- MC Quyền Linh cho rằng người tiêu dùng mua nhầm hàng hiệu dỏm vì quá sĩ diện nên thiếu tỉnh táo trước chiêu khuyến mãi, tung hô lẫn PR vô tội vạ.

"Tâm lý sĩ diện và sính ngoại"

Nghệ sĩ Quyền Linh – đại sứ chương trình Người Việt dùng hàng Việt: 

Dù bận rộn với nhiều show diễn cũng như tất bật trên trường quay cho gameshow Người bán hàng số 1, nam nghệ sĩ cho biết vẫn cập nhật thông tin về scandal của Milano VN. Anh nói: “Tôi cho rằng suy nghĩ hàng hiệu là tốt, là đắt tiền, là đẳng cấp, đó là suy nghĩ sai lầm, sĩ diện. Sau trò gạt khách tinh vi đình đám từ Milano VN, người tiêu dùng mới vỡ mộng. Mới nhận ra mình bị lừa gạt. Tất cả chỉ là đẳng cấp dỏm. Vì hàng ngoại cũng có cả trăm loại.  Nói hàng ngoại là hàng hiệu thì những sản phẩm do Lào sản xuất cũng là hàng hiệu. Sao cứ phải đổ xô theo các thương hiệu Gucci, chanel.. để dính quả lừa. Người tiêu dùng vì quá sĩ diện nên dẫn đến sai lầm do thiếu tỉnh táo trước chiêu khuyến mãi, tung hô lẫn PR vô tội vạ.

Một bộ phận giới trẻ quan tâm đến hàng hiệu chỉ để tạo đẳng cấp, khoe mẽ mà quên đi tính chất quan trọng hơn: đó là chất lượng sản phẩm ra sao, giá cả thế nào. Nhiều mặt hàng Trung Quốc bị tẩy chay, xài thua xa hàng VN. Tâm lý sính ngoại mà không biết phân biệt sản phẩm, chất lượng, đã tạo cơ hội cho con buôn trục lợi. Nhiều sản phẩm chỉ cần dán nhãn ngoại, đưa vào không gian đẹp lập tức bán được giá rất cao. Trong khi hàng Việt có chất lượng tốt, có địa chỉ sản xuất, được bảo hành hẳn hoi tại sao không dùng. Nhiều cô cậu ra đường toàn hàng hiệu nhưng trông rất lố bịch, vì ăn bận không phù hợp. Đẹp mà không đẹp. Tôi cho rằng, sau Milano VN, sẽ còn hàng loạt thương hiệu nữa bị phanh phui.

Sau ba năm làm đại sứ hàng Việt, trong mọi nỗ lực có thể, chúng tôi đang cố gắng giúp người dân hiểu hơn về sản phẩm chất lượng Việt, với nhiều tính năng nổi trội, giá cả phù hợp. Và hiện nay, cũng đã có rất nhiều thương hiệu Việt được khách hàng đón nhận. Cá nhân tôi cũng chỉ thích dùng hàng Việt Nam. Từ trang phục biểu diễn đến quần áo thường ngày. Trang phục giúp mình năng động, thoái mái đó là tiêu chí hàng đầu của tôi. Hy vọng hàng Việt ngày càng được người Việt quan tâm và sử dụng nhiều hơn.

Giá trị sáng tạo được nâng tầm hơn

Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo

Hàng hiệu nhái là vấn đề nan giải lan tỏa trên toàn thế giới, ngay cả ở các trung tâm thời trang Paris, London, Milan…Đối với vài nước Châu Á đang phát triển, thì việc ồ ạt hàng nhái hiệu phát triển song song với hàng hiệu thật đang rất thuận lợi cho người buôn. Khi ai đó muốn làm giàu, thu lợi bất chính nhanh nhất thì họ sẽ đủ tinh vi để lừa người tiêu dùng. Không chỉ lừa được đối tượng “mới giàu” hay đối tượng “người tặng thì không sử dụng mà người sử dụng thì không bao giờ mua”, mà một số thành phần yêu nhãn hiệu ngoại thật sự cũng bị lừa ít nhất một lần vì bị “mê hoặc” bởi giá cả rẻ hơn, người bán giỏi, bởi trung tâm xa xỉ, bởi chủ nhân “hoành tráng”.

