- Sẽ lý thú nếu có thêm góc độ rõ hơn từ trong lòng các lễ hội trông ra, với cái nhìn của những người trong cuộc, đã, đang và sẽ luôn trong tâm thế trực chỉ về các địa chỉ tâm linh...

Nhiều độc giả đã phản hồi với VietNamNet về tình trạng bát nháo ở các lễ hội đầu năm nay tại nhiều địa chỉ tâm linh như chùa Hương, đền Trần, chùa Phúc Khánh... Chuyện không mới, đã diễn ra nhiều năm qua và hẳn sẽ còn tái hiện trong những mùa lễ hội sau nữa. Thực trạng này cũng đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý xã hội nhìn nhận, mổ xẻ nhiều lần trên các phương tiện truyền thông.

Sẽ lý thú nếu có thêm góc độ rõ hơn từ trong lòng các lễ hội trông ra, với cái nhìn của những người trong cuộc, đã, đang và sẽ luôn trong tâm thế trực chỉ về các địa chỉ tâm linh; góc nhìn của những người có bạn bè, đồng nghiệp, người thân... đang ngụp lặn đâu đó trong biển người mênh mông tại các loại lễ hội.

Dẫm đạp lên nhau và chìa tiền mua ấn ở đền Trần Nam Định

Có quan điểm đánh giá rằng dân chúng mê tín, thậm chí dân trí thấp; thì người dân nói lại rằng các vị đi xe biển số xanh cũng đầy ra  Trong khi nhà quản lý nói lễ hội đền Trần năm nay không đến nỗi bát nháo như năm trước; thì người dân khẳng định: loạn. Tất cả đều có cái lý riêng từ góc nhìn của mình.

Vì tín ngưỡng dân gian, vì cội rễ văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào nhiều thế hệ; vì đời sống vật chất khá hơn nên con người đâm ra sính lễ nghĩa; hay vì tình hình kinh tế khó khăn mà người ta cần một vài chỗ nương náu tinh thần; vì trục lợi, buôn thần bán thánh; vì tâm lý đám đông, thậm chí a dua...

Tranh nhau xỉa tiền để mua ấn đền Trần; bỏ tiền thật hàng triệu để vay tiền hàng mã đốt ra tro ở Bà chúa kho; tràn ra lòng đường để lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh? Biến đường lên chùa Hương thành một cái chợ?... Liệu có linh thiêng khi người sau vái vào mông người trước vì quá đông, cây hương vừa thắp cháy là có người rút ra nhúng ngay vào nước để bớt khói và tránh hỏa hoạn?  Văn hóa ở đâu khi bằng mọi cách ngoi lên, đạp đồng loại ngã dúi dụi xuống đất đến mức ngất xỉu để tiến về phía thánh thần?

Những cảnh tượng như trên đã quá phổ biến khiến nhiều người "cạch" không dám đến những chỗ lẽ ra phảng phất hương trầm và thấm đẫm phong vị, bản sắc, chứ không phải đầy mùi người và mùi tiền kia.

Hãy giữ lại những nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc
Đây là câu chuyện văn hóa tâm linh, phong tục tập quán, đồng thời cũng chính là một vấn đề quản lý xã hội trong đời sống hiện đại. Quý bạn đọc có sẵn lòng góp ý kiến về thực trạng mà mình đã nghe nói, chứng kiến hoặc từng là nạn nhân? Mời bạn đọc gửi ý kiến phản hồi đính kèm dưới bài viết này hoặc gửi thư về địa chỉ Banvanhoa@vietnamnet.vn.

Ban Văn hóa