- Một năm có nhiều áp lực thương mại, nhưng không vì thế mà các sân khấu kịch Sài Gòn thiếu đi những vở diễn khẳng định uy tín nghệ thuật của họ.
Tục lụy
Vở “Tục lụy”
Vở kịch cho thấy một cách dựng bi kịch tinh tuyền và “tới bến”, như cách nói của miền đồng bằng sông Cửu Long mà vở kịch chọn làm hậu cảnh, vẫn có thể hấp dẫn đến thế nào. Có thể nói đây là một trong số ít vở bi kịch mà những người thực hiện hoàn toàn tự do trước áp lực phải cài vào những chiêu trò câu khách. Kịch bản của tác giả Ngọc Linh, từng được dựng năm 2003 với tên “Cơn mê cuối cùng”, là một bi kịch gia đình vừa riêng tư lại vừa phổ quát, xoay quanh tình huống đạo đức xảy ra trong gia đình ông Hai, người được kính trọng nhất xóm cù lao vì lòng tốt và sự hào hiệp. Mận, người con gái nuôi của hai ông bà, đang có một tình yêu đầy triển vọng với người con trai đang đi lính xa nhà, đã bất ngờ có thai.
Đạo diễn Ái Như một lần nữa cho thấy biệt tài của chị trong việc khai thác những xúc cảm tinh tế và khó nắm bắt, dù có khi đó chỉ là những chuyện tầm phào thường ngày. Khả năng này mang lại cho vở kịch sự hấp dẫn, gần gũi, đi vào lòng người một cách tự nhiên mà không cần phải lên gân hô hào những thái độ phán xét đạo đức. Bởi cuối cùng, đó vẫn là câu chuyện mà tinh thần nhân hậu toát lên ở cách mà con người luôn để mở khả năng yêu thương, sửa chữa và tha thứ dù lỗi lầm có gây đau đớn đến thế nào.
Làm…
Vở “Làm…”
Nổi tiếng với thương hiệu kịch Bắc, sân khấu kịch Phú Nhuận trong năm qua tiếp tục dựng vở “Làm...”, chuyển thể từ tác phẩm “Làm đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, là một trong những vở diễn gây được nhiều ấn tượng đối với công chúng trong năm qua. Ở “Làm...”, đạo diễn NSND Hồng Vân đã chuyển tải được tinh thần của xã hội thực dân nửa phong kiến ở miền Bắc, thời kỳ còn thiếu vắng sự bình đẳng giới tính. Khi mà người đàn ông được phép ngoại tình thoải mái không gặp trở ngại gì thì người phụ nữ, với bất cứ lí do gì cũng phải “chính chuyên”, nếu không, cuộc đời cô ta sẽ rơi vào một bi kịch không lối thoát.
Ngoài một câu chuyện éo le gây xúc động, “Làm...” còn chinh phục khán giả nhờ dàn diễn viên thực sự tài năng. Đó là Trịnh Kim Chi trong vai đào Xuân đầy sắc sảo mà cũng lắm chua chát, Thanh Vân trong vai Mộng Huyền, từ một tiểu thư ngây thơ, trong sáng, lá ngọc cành vàng mà bị đời xô đẩy đến bước trở thành gái giang hồ, cùng các nghệ sĩ Minh Hoàng, Lan Phương, Thanh Duy, Duy Anh.... Trong khi làng kịch Sài Gòn đang sa đà vào các thể loại kịch hài, kịch kinh dị dễ câu khách thì việc ra mắt một vở kịch từ nền tảng văn học, được dàn dựng công phu, chỉn chu là một nỗ lực đáng ghi nhận của sân khấu kịch Phú Nhuận trong việc góp một tiếng nói nghệ thuật vào đời sống văn nghệ thành phố.
