Họ là những tên tuổi nghệ sĩ một thời đã làm nên gương mặt của nền sân khấu, truyền hình nước nhà. Giờ đây, ở tuổi "xưa nay hiếm" họ đã lui về hậu trường với những nỗi niềm riêng đầy trắc ẩn không dễ gì chia sẻ, với những cái tết cô đơn một mình trong căn gác nhỏ, quen thuộc mà hiu quạnh...

NSƯT Trần Hạnh: Lấn bấn mưu sinh


Ông ngồi ở quán trà đá bà Thu cách nhà ông vài chục mét, một góc quán nhỏ chật chội, xập xệ ven con đường Trần Quý Cáp đông đúc hầu hết là người lao động nghèo. Quán chỉ có một chiếc bàn nhựa đỏ và vài chiếc ghế đã cũ. Ông ngồi thu lu uống ngụm trà nóng đặc quánh để tránh cái lạnh mùa đông len lỏi vào thịt da, từng điếu thuốc lá Thăng Long cháy liên hồi trên bàn tay gầy guộc, gân guốc.

Ông đội chiếc mũ lưỡi trai cũ lụp xụp, cơ thể già nua của người nghệ sĩ 85 truổi lọt thỏm trong chiếc áo bông đã sờn màu và chiếc quần kaki đã nhàu nếp gấp. Khi ngồi xuống cạnh ông, NSƯT Trần Hạnh nở một nụ cười thân quen, nụ cười khắc khổ tôi đã nhìn thấy nhiều lần trên màn ảnh nhỏ, trong những bộ phim ông tham gia như ông bí thư đảng ủy trong phim "Làng nổi", bố An trong phim "truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em"....

NSƯT Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như: ĐD Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng...

NSƯT Trần Hạnh kể lại rằng, hồi đó, tham gia diễn kịch nghiệp dư, ông chỉ nghĩ rằng nó là sự vui vẻ tạm thời, nó như sự giải khuây trong chốc lát sau những giờ làm việc vất vả để được hòa mình vào một đời sống khác, một cảnh huống khác, một tâm trạng khác của cuộc đời vốn đa diện này. Nào ngờ, cái duyên nghiệp sân khấu đã ngấm vào ông. Hay cũng có thể nói, số phận đã chọn ông để vào vai những ông già nhà quê với gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác, sống như thể nhận hết những khốn khổ của cuộc đời.

Nhìn lại cuộc đời mình, anh thợ đóng giày Trần Hạnh thủa nào ngậm ngùi vì cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim. Ông chia sẻ, có những vai diễn đã làm nên tên tuổi cho ông, những đôi khi ông diễn mà thầm khóc ở trong lòng "phim giả mà tình thật", vai diễn ấy mang tâm tư của ông, nó như cảnh đời mà ông đã phải trải qua trong suốt mấy chục năm nay...

Kể từ ngày vợ ông mất vì bị tai biến sau hai năm nằm liệt giường, giờ đây, ở tuổi 84, ông dù già yếu vẫn phải chăm cậu con trai út 47 tuổi nhưng không khác gì một cậu bé lên 5(15 năm trước, anh bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não). Ông thân gà trống nuôi con phải chợ búa, cơm nước, rau cháo, giặt giũ hàng ngày, đi đâu làm gì thì đúng giờ cơm ông phải xắm nắm trở về nhà để lo cho con.

Tôi hỏi NSƯT Trần Hạnh, năm nay là năm tuổi của ông (ông sinh năm Kỷ Tỵ 1929), nếu có vài điều ước, ông sẽ ước gì? Nghệ sĩ Trần Hạnh cười nhăn nhó, "Ôi tuổi này còn ước gì, tiền bạc rồi cũng hết, mà có ước thì nó cũng không đến dễ dàng đâu, tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để còn chăm con. Đã nhiều năm nay, tết đối với tôi như ngày thường, có khi còn buồn hơn vì chẳng biết đi đâu, làm gì, bạn bè cùng trang lứa đã về thiên cổ, hàng trà đá bà Thu nghỉ bán, đường phố vắng teo, chỉ quanh quẩn vào ra xem tivi để biết được cuộc sống thường ngày và bạn bè anh em văn nghệ sĩ của mình trên màn ảnh nhỏ..."

