Trong cuộc đời không dài của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại một danh sách những giai nhân yêu, hâm mộ tài năng và con người của nhạc sĩ. Trong đó, không ít người chỉ là "người tình tin đồn".
Hoàng Anh đã đi quá giới hạn
Chúng tôi gặp ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh-em gái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa tiết trời buốt lạnh của Hà Nội, nhân chuyến bà ra Hà Nội tham dự một đêm nhạc Trịnh. Bằng chất giọng dịu dàng, chậm dãi đúng chất Huế, bà Trịnh Vĩnh Trinh đã mở lòng trò chuyện với phóng viên những thông tin gắn với nhạc sĩ mà xưa nay vốn chỉ là lời đồn.
Giai thoại thì nhiều, nhưng ít khi gia đình nhạc sĩ lên tiếng "đối chất". Bà Trịnh Vĩnh Trinh quan niệm rằng: "Nếu trả lời thì không biết bao giờ cho hết được. Đôi khi mỗi người hiểu theo một cách lại hay hơn. Còn khẳng định cho rõ trắng đen thì tội cho người kia lắm".
Nhắc lại câu chuyện với Hoàng Anh, bà Trịnh thẳng thắn: "Trong giáo dục của gia đình, chúng tôi ảnh hưởng khá nhiều từ tính cách của má, vì ba tôi mất khi anh Sơn mới 14 tuổi còn tôi thì chưa ra đời. Cuộc sống luôn tồn tại xấu-đẹp, nhưng chúng tôi luôn nhìn nó ở chiếu hướng của cái đẹp nhiều hơn. Riêng với trường hợp Hoàng Anh, vì sao tôi phải lên tiếng? Là vì cô ấy đã vượt quá xa ranh giới cho phép, "tung hỏa mù" cho khán giả và những người yêu anh Sơn. Sai đến tận cùng là không được phép.
Chính vì vậy, bổn phận của một người em như tôi phải nói lên sự thật để không còn xảy ra cảnh những người vì sự im lặng, lịch sự của gia đình tôi mà lợi dụng. Khi anh Sơn còn sống, rất nhiều lần Hoàng Anh mang hoa đến tặng anh nhưng anh đã nhẹ nhàng khước từ và dặn người nhà ra nhắn rằng, anh không có nhà để khỏi phải gặp. Chuyện này Hoàng Anh không hề biết và chúng tôi cũng không muốn nói để tránh cho cô sự tổn thương. Nhưng hành động của cô buộc chúng tôi phải khẳng định điều này. Đó là điều cực chẳng đã mà chúng tôi không hề muốn".
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Vũ Dao Ánh |
Kỷ niệm với ca sĩ Bảo Yến
Cũng có giai thoại kể rằng, ca sĩ Bảo Yến từng được nhà họ Trịnh nhắm làm con dâu bởi cùng là người Huế. Bảo Yến khi đó là người nổi tiếng, lại rất xinh đẹp, cũng thi thoảng qua lại đàm đạo chuyện văn nghệ với Trịnh Công Sơn...
Nói về thông tin này, bà Trịnh Vĩnh Trinh cười ý nhị: Đó là một sự liên hệ khá...buồn cười. Vì nói như thế sẽ có nhiều con gái Huế được gia đình nhắm đến chứ không riêng Bảo Yến. Nhưng với Bảo Yến, tôi và anh Sơn có một kỷ niệm. "Hồi đó, tôi mới ở nước ngoài về, anh Sơn có kể cho tôi đôi điều về Bảo Yến và bảo "Trinh lại đây anh cho nghe thử bài này hay lắm".
Tôi hỏi: Bài gì thế anh? "Trinh cứ nghe đi thì biết". Lâu quá rồi tôi không còn nhớ tên bài, chỉ biết rằng hai anh em cứ ngồi ấn đi ấn lại để nghe mà không biết chán. Điều đáng nói là ca khúc đó thuộc dòng nhạc mà người ta hay gọi là "nhạc sến", không phải gu thường nghe của anh Sơn. Có lẽ vì sức hấp dẫn đến từ giọng ca của Bảo Yến. Sau này biết nhau, tôi nhận thấy Bảo Yến có chất giọng trời cho, là một trong số ít ca sỹ có thể hát được nhiều dòng nhạc".
Hiện có rất nhiều cuốn sách viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, theo ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, trong số đó có không ít những thông tin không đúng sự thật. Xung quanh những tin đồn thất thiệt, những bóng hồng khó xác định, gia đình dự định một lúc nào đó hợp lý sẽ nhờ một người hiểu nhạc sĩ nhất để viết một cuốn sách. Ở đó, những gì đã được viết sai về nhạc sĩ sẽ được viết lại cho đúng. "Nhưng cũng có những điều tế nhị mà không biết lúc nào gia đình có thể nói ra được. Vì đưa ra thì có những đụng chạm, gây ảnh hưởng đến tên tuổi của một số người...".
