Theo nhạc sĩ Đức Trí, “bề không nổi” của thị trường âm nhạc trực tuyến - nội
dung trên các kênh nhạc số - đã liên tục tăng vọt và lấn át hoàn toàn kênh phát
hành truyền thống.
Nhạc số - Đa phần mới chỉ thấy bề nổi
- Anh có nhận định gì về thị trường âm nhạc trực tuyến năm vừa qua? Liệu có một
gương mặt nào đó gây ấn tượng cho anh về sự đột phá trong năm?
Có thể nói rằng trong năm qua, đa phần mọi người nhìn thấy "bề nổi" của thị
trường âm nhạc trực tuyến là những xoay chuyển về việc bản quyền nhiều hơn.
Trong khi thực chất "bề không nổi" là nội dung phát triển trên các kênh nhạc số
tiếp tục tăng vọt và lấn át hoàn toàn kênh phát hành truyền thống thì có vẻ
không được quan tâm lắm. Còn về gương mặt nào có sự bứt phá, trong đầu tôi vẫn
chưa có một cái tên.
Nhạc sĩ Đức Trí - thành viên hội đồng Nghệ
thuật giải thưởng âm nhạc trực tuyến Zing Music Awards 2012 (ZMA) |
- Anh có thể nói rõ hơn về việc nhạc số đang lấn át kênh phát hành truyền thống?
Những năm gần đây, thói quen nghe nhạc của công chúng đã thay đổi. Nếu như trước đây họ phải đi mua CD nhạc để thưởng thức thì hiện nay họ thường ưu tiên việc nghe nhạc trực tuyến hơn.
Từ đó cũng đã làm thay đổi các cơ chế nghiên cứu, sản xuất, phát hành và sáng tạo nội dung trong âm nhạc để phục vụ cho đối tượng nghe nhạc trực tuyến.
Nếu như trước đây chúng tôi thường căn cứ trên số lượng đĩa bán ra và độ “hút” vé tại các tụ điểm âm nhạc để đo lường mức độ “hot” của nghệ sĩ, thì hiện nay việc đo lường này khá dễ dàng nhờ những chỉ số lượt nghe, thích, chia sẻ, bình luận cụ thể trên các trang nhạc trực tuyến.
Tìm sự dung hòa giữa nghệ thuật và thị hiếu
- Nói về lượt nghe, những ca khúc được cho là “thảm họa” thường sở hữu số lượt nghe khá lớn? Liệu việc này có chứng tỏ nghệ sĩ cũng đang “hot”?
Với tôi, không có quan niệm “thảm họa” mà chỉ có quan niệm "dễ dãi" trong việc cho ra sản phẩm. Đôi khi mọi người nhầm lẫn giữa một bài hát hay đọng lại trong lòng người nghe, với bài hát có nhiều lượt nghe. Nghe vì thích hoặc nghe vì tò mò rất khác nhau. Là một nghệ sĩ, bạn nên hết sức bình tĩnh để phân biệt được điều đó nếu muốn nhận được sự yêu mến thực sự của khán giả.
Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi thống nhất trong giải thưởng ZMA năm nay cần dung hòa giữa nghệ thuật và thị hiếu người nghe, nhằm thể hiện sự trân trọng đối với các hoạt động nghệ thuật được đầu tư một cách nghiêm túc. Ví dụ như đối với các giải thưởng được trao dựa trên các chỉ số lượt tải, lượt nghe trên hệ thống Zing Mp3 cũng cần có sự xem xét từ khía cạnh nghệ thuật chuyên nghiệp.
|
- Vì thế anh và ZMA đã quyết định loại những
ca khúc “dễ dãi” khỏi các hạng mục giải thưởng năm 2011 và 2012?
Quyết định do HĐNT và BTC ZMA - đa số là những người khá tâm huyết với nghề,
với giới đưa ra sau khi bàn thảo kỹ lưỡng. Chúng tôi hy vọng đó sẽ là một trong
những bước chuyển giúp định hướng sự phát triển của ngành âm nhạc tích cực hơn.
- Anh nghĩ sao về “tư cách đạo đức” - một vấn đề khá nhạy cảm trong năm qua
cũng được báo chí đề cập khá nhiều, nhất là trong các tiêu chí đánh giá giải
nghệ sĩ của năm tại hầu hết các giải thưởng âm nhạc lớn?
Chúng ta nên phân biệt giữa tai nạn và việc cố tình gây sốc dù rằng ranh giới
của nó khá mỏng. Những ồn ào năm qua chưa chắc đã là bức tranh toàn cảnh của
showbiz. Có chăng là người ta cứ săm soi vào những lùm xùm, scandal, đưa tin
thật nhiều vì đó là đề tài ăn khách nên chúng ta thấy mặt tiêu cực nhiều hơn.
Đôi khi nghệ sĩ là người vô cùng thiệt thòi, cố gắng bao năm, chỉ một sai lầm
nhỏ cũng trở thành chuyện lớn và người ta tha hồ nhảy vào “ném đá”. Tôi mong báo
chí truyền thông ủng hộ cái tích cực nhiều hơn là soi mói vào cái xấu, biết tha
thứ nhiều hơn là ác cảm.
|
- Anh có thể chia sẻ về một vài kế hoạch trong
năm sau của mình?
Tôi lại tiếp tục nhắm đến một thị trường mới, hơi khác với cộng đồng trực tuyến,
đó là cộng đồng người nghe High-End, có lẽ nó hợp với cách sản xuất của tôi: mộc
mạc, chú tâm vào sự tinh tế.
Tôi vẫn tiếp tục việc giảng dạy âm nhạc ở MPU và Đại học Sài Gòn. Còn với âm
nhạc thương mại, tôi và một vài người bạn cùng với YAN TV sẽ có một dự án khá
thú vị sẽ giới thiệu với mọi người nay mai.
- Cảm ơn anh!
- Thúy Ngà