NSƯT Phạm Bằng: Cô đơn mãi rồi...cũng quen


Đã khá lâu, khán giả không được chiêm ngưỡng cái đầu hói tưng tửng, tỉnh queo của "sếp"Phạm bằng trên sân khấu. Cái đầu hói uy nghi khiến cho các bậc đàn em sợ "vãi linh hồn" nhưng khi về đến nhà gặp vợ thì ...lép vế, một dạ hai vâng. Với những vai diễn hài hước này, có thời kỳ, Phạm Bằng đã trở thành tâm điểm của nhiều kênh truyền hình, mang lại cho khán giả màn ảnh nhỏ sự mê hoặc mỗi khi ông xuất hiện.

Tiếng là vui vẻ, hài hước vậy nhưng trong đời sống thực hiếm ai biết rằng, thường trực trong tâm hồn ông là một nỗi cô đơn xâm chiếm, nỗi cô đơn hiện hữu mỗi đêm trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông mất sớm để lại người vợ góa 24 tuổi cùng 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn. Chính điều đó khiến cụ thành một người phụ nữ phong kiến, gia trưởng, độc đoán và khắc nghiệt. Phạm Bằng dù là cậu con trai được cưng chiều nhưng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ.

Khi đến tuổi trưởng thành, cụ muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm Bằng đi theo nghiệp diễn, cụ luôn mỉa mai cái nghề "xướng ca vô loài", cụ gọi đó là kiếp thằng hề mua vui cho thiên hạ...Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, không bao giờ bà khen ngợi và đừng bao giờ mong bà đến rạp để xem con biểu diễn, dù có thời điểm, Phạm Bằng được đánh già là một diễn viên kịch có tiếng đất Hà thành. Cũng bởi dấu ấn tuổi thơ khắc nghiệt này, nên dù trong những vở hài kịch Phạm Bằng có vui bao nhiêu, thì trong cuộc sống đời thường, ông lại nghiêm nghị bấy nhiêu. Ông kiệm lời, ông ít cười, đôi mắt ông thẳm sâu những ý nghĩa xa xăm nào đó về kiếp sống.

Ông bảo, xét cho cùng, mỗi người được ông trời khoác cho một số mệnh, bản thân ông, dù là người mua vui cho thiên hạn, nhưng cuộc sống đời thường lại lặng lẽ và cô đơn. Vợ ông mất đã hơn mười năm có lẻ. Mười năm. ông sống như một "người lạ" trong ngôi nhà của mình vì không có ai chăm sóc chu đáo.

Con chăm cha không bằng bà chăm ông...Hai con trưởng thành thì đã đi xa mỗi người một phương, còn hai người con một trai một gái đang ở cùng ông, con trai đã 39 tuổi, con gái 40 chưa lập gia đình vẫn ngày ngày bên cạnh phụ giúp ông bán bánh trôi tào, lục tào xá, chí mà phù. Tuy vậy, ông bảo, suy nghĩ của giới trẻ bây giờ cũng khác với mình, nên sự chia sẻ giữa cha với con đôi khi là một khoảng trống vô hình. Ông dù tuổi cao song có lời mời đi diễn thì ông vẫn tham gia vì như thế sẽ giúp ông khuây khỏa tuổi già., chứ ngồi ở góc nhà với những hoài niệm xưa cũ thì chỉ làm cho tuổi già thêm buồn và cô đơn. Dù biết nỗi cô đơn hiện hữu mãi rồi cũng quen...

Năm Quý Tỵ này, NSƯT Phạm Bằng tròn 82 tuổi, cái tuổi mà mỗi con người đều nhận chân ra những giá trị đích thực của cuộc sống, để biết mình đã đi và về đích như thế nào trong cõi nhân sinh. Với cái giọng hõm hỉnh: "Thôi thì trời cho sức khỏe đến đâu làm đến đấy. Năm con rồng tôi có nhạn nặng, phải nằm việc liên tục 3 tháng giời. Âu cũng là cái số, khó mà tránh khỏi, chỉ mong trong năm Tỵ sắp tới, mọi điều tốt lành sẽ đến, để có sức khỏe đi diễn, mang tiếng cười đến với nhân gian..."

