ở trong giới K-pop.

Quan điểm của tôi rõ ràng thế này. Tôi cũng có thần tượng. Hồi trẻ, tôi cũng mê Beatles, cũng mê diễn viên điện ảnh. Tôi mê đủ thứ. Nhưng sự ngưỡng mộ thần tượng, xin chữ ký, yêu quý khác với liếm lên cái ghế thần tượng ngồi. Giới hạn nó nằm ở chỗ đó.

Nhiều người nghĩ tôi mắng các em. Không, tôi không hề mắng các em. Tôi chỉ muốn nói rằng các em hãy sử dụng nước mắt cho đúng chỗ. Tôi không cấm, tôi không hề cấm thần tượng. Tôi chỉ nhắc các em rằng yêu mến khác sự liếm ghế.

Ở nước ngoài, cũng có màn khóc lóc, thậm chí có những cô đòi ngủ với John Lennon. Nhưng ở xã hội của họ không có nhiều vấn đề xã hội như của mình. Xã hội phương Tây cũng có những vấn đề nhưng không buộc người ta phải nghĩ như mình.

- Có người cho rằng ông nhân danh Tổ quốc để áp đặt giới trẻ không được thần tượng K-pop?

Nhiều người trong giới trẻ hỏi tôi nhân danh cái gì mà được quyền dậy tôi. Vậy thì bố mẹ của các chị, các anh có được quyền dậy các chị, các anh không? Bố mẹ các chị, các anh dậy các anh, các chị còn chưa chắc nghe thì đừng nói là tôi.

Còn có những người rất “open” (cởi mở - PV) mà tôi gọi là lập lờ, theo đuôi giới trẻ thì đúng hơn. Họ ủng hộ cho chuyện đó, bảo tôi khắt khe, nhưng với con họ thì không. Thử hỏi nếu con họ đang đêm ra khỏi nhà, khóc lóc vật vã vì một ban nhạc đó thì họ có đồng ý không? Câu trả lời là không. Họ rất “open” với con người khác nhưng với con mình thì không?

Vấn đề ở đây, tôi muốn nói là nếu bảo tôi nhân danh Tổ quốc thì có người nhân danh ủng hộ giới trẻ một cách hết sức theo đuôi.

Thành ra, trong bài thơ tôi nói rõ, tôi không hề trách móc ai, tôi không hề mắng. Tôi nhắc rằng ở xã hội Việt Nam còn quá nhiều chuyện đau đầu. Xã hội của chúng ta không phải xã hội Tây. Đừng bảo Tây thế nào thì mình thế ấy. Họ được vì xã hội của nó khác, còn xã hội mình đang có vô vàn cái không ổn định.

Ở xã hội ta, việc khóc vì thần tượng rất là kỳ, nó vượt quá giới hạn.

Không ai liếm ghế Elton John

- Ngày trẻ, ông có thần tượng không? Nếu có thì đó là những ai vậy và ông đã làm gì để bày tỏ sự hâm mộ của mình?

- Tôi nhắc lại, tôi vẫn có thần tượng. Bây giờ tôi vẫn có thần tượng. Tôi vẫn mê cô Julia Roberts, tôi vẫn mê John Lennon và hàng năm, tôi vẫn viết bài kỷ niệm.

Tuổi này tôi vẫn có thể thích bất cứ một danh ca nào tầm cỡ Elton John nhưng tôi không bao giờ liếm ghế của ông ấy được. Tôi có thể ngưỡng mộ nhưng tôi không liếm ghế. Cái đó nó hoàn toàn khác nhau.

Tất nhiên, hành động liếm ghế, khóc lóc vì K-pop của một số thanh niên Việt vừa rồi không phải là đại diện cho thế hệ trẻ Việt nhưng khuynh hướng của nó đang lây lan.

- Thời ông trẻ cũng có những người lăn ra khóc lóc rên rỉ khi nhìn thấy John Lennon?

- Đúng, thời chúng tôi còn trẻ, năm 1965, thời Beatles đang nổi tiếng. Khi ban nhạc này đến Tokyo, New York, fan của họ khóc lăn khóc ngoài đường, chạy theo xe, nhưng chúng ta không thấy chối. Vì đó là quyền giải trí của họ. Tôi không thấy nó kỳ.

