- "Nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, món ăn tinh thần vô bổ chẳng mấy chốc biến thành độc hại với những chiêu gây sốc nhảm nhí bệnh hoạn".

Sáng 14/12, Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Âm nhạc với tuổi trẻ -Thực tế và phương hướng", nhiều nhạc sĩ như Phạm Tuyên, An Thuyên, Hoàng Vân, Doãn Nho, Cát Vận, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, các nghệ sĩ hiện công tác tại các đoàn nghệ thuật, các hội âm nhạc, hội nhiếp ảnh, hội nghệ sĩ múa, học sinh học viện âm nhạc có uy tín trong nước đã đến dự...

"Lỗ hổng" của nhạc trẻ

Dù tuổi đời không còn trẻ nhưng nhạc sĩ Doãn Nho vẫn quan tâm đến các chương trình mà đối tượng tham gia là các bạn trẻ. "Trong số các chương trình ca nhạc có mặt hàng tuần trên màn ảnh nhỏ, có lẽ hoành tráng nhất, thời thượng nhất là chương trình Giọng hát Việt. Chỉ tiếc nó chưa đi dúng hướng khiến khán thính giả nghĩ rằng đây là chương trình sùng ngoại.

 Đáng lý phải theo hướng Việt hóa những tinh hoa của nền văn hóa âm nhạc nước ngoài thì ngược lại, chúng ta phải "hóa thân" theo thẩm mỹ của nước ngoài! Chúng ta hiện đã có một kho tàng đồ sộ những bài hát hay thuộc hầu hết các dòng trong nhạc nhẹ - nhạc trẻ, vậy tại sao không sử dụng? Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhưng sao chẳng thấy hồn Việt đâu" - nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ.

Mặc dù đang là sinh viên của Học viện âm nhạc quốc gia nhưng Lê Cẩm Nhung cũng có bài tham luận gây sự chú ý. Cô cho rằng có một bộ phận nhạc sĩ trẻ truyền đạt tới người nghe những suy nghĩ nông cạn, tư tưởng bồng bột (qua những ca từ dễ dãi, tẻ nhạt...) và điều đáng ngại nhất là một bộ phận giới trẻ lại thích thú.

"Chúng ta có thể thấy tốc độ phát tán các ca khúc rất nhanh qua những trang mạng hay liveshow ca nhạc. Mặc dù các trang mạng, hay chương trình biểu diễn ca nhạc luôn có người quản lý, giám đốc sản xuất giám sát nhưng vì lợi nhuận họ sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để thu hút khán giả" - Lê Cẩm Nhung đưa ra quan điểm từ góc nhìn của một người trẻ.

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến trong bản tham luận của mình lại thẳng thắn đề cập tới việc một số ca sĩ trẻ thiếu hiểu biết, vì mưu sinh, một phần cũng lại do nể bạn bè, không đủ bản lĩnh, không đủ độ chín nên tặc lưỡi cho qua, ghi âm một vài bài, có một khoản thù lao. Mặt khác nếu khi đưa lên mạng được nhiều người truy cập thì họ cũng có phần thơm lây.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng bởi không có sự đầu tư uốn nắn của các tổ chức quản lý âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, món ăn tinh thần vô bổ chẳng mấy chốc biến thành độc hại với những chiêu gây sốc nhảm nhí bệnh hoạn.

Làm gì để hạn chế những "hạt sạn"?

Nhạc sĩ của "Chiếc khăn Piêu" bày tỏ rằng, âm nhạc nói chung, âm nhạc trẻ nói riêng cần được sự quan tâm đúng mực của truyền thông, báo đài. "Nhiều sáng tác mới ở ngay Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó không ít những bài có chất lượng nhưng hình như đó chỉ là những sản phẩm xa lạ, nằm ngoài nhu cầu của Đài Hà Nội" - nhạc sĩ Doãn Nho.


 

Theo nhà phê bình Minh Châu, tài năng cần được khích lệ bởi công chúng. Vậy mà lâu nay công chúng trẻ muốn nghe nhạc giao hưởng thính phòng vẫn không đủ tiền hoặc cơ hội mua vé, muốn tìm hiểu nhạc cổ truyền đích thực chứ không phải đồ giả cổ vẫn chả biết nghe ở đâu.

"Nhà quản lí văn hóa nghệ thuật có tâm có tầm hẳn nhìn ra ý nghĩa to lớn của internet mà đặt lòng tin vào tuổi trẻ. Điều cần làm là giúp lớp trẻ "bộ lọc" tốt thay vì triệt để kiểm soát bằng cách chặn đứng các xa lộ thông tin, đóng cánh cửa tiếp cận thế giới bên ngoài"- nhà phê bình Minh Châu nêu quan điểm.

Sinh viên Lê Cẩm Nhung cho rằng để hạn chế những "hạn sạn" nhạc trẻ thì các cơ quan quản lý văn hóa cần có sự thẩm định kỹ càng đối với sản phẩm âm nhac trước khi phát hành, hạn chế các bài báo lăng xê một cách quá mức các ca khúc với những ca từ kém thẩm mỹ...

Là nhà báo viết mảng âm nhạc, chị Lệ Chiến bày tỏ niềm hi vọng: "Mọi thứ đều tiến về phía trước, đi tìm cái mới. Tuy nhiên trên con đường đi ấy, nếu gặp sóng to sẽ đẩy thuyền lên đỉnh con sóng gió và nếu người lái thuyền bình tĩnh xử lý thì con thuyền ấy chỉ chao nghiêng chứ không thể bị chìm nghỉm".

Phải thẳng thắn thừa nhận ngoài việc đọc các tham luận, Hội thảo "Âm nhạc với tuổi trẻ -Thực tế và phương hướng" vẫn mang tính "hình thức" để giới chuyên môn gặp mặt nhau là chính, bởi trong một buổi sáng những vấn đề chỉ mang tính chất nêu sự việc và chưa có nhiều phương hướng giải quyết.

Anh Phương