Nghệ sĩ hài Văn Hiệp: Chỉ mong lòng được bình yên


Cái dáng lòm khòm, lèo khoèo, gầy như không thể gầy hơn, nửa như không vững, nửa như xiêu vẹo của ông cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Nghệ sĩ Văn Hiệp ngồi ở góc quán đầu ngõ vào nhà ông, thảnh thơi nhả khói thuốc lào sòng sọc, đôi mắt lim dim như thể mọi thứ "sung sướng" đời chỉ gói gọn trong cái hơi thuốc lào nghi ngút khỏi ấy. Nhìn ông thảnh thơi là vậy, tự do là vậy, nhưng nhắc về đời, về nghề, dường như ông không thể giấu được nỗi buồn, cô đơn của một người nghệ sĩ cả một đời cống hiến tiếng cười cho thiên hạ.

Ông chia sẻ, sống đến ngày hôm nay, ông có những cái thiệt thòi riêng mà số phận đã an bài. Vì cuộc sống thuở xưa khốn khó, vợ ông đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, và rồi bà ấy ở lại bên đó cho đến nay đã 20 năm có lẻ mà vẫn chưa về. Xa vợ lâu ngày rồi cũng quen, ông tự làm hết thảy những công to việc lớn trong nhà. Nhìn ông cứ tưởng thật khó để ông có thể tự lo liệu cho bản thân, vậy mà căn phòng nhỏ trên gác ba của ông, căn phòng chỉ chừng 8m2 thôi, đủ đầy tát cả vật dụng thường ngày, lại vô cùng ngăn nắp, sạch sẽ. Ông bảo, lúc không có việc gì thì lau dọn, sắp xếp. Còn mỗi một góc phòng thuộc về mình mà không lau dọn cho ngăn nắp thì còn sống làm sao.

Dù là diễn viên khá thành danh trong Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng Văn Hiệp chỉ nổi danh khi trở thành một diễn viên hài trong những tiểu phẩm nổi tiếng một thời như "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", sau này, khi chuyển sang lãnh địa truyền hình, ông cùng hai danh hài Quang Tèo, Giang Còi đã làm nên bộ ba đặc biệt với kịch bản "Trưởng họ chán cơm", "Trưởng thôn Văn Hiệp".

Nói về sự đam mê và yêu nghề, nghệ sĩ Văn Hiệp chia sẻ: "Đã trót theo đuổi nghiệp diễn thì làm việc và hy sinh hết cho nghề, dù hiện nay có thể nói rằng, tuổi của tôi đã hết thời rồi, phải nhường lại cho các em trẻ tuổi, năng động. Bản thân tôi , cả đời làm nghề, hạnh phúc nhất là được mọi người nhớ đến và yêu quý, đi đâu người ta nhận ra mình là "Bố Hiệp", vậy là hạnh phúc rồi". Chứ tôi chả có chức danh gì cả, chỉ làm một nghệ sĩ "chân đất" trong lòng người dân và đi lẫn vào đời sống của người dân, để quan sát họ và lại đưa họ trở lại với sân khấu".

Hỏi ông về những dự định của năm mới Quý Tỵ, nghệ sĩ Văn Hiệp lặng lẽ rít một hơi thuốc lào dài: "Tuổi của chúng tôi chỉ cầu mong sức khỏe, tôi thì không thể khỏe mà thiết...thuốc lào được. Tết giờ cũng không còn háo hức như xưa, tiền bạc thì dù chẳng kiếm được nhiều mà có nhiều cũng chẳng biết tiêu vào việc gì, thôi thì có chừng nào để lì xì cho con cháu thêm vui cửa vui nhà. Cốt là lòng mình được tĩnh lặng, bình yên, dù cả một đời nó cũng đã không nổi sóng..."

Theo ANTG