Màn ảnh có những câu chuyện bí ẩn khiến chúng ta phải vương vấn suy tư, nhưng cũng có những bí ẩn chỉ khiến ta bực bội, muốn quên phắt đi.



Thật đáng tiếc, trong nỗ lực giăng làn sương mù phủ lên câu chuyện hình sự giật gân để làm ra sự bí ẩn, bộ phim mới của đạo diễn Ngô Quang Hải “Mùa hè lạnh” (ra rạp từ ngày 21/12) lại vấp phải hàng loạt những sai lầm, vụng về, để cuối cùng chỉ đốt lên được…đám khói của một bí ẩn giả hiệu, ám lấy người xem trong gần hai giờ đồng hồ.

“Mùa hè lạnh” là cố gắng của đạo diễn Ngô Quang Hải với thể loại phim giật gân kỳ bí

Câu chuyện đầu tiên được khởi đi khá đơn giản. Trong căn phòng tồi tàn ở khu phố cổ nghèo nàn của Hà Nội, chàng trai trẻ tên Kiên (người mẫu Hà Việt Dũng) quỳ khóc bên giường người cha đang hấp hối để nghe di nguyện muốn anh đi tìm lại người mẹ, mà ông đã phụ bạc năm xưa. Căn phòng dột nước làm ướt nhem mặt người cha. Không nghề nghiệp, không gia sản, Kiên quyết định bán luôn chiếc xe máy đang cầm cố để kiếm tiền vào Sài Gòn tìm mẹ. Trên đường đi, anh phải ngồi trong một toa tàu chở thứ hóa chất phủ lớp bụi trắng xóa lên người anh. Lối diễn đạt đa cảm dù thiếu tự nhiên nhưng có lẽ cũng giúp hành trình tìm mẹ của Kiên tìm được chút thương cảm dễ dãi.

Tuy nhiên, diễn xuất non nớt của Hà Việt Dũng, một diễn viên tay ngang, đã khiến nhân vật này mất sự kết nối, liên hệ gần gũi với khán giả ngay từ những phút đầu. Lỗi không hoàn toàn thuộc về Dũng khi mà kịch bản giao cho anh một nhân vật rất khó định dạng về cá tính, quan niệm, giá trị và ham muốn.

Mọi lựa chọn, quyết định của Kiên bị lèo lái theo tất cả những gì mà câu chuyện cần phải có để “câu” được khách. Thoắt phút trước anh còn nhẫn nại đi tìm mẹ, thì phút sau đã lao điên cuồng vào cơn thỏa mãn xác thịt cùng Hoa (Lý Nhã Kỳ), cô vợ trẻ đẹp có cách nói khá giả tạo của ông chủ khách sạn mà anh ở trọ. Hoa cũng “ngây thơ” không kém khi chính cô chọn lấy ông già 80 tuổi và cũng chính cô than khóc xin rủ lòng thương ở Kiên vì ông chồng không “làm” được gì nên chỉ biết cào cấu vào da thịt cô.

 Hà Việt Dũng trong vai Kiên

Với tất cả chân thành đầy…vô tội, mới cảnh trước Kiên còn rủ Hoa bỏ trốn cùng anh đi xây dựng cuộc sống mới. Thì cũng Kiên ở cảnh sau đã thề thốt tình yêu và ước muốn tương lai cùng cô sinh viên trường Y tên Nhâm (Midu). Thật khó để nói bộ phim đang khảo sát chủ đề về tính phi lý trong hành động của con người, khi mà câu chuyện, với tất cả sự ngây ngô về tâm lý, cộng gộp chúng như một chuỗi hợp lý chỉ để đưa đẩy câu chuyện gây chú ý.

Điều đáng nói hơn là ngay từ lúc bắt đầu, bộ phim còn cố gắng khơi gợi tò mò nơi người xem bằng cách kể phi tuyến tính. Tuyến truyện “đi tìm mẹ” của Kiên được trộn lẫn với tuyến truyện Kiên trở thành một trong bốn nghi can gây ra cái chết của Lão Quảng (NSƯT Hồ Kiểng), ông chủ khách sạn.

Tuyến thứ hai xảy ra sau nhưng được kể đồng thời với tuyến truyện thứ nhất. Khi hành trình tìm mẹ của Kiên trở nên quanh quẩn và không tới đâu (rồi không trở lại từ đó) thì tuyến vụ án trở thành toàn bộ, được đẩy lên cao trào nhằm cứu vãn sự chú ý.

Lý Nhã Kỳ trong vai Hoa

Tuyến này có cấu trúc gồm các cuộc hỏi cung mà các chi tiết va đập qua lại từ nhiều phía liên quan, để từ đó bức tranh hiện thực được ghép lại hoàn chỉnh. Nhưng thực tế màn ảnh cho thấy thủ pháp này chỉ là một thứ màu mè hình thức, nhằm làm rối trí khán giả và tạo vẻ thông minh cho cách kể chuyện. Trong cơn say mê này, những người làm phim còn quăng vào bộ phim rất nhiều tình tiết có tính chất…đánh lạc hướng, mà khi kết thúc, người xem mới phát hiện hóa ra chúng chẳng có liên quan gì tới câu chuyện đã xảy ra!

Có thể nói, bộ phim đã quăng ra tất cả những chiêu trò làm phim giật gân huyền bí mà những người làm phim học tập được từ những ông thầy ở Hollywood. Thất bại của “Mùa hè lạnh” có lẽ nằm ở sự tham lam hình thức kể chuyện, nhưng điều ngạc nhiên là dù với phương cách nào, chúng cũng không thể khỏa lấp được một nội dung thiếu thuyết phục như vậy.

Minh Chánh

Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ minhchanh.dang@vietnamnet.vn