Lần này là sự tin tưởng vào một trung tâm mở ra và tồn tại từ thời sơ khai của hàng hiệu tại đường Đồng Khởi. Milano VN, có bán hàng thật nhưng tỉ lệ bao nhiêu thì không biết và theo thời gian, nhận thấy các vụ tráo hàng quá dễ và khách hàng tin tưởng tuyệt đối…đem đến siêu lợi nhuận, nên người ta được nước lấn sâu. Thị trường hàng hiệu VN đang phát triển mạnh mẽ, phục vụ thành công các tín đồ mê hàng hiệu, họ sẽ tìm được đúng nơi để mua. Tuy nhiên, niềm tin đã bị giảm sút nhiều. Với những ai thật sự yêu hàng hiệu và có nhu cầu sử dụng, họ sẽ lựa chọn mua ở Châu Âu, tại các cửa hàng chính hãng, giá thấp hơn tại VN và mẫu mã đa dạng hơn, và đương nhiên tự tin tuyệt đối.

Tất nhiên, nếu phải mua trong nước vì có nhu cầu ngay, phải lựa chọn nhà phân phối uy tín. Tôi cũng yêu thích một số nhãn hiệu vì sản phẩm thật sự chất lượng, sử dụng vài năm vẫn  bền, không phai màu, mẫu mã đẹp. nhãn hiệu thu hút tôi vì các chiến dịch quảng cáo thân thiện và thiết thực, phù hợp phom người, đó cũng là tiêu chí tôi nhận ra mình cần học hỏi cho dòng sản phẩm Tsafari mà tôi đang xây dựng. Tôi trân trọng những sản phẩm của vài nhãn hiệu quốc tế Châu Âu vì họ thiết kế đầy sáng tạo, sản xuất thủ công, họ bảo vệ từ người thợ lành nghề, chọn lựa và kiểm tra từ phòng thí nghiệm các nguyên vật liệu sản xuất không gây hại cho sức khỏe người trực tiếp và gián tiếp, đo lường và đảm bảo các quy định tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, kèm theo chiến dịch thân thiện môi trường, cộng đồng…

Về góc độ là nhà thiết kế, tôi càng tin rằng, người tiêu dùng VN ngày càng có kinh nghiệm trong việc lựa chọn nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu tin cậy và phù hợp với họ. Thị trường sẽ càng ngày càng ổn định hơn khi loại bỏ dần được hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng rẻ Trung Quốc…và tất nhiên sản phẩm chất lượng trong nước sẽ có chổ đứng nhiều hơn. Ngay cả chúng tôi, cũng không ngừng học hỏi,  nâng cao công nghệ để tạo ra nhiều mẫu mã đẹp hơn phục vụ khách hàng. Góp phần tạo thói quen, cơ hội phát triển nhãn hiệu nội địa rộng. Khi sản phẩm nội địa thu hút, có "đất sống" thì giá trị sáng tạo sẽ được nâng tầm hơn.

Cần có văn hóa tẩy chay

:


Phạm Hoàng ( du học sinh Úc, đang sống và làm việc tại TPHCM) - người tiêu dùng

Đối với tôi, không có từ đồ hiệu mà chỉ có từ thương hiệu. Và tuỳ vào thương hiệu đó nổi tiếng ở mức độ nào mà món đồ mang thương hiệu đó có giá rẻ, trung bình hay đắt. Vì đã có nhiều năm sống ở Úc, nên tôi cũng biết đến nhiều thương hiệu nổi tiếng. Thông thường, họ cũng rất biết giữ hình ảnh, uy tín cho sản phẩm mình sản xuất. Chứ không đánh tráo, hô biến chất lượng như những đại diện VN vừa bị bóc mẽ mấy ngày qua. Vì vậy, khi niềm tin bị mất đi, người tiêu dùng cần có văn hoá tẩy chay mạnh mẽ để cùng nhau đẩy lùi nạn kinh doanh bẩn. Kinh doanh mà không được khách hàng ủng hộ thì phải đóng cửa thôi. Kể cả việc biểu tình nơi bán hàng, trả sản phẩm hay lôi nhau ra toà đôi khi cũng cần phải làm, để làm chùn chân người kinh doanh dối trá. Làm giàu bằng cách chà đạp lên niềm tin của người tiêu dùng. Hiện tại, người VN mình vẫn rất hiền, vốn dĩ hoà vi quí nên hàng nhái mới dễ dàng thao túng.