Đôi bờ
Vở “Đôi bờ”
Không phải là vở diễn mới nhưng “Đôi bờ”, khi được dựng lại trên sân khấu 5B vẫn đủ sức lấy suy tư và nước mắt từ phía khán giả. Câu chuyện về người phụ nữ tên Nguyệt, trăn trở giữa một bên là cuộc sống đầy đủ nơi xứ người, một bên là đứa con chị bỏ lại quê hương từ khi còn bế ngửa. Cái giá phải trả không hề nhỏ khi cô bé Hằng lớn lên không hề biết đến sự thật về người mẹ ruột của mình. Ngày về nước tự tin với mọi điều kiện sống tốt đẹp, Nguyệt đã tính đòi lại con từ Hà, người nuôi nấng Hằng lâu nay, nhưng cô không ngờ vấp phải sự cự tuyệt từ mọi phía. Ra đi hay ở lại, làm gì để chinh phục lại lòng tin đã mất, vở diễn đặt ra những vấn đề về lịch sử xã hội cũng như các giá trị cuộc sống nên luôn mang hơi thở thời đại. Chính vì thế mà “Đôi bờ” đã giành nhiều giải thưởng tại hội diễn sân khấu kịch toàn quốc 2012, trong đó có huy chương vàng cá nhân dành cho nghệ sĩ Tuyết Thu (vai Hà).
Hoàng tử bé
Vở “Hoàng tử bé”.
Một luồng gió mới mát mẻ và trong lành đã thổi vào đời sống sân khấu kịch TP.HCM trong năm 2012, đó là vở diễn Hoàng tử bé, do nhóm Dragonfly dàn dựng bằng tiếng Anh, vừa ra mắt khán giả hồi tháng 11 vừa qua. Nói Hoàng tử bé là làn gió mới bởi những gì vở diễn mang đến chính là chất thông minh, tinh tế, đầy sáng tạo mà các sân khấu chuyên nghiệp trong nước lâu nay vẫn thiếu. Không cần đầu tư quá hoành tráng, nhưng điều mà nhóm Dragonfly làm được là truyền tải được tinh thần tác phẩm thông qua cách biểu đạt gần gũi và đơn giản nhất. Nhìn thì vậy, nhưng để làm được điều đó, chắc hẳn bên cạnh niềm đam mê, các nghệ sĩ (đạo diễn Jaime Zuniga, biên kịch Aaron Toronto) phải là những người có tài năng thực sự và tư duy sân khấu mới lạ. Điều đáng tiếc duy nhất chỉ là kịch được dàn dựng phục vụ cho cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam nên chưa có phiên bản tiếng Việt. Vì thế, sức lan tỏa của “Hoàng tử bé” đến với công chúng kịch nói vẫn còn khá khiêm tốn
Vua thánh triều Lê
“Vua thánh triều Lê”
Hơn 600 triệu cho một vở kịch lịch sử cố gắng nối dài thành công của một vinh quang trong quá khứ. Đó là cách mà sân khấu Idecaf đã làm trong năm vừa qua để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 15 của họ. “Vua thánh triều Lê” là câu chuyện xảy ra vào thời điểm 20 năm sau vụ án oan khốc dẫn tới cái chết của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và ba đời gia tộc. Nếu chân dung Nguyễn Trãi trong thời khắc sinh tử đã được các nghệ sĩ ở Idecaf khắc họa thành công trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”; thì lần này, họ quyết định làm cuộc khảo sát chân dung vua Lê Thánh Tông trong “Vua thánh triều Lê”.
Kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh xoáy vào một tình thế đầy thách thức dành cho vua Lê Thánh Tông, khi ông vừa mới lên ngôi, quyền thần lộng hành và người dân khốn khó. Ông ray rứt và muốn làm sáng tỏ sự thật án oan dành cho người công thần mà mẹ con ông từng chịu ơn, nhưng đồng thời bối rối trước tình thế thái hậu Nguyễn Thị Anh – nghi phạm chính của vụ án – lại chính là người đã rước ông về cung. Vở diễn một lần nữa khẳng định vị thế lớn của Idecaf ở mảng kịch lịch sử, mà các sân khấu khác rất khó vượt qua, nhờ bởi có nhiều tài năng: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, đạo diễn Vũ Minh, Hoàng Trinh, Hồng Ánh…
Minh Chánh – Kim Vân