Chỉ có hai người tình được công nhận
Không nói ra những "người tình tin đồn", nhưng cách mà bà Trịnh Vĩnh Trinh nói đã phần nào thừa nhận chỉ có hai bóng hồng trong cuộc đời của anh trai mình là Ngô Vũ Dao Ánh và Khánh Ly. Theo bà Trinh, chỉ có hai người phụ nữ này mới là người gắn bó với nhạc sĩ đúng nghĩa nhất. Những hình ảnh về hai người phụ nữ này cũng sẽ được gia đình dự định đặt ở một vị trí quan trọng trong Dự án "Không gian văn hóa Trịnh Công Sơn" trên đồi Vọng Cảnh (TP Huế) tới đây, khi dự án đi vào giai đoạn thực hiện.
Ngoài Khánh Ly, người khá quen thuộc với công chúng Việt Nam, người tình Dao Ánh chỉ được công chúng biết đến một cách rõ ràng gần đây (trước đây thường được viết là Dao A hoặc D.A do khi đó bà vẫn sống với người chồng cũ), khi những bức thư tình của hai người được bà mang từ Mỹ về và giao cho gia đình nhạc sĩ cất giữ. Chỉ đến lúc này, bí mật về câu chuyện tình đẹp và trong sáng của nhạc sĩ mới được hé lộ.
Dao Ánh là em gái của Bích Diễm, người mà Trịnh Công Sơn từng vương vấn nhưng không thành. Chia tay nhau, Trịnh Công Sơn đã chôn giấu tình cảm của mình qua bài hát nổi tiếng Diễm xưa. Sau khi biết chị mình chia tay với Trịnh Công Sơn, cô em Dao Ánh đã viết thư an ủi và chia sẻ cùng nhạc sỹ. Trịnh Công Sơn đã viết thư trả lời và tình cảm nảy sinh, kéo dài trong khoảng thời gian từ năm 1964 và kết thúc vào năm 1967. Lý do chia tay là bởi hai người sống trong xa cách, lại không có những hứa hẹn về "ngôi nhà và những đứa trẻ".
Cuộc tình của nhạc sĩ tiếp tục đi vào kết cục buồn. Trịnh Công Sơn chủ động chia tay với Dao Ánh bằng những lời lẽ vô cùng thống thiết. Sau năm 1975, Dao Ánh theo chồng sang Mỹ và không quên mang theo tất cả những kỷ vật đã có với nhạc sĩ. Từ những bức thư tình, những bài hát viết tay của nhạc sĩ dành cho bà, những kỷ vật như cọng cỏ khô, chiếc là ép...đều được bà Dao Ánh nâng niu gìn giữ như báu vật.
Tổng cộng có khoảng 300 bức thư viết tay được trao đi gửi lại. Khi trao những kỷ vật này cho gia đình, bà đã nói một câu mà ông Nguyễn Trung Trực- người em rể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cảm thấy nhói buốt tâm can: "Trả lại những kỷ vật này cũng đồng nghĩa với việc chị đang tự "giết" mình". Mấy chục năm qua, nhờ nó mà chị luôn càm thấy anh Sơn lúc nào cũng ở bên chị. Nhưng anh Sơn là của mọi người nên chị không có quyền giữ nó cho riêng mình"- Em rể nhạc sĩ nhớ lại.
Cái tên Dao Ánh tuy không được nói ra nhưng được ngầm hiểu là giai nhân trong hàng loạt những Mưa hồng, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố, Lời buồn Thánh...Và dấu ấn đậm chất có thể kể đến Xin trả nợ người được sáng tác khi bà Dao Ánh lần đầu về nước năm 1993, sau gần 20 năm xa cách. Mấy năm sau, bà cũng chia tay chồng khiến dư luận cho rằng: Đó là vì bà không thể "dứt tình" với những kỷ niệm cũ tưởng như đã ngủ quên.
Hai lần cưới hụt Theo ông Nguyễn Trung Trực- em rể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tuy chỉ công nhận và công khai hai người phụ nữ trong cuộc đời nhạc sĩ là Khánh Ly và Dao Ánh, nhưng không có nghĩa là những người khác ai cũng là "tình hờ". Chẳng hạn, anh Sơn đã từng hai lần "cưới hụt" và cũng có tình cảm thực sự với họ. Nhưng vì tình duyên lỡ dở và biết đâu họ cũng đang có gia đình yên ấm, nhắc đến sẽ không tốt cho cuộc sống hiện tại của họ. Hỏi về nguyên nhân, ông Trực chỉ nói ngắn gọn lý do của việc đổ bể này là bởi vì Trịnh Công Sơn sợ cuộc sống của nghệ sĩ sẽ làm khổ người phụ nữ. |
Theo Gia đình và Xã hội