Những người bạn đa quốc gia của tôi cũng vậy. Họ thường mua sắm, chọn sản phẩm theo gu thẩm mỹ và sở thích của mỗi người cùng khả năng kinh tế mà sẽ có đánh giá khác nhau về các thương hiệu khác nhau. Nhưng đối với tôi, tôi không quan trọng khi chọn mua một sản phẩm, dù là thương hiệu nổi tiếng hay trung bình, thậm chí không tên tuổi  bởi vì tất cả cũng đều phục vụ cho nhu cầu ăn mặc cá nhân, vì vậy nên tuỳ khả năng kinh tế. Nhưng khi bạn mua một món đồ mà bạn phải để dành tiền cả tháng trời mới kiếm được hay nhịn ăn nhịn uống để mua rồi diện ra đường tự và tự phân đẳng cấp rằng mình "dữ", mình hơn người khác, mình "sang chảnh" vì mình xài đồ mắc tiền thì tôi thấy rất lố bịch. Hãy để những món đồ dù đắt hay rẻ phục vụ chúng ta, đừng chạy theo nó!

Bức xúc và mất lòng tin vào hàng hiệu

Người mẫu Thu Anh

Khi sử dụng hàng hiệu, tuy mình có cảm thấy thoải mái và tự tin hơn, nhưng không có nghĩa là hàng phải của thương hiệu nổi tiếng bằng được. Quan trọng là sản phẩm sắc sảo, đường kim mũi chỉ tỉ mỉ, tinh tế. Thực tế thì một vài nhãn hiệu trong nước cũng bắt đầu đáp ứng tốt tiêu chí này, trong hành trình khẳng định thương hiệu. Mình thấy đó là tín hiệu tốt. Thu Anh vẫn dùng trong công việc mỗi ngày, hay di du lịch cùng gia đình. Thế nên, theo Thu Anh thì không nhất thiết cái gì mình cũng xài hàng cao cap quá. Quan trọng là phù hợp, chất lượng bền và giá cả ổn định.

Chính vì thế câu chuyện Milano VN bị bóc mẽ giá cả, chất lượng khiến rất nhiều bạn bè Thu Anh bức xúc và mất lòng tin nghiêm trọng. Thật sự khi biết tin về vụ Milano VN mình rất thất vọng vào cái gọi là hạng hiệu chính hãng. Kinh doanh ăn xổi ở thì sớm muộn gì cũng bị phanh phui thôi. Để có cả một khoản tiền để mua áo quần hay túi xách, kể cả nghệ sĩ cũng phải lao động nghiêm túc mới tự sắm được cho mình vài món yêu thích. Số tiền bỏ ra cao ngất ngưỡng chỉ để mua hàng kém chất, hàng nhái khiến không ít ngươi tức giận. Milano VN va phải sự phản ứng quyết liệt từ dư luận cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả mình và bạn bè, vài lần đến đây xem hàng mới lẫn mua sắm, cũng bắt đầu nói không với Milano.

Để phân biệt hàng nhái hay thật trong cuộc sống công nghệ như hiện nay đúng là rất khó. Chủ yếu bằng cảm nhận cá nhận khi rờ vô sản phẩm, nhìn kĩ đường may, mũi kim hoặc những logo. Ngay cả chính mình, nhiều lúc mua phải hàng nhái quá tinh xảo cũng không biết. Phải mất một thời gian ngắn sau đó, sản phẩm bong tróc, bị hở mép thì đã quá thời hạn được đổi trả. Kiểu kinh doanh như thế càng làm sút giảm uy tín chính hãng. Người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi quyết định mua hàng, để hạn chế rủi ro cho mình.

Đinh Quý Anh (thực hiện)