- Bộ phim nhạc kịch lấy nước mắt người xem “Những người khốn khổ” cho thấy sáng tạo kỳ diệu mà điện ảnh có thể làm, ngay cả trên những gì kinh điển.

“Những người khốn khổ”, bộ phim nhạc kịch dài 160 phút mà bạn đang thấy trên khắp các rạp chiếu VN hôm nay, được xây trên nền móng của hai kinh điển. Một là tác phẩm văn học xuất bản năm 1862 của nhà văn Victor Hugo. Và một là tác phẩm nhạc kịch do hai tác giả Schönberg – Boublil chuyển soạn nhạc và lời dựa theo cuốn sách nói trên, được các sân khấu khắp từ châu Âu đến Bắc Mỹ dàn dựng thành nhiều phiên bản khác nhau từ năm 1980 đến nay.

Phim nhạc kịch “Những người khốn khổ” có mặt tại rạp chiếu VN từ ngày 11/1.
 
Về cơ bản, đạo diễn Tom Hooper chuyển tác phẩm nhạc kịch sân khấu nói trên sang phiên bản điện ảnh, đưa bộ phim trở thành phiên bản khác lạ nhất trong số “Những người khốn khổ” mà bạn đã từng biết trên màn ảnh trước đây. Tuy nhiên, sẽ chẳng ai tin là vị đạo diễn từng đoạt giải Oscar với phim “The King’s Speech” lại chấp nhận công việc thuần túy của một thợ phu đi tìm ngôn ngữ hình ảnh để trang trí lại tác phẩm sân khấu thành một bộ phim.

Những gì diễn ra cho thấy bộ phim tôn trọng tác phẩm nhạc kịch, toàn bộ là ca khúc, chỉ sử dụng hơn chục câu thoại ngắn. Nhưng bằng cách tìm thêm các chi tiết trong tác phẩm văn học gốc, bộ phim tỏ ra tinh tế khi biết cách tận dụng thế mạnh ngôn ngữ điện ảnh để khai thác thêm những gì mà sân khấu không làm được.

Ví dụ rõ nhất là bộ phim đã chộp bắt được một trong những khoảnh khắc chuyển biến tâm lý quan trọng của nhân vật chính Jean Valjean (Hugh Jackman). Sau nhiều dâu bể khiến Jean Valjean thù ghét cuộc đời nhưng vẫn cố gắng giữ lấy bài học yêu thương con người, ông nhận ra mình đang ở trong hoàn cảnh bao bọc, chở che một sinh linh bơ vơ nhỏ bé.

Hugh Jackman vai Jean Valjean và Isabelle Allen vai Cosette (hồi nhỏ) trong phim “Những người khốn khổ” 2012

Mối quan hệ với bé Cosette, con gái của cô công nhân bị đẩy tới hoàn cảnh khốn cùng và chết vì kiệt sức Fantine (Anne Hathaway), khiến ông nhận ra thứ tình cảm mới mẻ của người lần đầu làm cha. Hugh Jackman đã diễn đạt khoảnh khắc đầy xúc động này qua ca khúc mới “Suddenly” mà Schönberg – Boublil viết riêng cho bộ phim.

Và dĩ nhiên, không thể không nói tới cách làm táo bạo chưa từng có của bộ phim, đó là yêu cầu các diễn viên phải vừa diễn xuất vừa hát thật trên trường quay với một chiếc nút bịt tai nhỏ có truyền tiếng piano đệm cho bài hát. Phần âm nhạc hậu kỳ thuần túy là công việc của một dàn nhạc khoảng 70 người. Cách làm này có thể nói đã giải phóng dàn diễn viên khỏi áp lực vừa diễn vừa hát nhép như những bộ phim nhạc kịch trước đây.

Nhưng đồng thời cũng tạo ra một áp lực mới, buộc họ phải đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu: vừa phải diễn xuất bằng ngôn ngữ cơ thể của mình, vừa phải thể hiện được ngôn ngữ không lời qua cách hát lên những ca từ. Dàn diễn viên gồm nhiều ngôi sao hạng A của Hollywood quả thật đã mang lại ngạc nhiên lớn dành cho khán giả.

Giọng hát chắc chắn không thể sánh bằng các diễn viên nhạc kịch. Nhưng những Hugh Jackman, Anne Hathaway, Amanda Seyfried hay ngay cả anh chàng “võ biền” Crussell Crowe…đều chứng tỏ được khả năng hóa thân vào nhân vật một cách thuyết phục và sống động của họ.

Hơn nữa, hiệu ứng mà họ tạo được cũng có phần nhờ bậc thầy Tom Hooper đã tìm được ngôn ngữ hình ảnh có tính biểu tượng rất cao trong từng lớp cảnh như màn giới thiệu kỹ hơn nhân vật Jean Valjean trong một tu viện trên đỉnh núi cao, cảnh viên thanh tra thượng tôn luật pháp Javert thả mình rơi xuống những dòng nước chảy xiết theo những tầng nấc..Âm nhạc như vậy không còn ở trong môi trường thẩm mỹ gần như độc tôn trên sân khấu nhạc kịch.

Bộ phim được làm với kinh phí 61 triệu USD, nhưng hiện đã thu về 170 triệu USD trên toàn thế giới sau 2 tuần ra mắt

Để ý kỹ hơn, người ta còn thấy một điểm rất khác nữa ở phiên bản phim nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Đó là cách nó xây dựng thành công hình ảnh “nhân vật” nhân dân, mà cụ thể ở đây là các tầng lớp bình dân của xã hội Pháp thế kỷ 19, trong cuộc vùng lên đấu tranh phá bỏ áp bức để “nhìn thấy bên kia hàng rào một thế giới trông đợi đã lâu”.

Nếu ở nửa đầu phim, những bài đồng ca của nhân dân mang đầy nỗi oán than, giận dữ của hoàn cảnh khốn khổ, lầm than và mê muội. Thì ở đoạn sau, những bài đồng ca ấy đã chuyển dần từ khúc bi tráng của máu, sang khúc khải hoàn của ngày tất cả đồng lòng đoàn kết đứng lên. Số phận của từng nhân vật do vậy cũng trở thành những điểm sáng – tối khác nhau và nổi bật trên nền bức tranh toàn cảnh ấy.

Vì những lẽ nói trên, có thể tin rằng “Những người khốn khổ” sẽ là cái tên nổi bật ở kỳ trao giải Oscar tới đây. Nhất là trong bối cảnh những mùa gần đây, giải thưởng này không tìm đâu ra được những bộ phim chia sẻ được những giá trị phổ quát nhất để nó được đón nhận trên toàn cầu như trường hợp “Triệu phú khu ổ chuột”, “Chúa tể những chiếc nhẫn”…

Minh Chánh