Nhưng tôi rất ghét, tôi không thể chấp nhận và Tây cũng không làm như thế. Tây cũng chưa bao giờ liếm cái ghế của Elton John, liếm giầy của Julia Roberts.

Vấn đề phải hiểu là cái nền văn hóa giúp chúng ta dừng lại ở sự tự trọng. Tôi ngưỡng mộ nhưng tôi phải có tự trọng. Tôi không thể nhân danh thần tượng mà thiếu cả tự trọng.

Ở giữa nơi công cộng có cô liếm cái ghế, hôn cái ghế, có những thanh niên khóc ngất lên vì một ca sĩ trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay thì nó vượt quá sự ngưỡng mộ và tự trọng tối thiểu. Tôi phản ứng là thái độ không biết tự trọng chứ tôi không cấm họ.

Nói dối và sống dối nhiều quá

- Không biết con ông có thần tượng K-pop không?

- Con tôi như mọi người trẻ khác, nó có nghe nhạc và nó được quyền chọn lựa thứ nhạc nó thích. Nó nghe nhạc Mỹ. Nó không thích K-pop và đó là quyền của nó. Tôi không bao giờ bắt nó phải nghe nhạc gì. Thậm chí, nó thích để tóc kiểu gì cứ để. Vì đó là quyền của thanh niên đã lớn.
Những "đấng nam nhi" Việt khóc nức nở khi nhìn thấy thần tượng T-ara.

Con tôi có thể nghe K-pop nhưng tôi biết thừa nó sẽ không bao giờ có hành động đó.

- Theo ông vì sao có khoảng cách đột biến giữa những người sinh năm 1990 trở lại đây với những thế hệ trước đó?

- Nhiều người lớn bây giờ làm giới trẻ không tin nữa. Người lớn sai nhiều quá. Người lớn nói dối và sống giả dối nhiều quá. Đó là vấn đề.

Thí dụ trong gia đình, tôi muốn dậy con tôi thì tôi phải sống đúng với mình. Nói rộng ra trong xã hội, lòng tin không còn.

Thứ hai nữa là vấn đề thời đại. Ngày xưa, cha mẹ muốn kiểm soát con cái dễ lắm. Nó đi học thì mở nhật ký của nó ra. Nhưng bây giờ muốn hiểu nó thì phải biết Internet, biết facebook, biết kỹ năng mà vào nó, còn không, nó chặn mộtcái là không vào được, không kiểm soát được nó nữa.

Chính bản thân thế hệ tôi, nhiều cha mẹ đã để mình tụt hậu. Tôi không nói kiểm soát nó nhưng phải hiểu nó. Thậm chí con tôi có facebook, tôi cũng không bao giờ vào hết, bởi đó là riêng tư. Tôi không kiểm soát chuyện riêng tư của con tôi, chuyện bạn bè của nó. Nhưng không phải ai cũng như thế cả. Thành ra bây giờ, cha mẹ cách xa con cái, con cái cách xa cha mẹ



Trước cảnh hàng trăm bạn trẻ đợi chờ cả đêm và khóc ngất đi khi thấy ban nhạc T-ara của Hàn Quốc. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết bài thơ "Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất". Trong bài thơ, ông nhắc lại thế hệ trẻ một thời sẵn sàng quên mình khi tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn, rồi sẵn sàng làm những việc vô cùng gian khổ như đạp xích lô, chạy xe ôm, khuôn vác sau khi trở về khi chẳng còn lành lặn từ chiến trường mà không hối tiếc. Nhưng “Nói thật/Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt/Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội”.

Tuy nhiên, “Chúng tôi không bao giờ rơi lệ/Những chuyện tào lao/Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy, gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc/đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu”.

Nhà thơ cũng gửi một lời nhắn nhủ vô cùng xót xa khi thấy nước mắt của các bạn trẻ rơi quá dễ dàng và không đúng chỗ: “Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ/Hãy cố mà để dành...".

Theo Đất Việt